Nêu cao tinh thần 'xây và chống' trong hoạt động giám sát của Quốc hội
'Trưởng, phó đoàn và thành viên các đoàn giám sát cần có bản lĩnh, dám nói thẳng nói thật, tránh tình trạng phát hiện ở cơ sở vấn đề lớn nhưng khi lên cao dần, đến Thường vụ Quốc hội thì vấn đề không còn gì. Tinh thần xuyên suốt là phải xây và chống, giám sát để phát huy được những cách làm hay và điển hình người tốt việc tốt, đánh giá cân bằng khách quan chứ không chỉ giám sát nhằm tìm ra lỗi, sai phạm, để đưa mọi việc tốt hơn' - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.
Sáng nay (4/11), Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và UBTV Quốc hội năm 2022. Hội nghị được kết nối từ điểm cầu Nhà Quốc hội đến 62 điểm cầu tại các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Chính phủ.
Tại điểm cầu TP Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Nguyễn Ngọc Tuấn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền và các ĐB Quốc hội đoàn TP Hà Nội.
Tạo chuyển biến căn bản trong nội dung, chất lượng giám sát
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, kế hoạch giám sát năm 2022 đã được UBTV Quốc hội thảo luận kỹ, nhiều lần, đảm bảo nội dung và chất lượng. Để triển khai hiệu quả kế hoạch này, công tác giám sát phải được thực hiện đến nơi đến chốn, theo tận cùng vấn đề, kết hợp phương pháp giám sát tổng hợp với giám sát chi tiết. Trong cả 4 cuộc giám sát lần này, UBTV Quốc hội đều sẽ huy động đại diện các cơ quan của Quốc hội cũng như mời đại biểu 63 đoàn ĐB Quốc hội và HĐND các tỉnh, TP, phát huy tổng lực các cơ quan chức năng tham gia.
Theo Chủ tịch Quốc hội, qua giám sát nhằm tạo ra chuyển biến căn bản về nội dung giám sát, đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân và của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, nhằm biểu dương khen thưởng kịp thời và kiến nghị có biện pháp xử lý thích đáng với những tồn tại, vi phạm, làm rõ những vấn đề dư luận cả nước quan tâm... "Một yêu cầu quan trọng đặt ra trong quá trình giám sát là không được làm ảnh hưởng, gây phiền hà đến hoạt động bình thường của các cơ quan tổ chức, nhất là trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 hiện nay” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
HĐND TP Hà Nội thể hiện trách nhiệm cao trong công tác phối hợp
Tại Hội nghị, đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng, toàn diện trên các lĩnh vực, từ các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ cho tới các cơ quan HĐND, UBND, đoàn ĐB Quốc hội, MTTQ Việt Nam các tỉnh, TP trên cả nước.
Tại điểm cầu Hà Nội, thay mặt Thường trực HĐND TP Hà Nội tham luận về nội dung “Trách nhiệm của HĐND trong việc phối hợp tổ chức giám sát chuyên đề tại địa phương” Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh, nhiệm kỳ 2016-2021, Thường trực HĐND TP đã thể hiện rất cao trách nhiệm trong công tác phối hợp tổ chức giám sát chuyên đề của của Quốc hội, UBTV Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tại TP với 33 chuyên đề giám sát. Các nội dung giám sát chuyên đề được thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực phát triển KT-XH, QP-AN, các vấn đề an sinh cử tri quan tâm. Ngoài ra, Thường trực HĐND TP đã phối hợp Đoàn ĐB Quốc hội TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tăng cường công tác giám sát, tái giám sát việc thực hiện các kiến nghị tại báo cáo của các đoàn giám sát và kịp thời đôn đốc, theo dõi các đơn vị việc thực hiện các kiến nghị của đoàn.
Trên cơ sở quy định của Luật và tiếp thu bài học kinh nghiệm từ các đoàn giám sát của Quốc hội, trong nhiệm kỳ, hoạt động giám sát của HĐND các cấp TP có nhiều chuyển biến tích cực: HĐND, Thường trực HĐND TP đã tổ chức được 23 cuộc giám sát, khảo sát; 4 Ban HĐND TP tổ chức được 154 cuộc giám sát, khảo sát; các Tổ ĐB HĐND TP tổ chức được 65 cuộc giám sát, khảo sát tại địa bàn ứng cử… Cấp TP có 919 kiến nghị sau giám sát thì tỷ lệ giải quyết xong đạt 94,3%; cấp huyện có 12.615 kiến nghị sau giám sát, tỷ lệ giải quyết xong đạt 89%; cấp xã có 32.307 kiến nghị, tỷ lệ giải quyết xong đạt 91%. Sau giám sát một số lĩnh vực có chuyển biến rõ rệt, như: Công tác VSATTP, PCCC, quản lý đô thị; giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của người dân…
Từ đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội khẳng định, Thường trực HĐND TP trong năm 2022 sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong báo cáo, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTV Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn ĐB Quốc hội TP; thực hiện đầy đủ, kịp thời và tham gia giám sát những kiến nghị, kết luận sau giám sát của các đoàn giám sát với những nội dung thuộc trách nhiệm của chính quyền Thủ đô.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề trong công tác phối hợp của HĐND TP tại các cuộc giám sát của Quốc hội, UBTV Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND TP Hà Nội kiến nghị: Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, xác định trách nhiệm cụ thể của HĐND đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTV Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Trong xây dựng các Luật chuyên ngành cần quy định rõ thẩm quyền HĐND, Thường trực HĐND để đảm bảo HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Đồng thời, UBTV Quốc hội cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, trong đó quy địnhcác chế tài, hình thức xử lý cụ thể trong thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát; tăng cường hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ, kỹ năng giám sát, nhất là giám sát chuyên đề giữa UBTV Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội với Thường trực HĐND các tỉnh, TP...
Cũng theo Thường trực HĐND TP, trong 4 chương trình giám sát của Quốc hội thì Hà Nội có 2 nội dung phải báo cáo kết quả xong trong tháng 1/2022, 1 nội dung xong trong tháng 2/2022, TP mong muốn được điều hòa về thời gian đối với các địa phương giám sát, vì thời gian cuối năm là về đích nhiều nhiệm vụ trong phát triển KT-XH của TP.
Các đoàn và từng đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, để tổ chức thực hiện kế hoạch và các vấn đề được đưa ra, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các đoàn ĐB Quốc hội các tỉnh, TP, nhất là trong việc tổ chức điều phối và thực hiện của các ĐB. Các đoàn cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, từng cá nhân ĐB thực hiện đến nơi đến chốn, đầy đủ yêu cầu của Luật và quy định của đoàn, phát huy năng lực, lắng nghe bằng nhiều kênh, trung thực khách quan, tôn trọng đối tượng được giám sát chứ không sách nhiễu, gây phiền toái ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cần quan tâm thực hiện đảm bảo yêu cầu bảo mật thông tin trong quá trình giám sát, nhất là những vấn đề liên quan quyền lợi của DN, người dân.
“Trưởng, phó đoàn và các thành viên cần có bản lĩnh, dám nói thẳng nói thật, tránh tình trạng phát hiện ở cơ sở vấn đề lớn nhưng khi lên cao dần, đến Thường vụ Quốc hội thì vấn đề không còn gì. Tinh thần xuyên suốt là phải xây và chống, giám sát để phát huy được những cách làm hay và điển hình người tốt việc tốt, đánh giá cân bằng khách quan chứ không chỉ giám sát nhằm tìm ra lỗi, sai phạm, để đưa mọi việc tốt hơn, góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH và xây dựng đất nước” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Đối với HĐND các tỉnh, TP, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhiều tỉnh, TP đã có mô hình hoạt động rất tốt nhất là công tác giám sát, trong đó Hà Nội là một ví dụ điển hình, từ đó lưu ý: Cần có sự phối hợp trong tổ chức các hoạt động làm sao thuận tiện cho địa phương, rất linh hoạt, trong đó dựa vào MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, bám sát địa phương và lắng nghe ý kiến các cơ quan đơn vị nhất là những chuyên gia, nhà khoa học. Từng bộ, ngành, cơ quan chức năng cũng cần kịp thời kiến nghị đoàn giám sát những vấn đề phát sinh, phối hợp tốt. Có những vấn đề phát sinh, thậm chí cần điều chỉnh, các đoàn giám sát cần định kỳ báo cáo UBTV Quốc hội. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan truyền thông báo chí từ T.Ư đến địa phương tham gia sâu rộng hơn quá trình giám sát của Quốc hội.