Nếu Cảnh sát cơ động ngăn chặn được khủng bố, bạo loạn thì không đo đếm được bằng tiền
Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh chia sẻ việc đất nước ta còn khó khăn và phải tiết kiệm, nhưng không thể vì tiết kiệm mà không trang bị cho Cảnh sát cơ động tàu bay, tàu thủy. Vì nếu họ được trang bị hiện đại để ngăn chặn khủng bố, bạo loạn thì còn quan trọng hơn, không thể đo đếm bằng tiền.
Tại phiên thảo luận về Dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) sáng nay, 26/10, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn về việc trang bị máy bay cho lực lượng CSCĐ. Đây cũng là nội dung thu hút sự trao đổi, tranh luận của nhiều đại biểu.
Không lẽ Trung đoàn Không quân CAND lại đi mượn máy bay?
Theo ĐBQH Quản Minh Cường (Đồng Nai), sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh CSCĐ, lực lượng CSCĐ đã phát huy được vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đây là lực lượng chủ yếu sử dụng biện pháp vũ trang, bao gồm tuần tra canh gác bảo vệ mục tiêu, bảo vệ những chuyến hàng đặc biệt và tham gia trấn áp tội phạm, cần sử dụng những biện pháp vũ trang mạnh.
ĐBQH Quản Minh Cường thảo luận tại điểm cầu Đồng Nai.
Khi thực hiện nhiệm vụ, CSCĐ rất dễ ảnh hưởng quyền và lợi ích căn bản của công dân, tổ chức xã hội, quyền con người. Pháp lệnh quy định khá đầy đủ, chi tiết nhưng không thể đầy đủ, khoa học cho CSCĐ thực hiện nhiệm vụ. Nâng lên thành luật đảm bảo cho CSCĐ chủ động hơn, vừa phòng, chống việc lạm quyền, vừa tránh được xu hướng thấy việc sử dụng biện pháp vũ trang là cần thiết nhưng vì luật chưa quy định nên không dám làm.
Về việc sử dụng máy bay, ông cho rằng, Pháp lệnh CSCĐ đã quy định, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép, Bộ Công an đã thành lập Trung đoàn Không quân. Do đó, vấn đề ở đây không phải là sử dụng máy bay hay không, mà thấy rằng, nhiệm vụ của lực lượng CSCĐ cần phải sử dụng máy bay. "Ngay như Luật Hàng không Quốc hội thông qua năm 2015 cũng quy định rất rõ, Luật này không quy định về tàu bay quân sự, tàu bay chuyên dụng của lực lượng Hải Quan, Công an... Như vậy, cách đây hơn 7 năm, Quốc hội cũng đã đưa vào luật việc lực lượng Công an, Hải Quan có thể sử dụng máy bay rồi, điều này không có gì mới", đại biểu phân tích.
Toàn cảnh hội trường.
ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng nêu, thực tế Cảnh sát các nước như Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Cảnh sát Hoàng gia Campuchia đã sử dụng máy bay trực thăng rất nhiều. Theo ông, việc sử dụng máy bay không có gì gây tốn kém, lãng phí về tài chính mà vấn đề là sử dụng loại máy bay nào, sử dụng như thế nào, trong trường hợp nào và phải phối hợp với lực lượng Quân sự ra sao. Thì các nội dung đó luật đã quy định rồi.
"Trong xu thế hoạt động của tội phạm sử dụng những phương thức vô cùng tinh vi, trang thiết bị hiện đại như tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức...; việc quy định lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSCĐ nói riêng sử dụng máy bay là hết sức cần thiết. Không lẽ Trung đoàn Không quân CAND của Bộ Công an lại đi mượn máy bay ở đâu?", ĐBQH Quản Minh Cường nhấn mạnh thêm.
Không sử dụng Quân đội trong trấn áp khủng bố, bạo loạn
Một số đại biểu lo ngại tăng kinh phí cho ngân sách và cho rằng CSCĐ có thể sử dụng máy bay của Quân đội khi cần... Tranh luận về vấn đề này, ĐBQH Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) cho rằng không phù hợp, vì nhiệm vụ chính của CSCĐ là bảo đảm ANTT, giải quyết các vụ việc bạo loạn, khủng bố, mất ANTT ở các địa phương.
"Nếu sử dụng máy bay của Quân đội để tham gia trong các vụ việc này thì không phù hợp chức năng nhiệm vụ của lực lượng Công an, dễ bị các thế lực thù dịch lợi dụng, tung tin chúng ta đưa Công an, Quân đội ra đàn áp Nhân dân. Mặc dù kinh phí có tốn kém nhưng lực lượng CSCĐ phải tiến lên hiện đại, trong lâu dài phải bố trí để lực lượng này chủ động hơn trong các tình huống xảy ra", đại biểu lý giải.
ĐBQH Nguyễn Minh Đức.
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) viện dẫn Công ước về các quyền dân sự, chính trị, Hiến chương Liên Hợp Quốc về Công ước Luật biển quốc tế và Công ước về xung đột vũ trang, trong mọi trường hợp khi có vấn đề gây hấn, xung đột dân sự ảnh hưởng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của mỗi quốc gia, ví dụ như có khủng bố, bạo loạn thì không bao giờ được phép sử dụng lực lượng Quân đội để thực hiện hành vi trấn áp bảo đảm an ninh quốc gia, mà phải sử dụng lực lượng Cảnh sát.
"Dự báo xu thế cũng như tình hình thực tế đã có một số hiện tượng xảy ra về vấn đề bạo loạn, gây hấn, biểu tình trái pháp luật, gây tổn hại một phần nào đó an ninh quốc gia thời gian qua. Nếu không trang bị sớm, trang bị cho CSCĐ những loại phương tiện máy bay, tàu thủy thì rất khó khăn", đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu rõ.
"Với phương châm xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, hiện đại thì việc ưu tiên xây dựng CSCĐ tiến thẳng lên hiện đại để chủ động, kịp thời đáp ứng các tình huống. Về ý nghĩa chính trị, chúng ta không thể sử dụng lực lượng Quân đội vào công việc phòng, chống bạo loạn, lật đổ, những công việc về an ninh nội địa vì ảnh hưởng vấn đề quốc tế và trong nước" - ĐBQH Đào Hồng Vận (Hưng Yên) bày tỏ.
ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh.
Chia sẻ với một số ý kiến đại biểu, rằng đất nước chúng ta còn khó khăn, chúng ta cũng phải tiết kiệm; đồng ý lực lượng Quân đội, Công an là anh em, là lực lượng vũ trang chung, nhưng ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) khẳng định, CSCĐ là lực lượng chống khủng bố, bạo loạn, bảo đảm ANTT, là một trong những lực lượng nòng cốt, quan trọng nhất của Công an.
"Không thể vì tiết kiệm mà không trang bị cho họ tàu bay, tàu thủy. Nếu họ ngăn chặn được những vụ việc khủng bố, bạo loạn, cứu được người, cứu được vụ việc quan trọng của quốc gia thì không thể đo đếm được bằng tiền", ông nhấn mạnh.
Đồng thời theo kinh nghiệm quốc tế, những lực lượng này cần phải được trang bị hiện đại nhất, hiện nay thế giới phát triển rất nhanh, nếu chúng ta không phản ứng kịp thời thì sẽ không theo kịp tình hình. "Ngay cùng trong lực lượng Công an, khi xử lý một việc thì không phải mọi người đều phải biết, do đó cần phải trang bị máy bay cho CSCĐ. Chúng ta không nên tiết kiệm việc này, nếu tiết kiệm mà xảy ra việc gì thì chúng ta sẽ rất ân hận", ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị.