Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Khi mỗi cán bộ, đảng viên đều hết lòng, hết sức thực hiện nhiệm vụ, 'đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công' thì khi đó mọi công việc sẽ được thông suốt, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển đất nước.

Thời gian qua, bên cạnh những thành tích, ưu điểm, thông qua công tác sơ, tổng kết, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chỉ ra không ít hạn chế, khuyết điểm trong công tác và đề ra giải pháp khắc phục. Một trong những hạn chế, khuyết điểm xuất hiện ở nhiều nơi là tình trạng cán bộ, đảng viên không tích cực trong công tác, làm việc cầm chừng, hời hợt, qua loa, đại khái, né tránh, thiếu trách nhiệm vẫn còn tồn tại. Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được đưa ra bàn luận. Thậm chí, nhiều chủ trương, chính sách, quy định mới đã được đề ra để khắc phục nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà nó vẫn tồn tại, làm ảnh hưởng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

“Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu phải tập hợp được đội ngũ đảng viên có tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hy sinh suốt đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Người chỉ rõ: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất cứ việc to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công”.

Có trách nhiệm là một phẩm chất đặc biệt quan trọng mà mỗi cán bộ, đảng viên phải có. Điều này đã được nêu cụ thể trong Điều lệ Đảng cũng như các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Tại Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới ban hành ngày 9-5-2024, Bộ Chính trị tiếp tục nhấn mạnh mỗi cán bộ, đảng viên phải: “Tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, có ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”. Tuy nhiên, không khó để nhận thấy, ở không ít nơi vẫn tồn tại một số cán bộ làm việc theo kiểu dễ làm, khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, “được chăng hay chớ”, gặp sao làm vậy… Họ cốt làm cho có, cho xong còn lại không quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công việc. Cá biệt, có những người thờ ơ, mặc kệ công việc, muốn ra sao thì ra, phớt lờ ý kiến tập thể. Tất cả điều này khiến hiệu quả công việc bị kéo lùi; gây lãng phí thời gian, tiền của; làm suy giảm uy tín của bản thân nói riêng và tập thể nói chung.

Đi tìm căn nguyên của tình trạng thiếu trách nhiệm, có thể thấy điều này bắt nguồn từ cả lý do chủ quan, bên trong mỗi cán bộ, đảng viên và các nguyên nhân khách quan bên ngoài.

Về mặt chủ quan, trước hết, nó bắt nguồn từ việc cán bộ, đảng viên không nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các kiến thức chuyên môn, ngại khó, ngại khổ trong công tác. Thực tế, những cán bộ làm việc thiếu trách nhiệm phần lớn là những cán bộ chưa thấm nhuần tính Đảng, lười học tập, không chịu tìm hiểu để nâng cao chuyên môn, năng lực công tác. Những người này khi bị phê bình lại sinh ra hậm hực, tự ái, trở thành mầm mống gây mất đoàn kết nội bộ. Nguyên nhân thứ hai là do cán bộ mắc phải căn bệnh chủ quan, hấp tấp, nóng vội, tự cho mình là đúng, cá nhân chủ nghĩa, kiêu ngạo, làm việc thiếu chương trình, kế hoạch. Về điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”. Một nguyên nhân khác là do cán bộ sa sút ý chí phấn đấu, đánh mất khát vọng cống hiến, an phận thủ thường, làm việc thiếu khoa học.

Xét về nguyên nhân khách quan, những khuyết điểm, tiêu cực trong công tác cán bộ vẫn đang là rào cản lớn khiến cán bộ chưa phát huy được tinh thần trách nhiệm. Có lúc, có nơi còn tình trạng cào bằng trong nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ dẫn đến người làm tốt và người làm chưa tốt đều được đánh giá như nhau. Thậm chí, còn tình trạng nhận xét, đánh giá cán bộ dựa trên sự yêu, ghét cá nhân mà không dựa vào thực tiễn kết quả công tác. Cùng với đó, tại không ít cơ quan, tổ chức chưa thực sự “khéo dùng cán bộ” như những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này dẫn đến việc cán bộ được phân công công tác không đúng chuyên môn, sở trường; quá trình làm việc không được kèm cặp, hướng dẫn đúng cách dẫn đến thui chột tài năng. Mặt khác, công tác huấn luyện cán bộ ở không ít nơi còn chưa được quan tâm đúng mức; việc dạy và dùng cán bộ còn mang tính hình thức, không phát huy hiệu quả; việc cất nhắc cán bộ còn thiếu khách quan, minh bạch.

Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta vẫn còn hết sức gian nan, vất vả và phải đối diện với nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, nước ta cũng gặp nhiều thách thức đến từ cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, từ tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ mặt trái của hội nhập trên các lĩnh vực… Trước yêu cầu đó, nếu cán bộ, đảng viên không phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong công tác thì sẽ rất khó để đưa đất nước phát triển, thậm chí điều này còn dẫn đến sự thụt lùi của đất nước so với cộng đồng quốc tế. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm là hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Từng cấp ủy, tổ chức đảng phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Đồng thời, nghiên cứu, vận dụng linh hoạt 5 chỉ dẫn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chính sách cán bộ là “hiểu biết cán bộ”, “khéo dùng cán bộ”, “cất nhắc cán bộ”, “thương yêu cán bộ” và “phê bình cán bộ”. Cùng với kịp thời khích lệ, động viên những cán bộ tâm huyết, có trách nhiệm trong công tác, các cơ quan, đơn vị phải xử lý nghiêm và kiên quyết loại bỏ những cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chỉ khi nào có một “sân chơi” công bằng về chính sách cán bộ thì khi đó cán bộ mới nỗ lực, cố gắng và hết lòng, hết sức vì công việc.

Anh Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/162941/neu-cao-tinh-than-trach-nhiem-trong-thuc-hien-nhiem-vu