Nêu cao tinh thần đại đoàn kết

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm sâu sắc đời sống tinh thần và tâm linh của cộng đồng tôn giáo. Năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên thăm Vatican. Trước đó, năm 2010, khi còn là Chủ tịch Quốc hội, ông đến thăm tu sĩ, giáo dân, Giáo phận Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình), một trong những nơi khởi nguồn của Công giáo Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Giáo hoàng Benedict XVI năm 2013. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Giáo hoàng Benedict XVI năm 2013. Ảnh: TTXVN

Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong, Linh mục Giuse Phạm Ngọc Khuê, Chính xứ Tôn Đạo (Giáo phận Phát Diệm), chia sẻ: “Điều chúng tôi khắc ghi là tinh thần đoàn kết dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông là người đầu tiên đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam yết kiến Giáo hoàng Benedict XVI và thăm Nhà nước Vatican. Năm 2010, thời điểm là Chủ tịch Quốc hội, ông đã đến với tu sĩ, giáo dân Tòa Giám mục Phát Diệm (Giáo phận Phát Diệm)”.

Ông là vị lãnh đạo tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm Vatican (tháng 1/2013), mặc dù lúc đó Việt Nam và Vatican chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Một thông điệp quan trọng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã truyền tải trong chuyến thăm là: “Là giáo dân tốt trước hết phải là công dân tốt”. Thông điệp này đã được Giáo hoàng Benedict XVI tiếp nhận và truyền đạt lại cho Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Trong buổi gặp gỡ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng Giáo hoàng Benedict XVI một bức sơn mài có hình Chùa Một Cột ở Hà Nội, trong khi Giáo hoàng Benedict tặng lại ông một bức tranh trong nội thành Vatican.

Sau đó, phái đoàn của Tổng Bí thư hội kiến với Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cùng với Tổng Giám mục Dominique Mamberti, Ngoại trưởng Tòa Thánh, và một số chức sắc khác. Các cuộc trao đổi tập trung vào những vấn đề liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh, cũng như bày tỏ mong muốn giải quyết các vấn đề tồn đọng và củng cố sự hợp tác hiện có.

Thời điểm đó, Linh mục Federico Lombardi, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết, đây là lần thứ ba một nhân vật cấp cao của Việt Nam được Giáo hoàng Benedict XVI tiếp kiến tại Vatican, sau Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 1/2007) và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 12/2009).

Nhớ lời căn dặn

Nhớ lại chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Giáo phận Phát Diệm năm 2010, Linh mục Giuse Phạm Ngọc Khuê trầm tư kể, sau cái bắt tay đã hơn 14 năm, những ấn tượng về một nhà lãnh đạo giản dị, thân thiện và lời căn dặn về đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó đang giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XII), vẫn in sâu trong tâm trí các chức sắc tôn giáo, giáo dân.

“Tôi ấn tượng đặc biệt với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người có dáng vẻ thư sinh, nhã nhặn, ăn mặc giản dị, trò chuyện ân cần với giọng nói ấm áp và nụ cười hiền hậu. Ông đã bắt tay và hỏi thăm sức khỏe từng linh mục, tu sĩ, giáo dân; đồng thời ân cần hỏi han bà con giáo dân về đời sống và công việc của họ. Ông cũng dành nhiều thời gian để trao đổi với chúng tôi về chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước, đó là luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân”, vị linh mục kể.

Ủy ban làm việc chung giữa Tòa Thánh và Nhà nước Việt Nam đã tổ chức các cuộc họp hằng năm để thảo luận về quan hệ hai bên. Một kết quả quan trọng từ các cuộc họp này là việc Nhà nước Việt Nam đã đồng ý để Tòa Thánh bổ nhiệm Đại diện không thường trú tại Việt Nam, đó là Tổng Giám mục Leopoldo Girelli vào năm 2011.

Khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Linh mục Phêrô Nguyễn Hồng Phúc, Chính xứ Khiết Kỷ (Giáo phận Phát Diệm), nói với phóng viên, những năm qua, tu sĩ và giáo dân giáo phận Phát Diệm, đặc biệt là Giáo xứ Khiết Kỷ, đã thực hiện tốt trách nhiệm công dân và lòng kính Chúa yêu nước. Giáo dân đã chấp hành nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động, sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội và tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Nhiều giáo dân đã trở thành những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế và đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới.

“Dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi mãi mãi, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt lời dặn dò của ông cách đây 14 năm và tuân thủ nội dung Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đó là “Đồng hành cùng dân tộc, sống phúc âm trong lòng dân tộc”. Chúng tôi cam kết tiếp tục kính Chúa yêu nước và đồng hành với chính quyền và người dân huyện Kim Sơn trong việc xây dựng địa phương ngày càng phát triển”, Linh mục Nguyễn Hồng Phúc nói.

Minh Đức

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/neu-cao-tinh-than-dai-doan-ket-post1658586.tpo