Nếu bỏ HĐT đại học thành viên: Lo ngại mất dần tư cách trường đại học tự chủ

Việc duy trì Hội đồng trường ở các trường đại học thành viên là một bước đi đúng đắn, vì sự phát triển hài hòa giữa tập trung và phân quyền.

Trong không khí lắng nghe và cầu thị của quá trình xây dựng Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), nhiều người đã bày tỏ những mối quan tâm sâu sắc và mang tính chiến lược về mô hình tổ chức của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt là đối với các đại học quốc gia, đại học vùng và các trường đại học thành viên.

Một trong những điểm then chốt đang được quan tâm là: có nên tiếp tục duy trì Hội đồng trường ở các trường đại học thành viên thuộc các đại học quốc gia và đại học vùng hay không?

Bài viết “Hội đồng trường là thiết chế không thể thiếu tại cấp trường đại học thành viên”, đã nêu rõ vai trò thiết yếu, đúng pháp lí và hợp lí của Hội đồng trường như một thiết chế tự chủ, đại diện quyền sở hữu nhà nước và cộng đồng xã hội trong tổ chức đại học.

Bài viết đã nhận được sự quan tâm từ nhiều bên liên quan, bởi đó không chỉ là vấn đề kĩ thuật quản lí, mà là câu chuyện bản sắc, là sự lựa chọn giữa “trường đại học” và “đơn vị thuộc”.

 Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Bản chất của trường đại học thành viên là một đại học thực thụ

Các trường đại học thành viên của đại học quốc gia và đại học vùng, suốt hơn 30 năm qua, luôn là những cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân,do Chính phủ thành lập, có truyền thống và đội ngũ hùng hậu.

Họ không chỉ “thuộc về” một đại học lớn, mà chính là những trường đại học đúng nghĩa, có sứ mệnh riêng, có ngành đào tạo riêng, và có vai trò lịch sử quan trọng đối với đất nước.

Một khi Dự thảo không tiếp tục ghi nhận sự tồn tại của Hội đồng trường tại cấp trường đại học thành viên thì được hiểu các trường này sẽ không còn là những “đơn vị tự chủ” đúng nghĩa nữa. Họ sẽ chỉ còn là “trường thuộc”, “viện thuộc”, tức là các đơn vị học thuật nằm trong cấu trúc hành chính của một đại học cấp trên - tương tự như các "school of" trong một đại học đa lĩnh vực. Điều này sẽ dẫn đến hai hệ quả nghiêm trọng:

Thứ nhất là mất dần tư cách trường đại học tự chủ, dù có bề dày lịch sử, uy tín khoa học và ảnh hưởng xã hội;

Thứ hai là làm xói mòn mô hình đại học quốc gia và đại học vùng, bởi nếu không còn các trường đại học thành viên đúng nghĩa, các đại học quốc gia và đại học vùng sẽ trở thành “vỏ rỗng” - một trung tâm quản lí mà thiếu đi các thực thể học thuật thực chất phía dưới.

Không có Hội đồng trường, có lẽ các trường thành viên sẽ xin ra khỏi hệ thống

Một mối lo hiện hữu là: nếu quyền tự chủ, tư cách pháp nhân và thiết chế Hội đồng trường không được luật pháp bảo đảm, thì sớm hay muộn, có lẽ các trường đại học thành viên sẽ kiến nghị được tách ra khỏi đại học để phát triển như một trường đại học độc lập.

Điều này là một dự báo tất yếu. Bởi thực tế cho thấy, trong 10 năm qua, các trường ngoài hệ thống đại học quốc gia và đại học vùng - tức là những trường đại học “độc lập” - có điều kiện tự chủ cao hơn, nhanh chóng phát triển, thu hút nhân lực, chủ động hợp tác quốc tế và chuyển đổi số.

Nếu tiếp tục làm “đơn vị thuộc” mà không có cơ chế đại diện quyền lực xã hội và nhà nước thông qua Hội đồng trường, thì đội ngũ lãnh đạo và giảng viên sẽ mất dần động lực cống hiến.

Họ sẽ không còn cơ chế để cùng tham gia vào chiến lược phát triển, bổ nhiệm hiệu trưởng, hay phản biện định hướng lớn. Khi ấy, sinh khí học thuật và tự chủ đại học - vốn là linh hồn của một đại học hiện đại sẽ dần mai một.

Nếu 1-2 trường đại học thành viên xin ra khỏi hệ thống đại học thì mô hình đại học quốc gia và đại học vùng sẽ lung lay.

Hội đồng trường không mâu thuẫn với Hội đồng đại học mà bổ sung cho nhau

Có ý kiến lo ngại rằng, việc duy trì Hội đồng trường ở cấp trường thành viên có thể dẫn đến “chồng chéo chức năng” với Hội đồng đại học ở cấp trên. Nhưng thực tế cho thấy:

Thứ nhất, Hội đồng trường ở cấp trường là thiết chế đại diện cho cơ sở giáo dục đại học cụ thể, giúp trường đó tự chủ, gắn kết với cộng đồng xã hội, và đảm bảo sự minh bạch trong tổ chức bộ máy.

Thứ hai, Hội đồng đại học ở cấp đại học quốc gia hoặc đại học vùng là thiết chế định hướng chiến lược toàn hệ thống, điều phối và hỗ trợ các trường thành viên trong một tầm nhìn chung.

Hai thiết chế này không mâu thuẫn, mà bổ sung và phân tầng cho nhau trong một cấu trúc “liên đại học” hiện đại.

Cần một cái nhìn chiến lược và nhân văn hơn

Dự thảo luật cần một cách tiếp cận toàn diện, chiến lược và nhân văn hơn đối với các trường đại học thành viên. Bởi đây không chỉ là các đơn vị hành chính, mà là những thực thể học thuật sống động, có con người, lịch sử, tri thức, và khát vọng đóng góp cho đất nước.

Thực hiện tinh gọn nhưng đừng làm mất đi bản chất tự chủ và tư cách đại học của từng trường đại học thành viên.

Việc tiếp tục duy trì Hội đồng trường ở các trường đại học thành viên là một bước đi đúng đắn, vì sự phát triển hài hòa giữa tập trung và phân quyền.

Tóm lại, ban soạn thảo cần xem xét điều chỉnh dự thảo luật theo hướng: (1) khẳng định lại vai trò của Hội đồng trường như một thiết chế bắt buộc ở mọi cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, bao gồm cả các trường đại học thành viên trong đại học quốc gia và đại học vùng; (2) làm rõ sự phân tầng giữa Hội đồng đại học thuộc đại học quốc gia và đại học vùng (định hướng chiến lược toàn hệ thống) và Hội đồng trường (quản trị tự chủ cấp trường); (3) quy định trách nhiệm giải trình giữa các thiết chế này trong một hệ sinh thái đại học đa tầng, phù hợp xu hướng đại học hiện đại trên thế giới.

Hơn 30 năm qua, mô hình đại học quốc gia và đại học vùng đã tạo nên một không gian học thuật lớn mạnh - nơi nhiều trường đại học truyền thống hơn nửa thế kỉ được kết nối lại trong một cấu trúc chung, nhằm phát huy lợi thế liên ngành, liên vùng và liên kết phát triển.

Giữ Hội đồng trường - là giữ bản sắc của từng đại học thành viên. Giữ bản sắc ấy là giữ sức sống của mô hình đại học quốc gia, đại học vùng. Và giữ được mô hình đó là giữ lời hứa với tương lai giáo dục đại học Việt Nam: vững mạnh, tự chủ và khai phóng.

Hà An

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/neu-bo-hdt-dai-hoc-thanh-vien-lo-ngai-mat-dan-tu-cach-truong-dai-hoc-tu-chu-post252493.gd