Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong đảm bảo an toàn vệ sinh lao động
BHG - Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, chúng tôi có mặt tại công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Xuân Minh (Quang Bình) - Công ty Cổ phần Thủy điện Thanh Thủy làm chủ đầu tư. Nhà máy có công suất thiết kế 10,5 MW, sản lượng điện trung bình 45 triệu KWh/năm, tổng mức đầu tư 442 tỷ đồng. Được khởi công cuối năm 2020, dự kiến đến cuối quý II năm nay sẽ hoàn thành, phát điện lên lưới quốc gia. Do có sự đầu tư bài bản, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật giám sát thi công chuyên nghiệp, công tác an toàn vệ sinh lao động (VSLĐ) được chú trọng nên tiến độ, chất lượng được đảm bảo. Đại diện chủ đầu tư cho biết, từ khi bắt đầu triển khai dự án, lãnh đạo công ty đã đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt đối với công tác đảm bảo an toàn VSLĐ. Tất cả đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân làm việc trên công trường đều được trang bị bảo hộ lao động và được kiểm tra trước khi vào ca; tại các khu vực thi công đều được lắp đặt biển báo nội quy an toàn lao động. Chính vì vậy, trong quá trình thi công nhà máy, không xảy ra vụ việc nghiêm trọng.
Là một trong những nhà đầu tư thủy điện có uy tín tại tỉnh ta, Công ty TNHH Miền Tây đang tổ chức thi công Nhà máy thủy điện Nậm Lang (Lũng Hồ - Yên Minh). Nhà máy có tổng công suất 12 MW, tổng mức đầu tư trên 446 tỷ đồng. Đến nay, dự án cơ bản hoàn thành tuyến đường quản lý, vận hành; xây dựng mới 1,65 km đường dây điện 35 KV và trạm biến áp 250 KVA; đào 450 m tuyến hầm áp lực; hố móng đập… Dự kiến, nhà máy sẽ phát điện lên lưới quốc gia vào quý III năm nay. Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Miền Tây cho biết, vấn đề an toàn lao động, vệ sinh môi trường được công ty đặc biệt chú trọng, coi đây là một trong những yếu tố then chốt đảm bảo năng suất lao động, chất lượng của dự án. Từ người đứng đầu công ty, Ban quản lý dự án đến lao động trực tiếp làm việc trên công trường đều ý thức rõ và thực hiện nghiêm quy trình đảm bảo an toàn VSLĐ trước khi vào ca.
Vấn đề an toàn VSLĐ luôn được Đảng, Nhà nước ta coi trọng và có những chỉ đạo cấp thiết, kịp thời nên đã hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc xảy ra. Theo báo cáo của Bộ Lao động - TBXH, tình hình tai nạn lao động năm 2023 giảm ở một số chỉ số chính, bao gồm số vụ, số người chết, số người bị thương nặng so với năm 2022. Trong đó, tai nạn lao động chết người giảm 8,06% số vụ, số người chết giảm 7,29%. Năm 2023, bảo hiểm giải quyết mới cho 7.326 trường hợp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn giao thông được hưởng chế độ tai nạn lao động.
Đánh giá của cơ quan chức năng cũng khẳng định, tuy đã có nhiều cải thiện, nhưng công tác an toàn VSLĐ vẫn còn một số hạn chế. Số vụ tai nạn lao động, người mắc bệnh nghề nghiệp, sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỷ đồng, và hơn 149.770 ngày công (chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động). Năm 2023 khám, phát hiện 696 trường hợp bệnh nghề nghiệp, chiếm khoảng 0,1% số người được khám. Trong những tháng đầu năm nay đã xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, như: Khoảng 13h30 ngày 22.4, tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái (thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng. Trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ máy nghiền số 3 của Nhà máy xi măng Yên Bái đã xảy ra sự cố tai nạn lao động làm 7 công nhân chết, 3 người bị thương. Hay như, khoảng 8h10, ngày 1.5, tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh, ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) xảy ra vụ nổ lò hơi khiến 6 người chết tại chỗ, 5 người bị thương.
Nguyên nhân của tình trạng trên do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều lao động chưa được huấn luyện an toàn VSLĐ, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp còn hạn chế…
Nhằm nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo an toàn VSLĐ, Ban Bí thư T.Ư đã có chỉ thị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn VSLĐ trong tình hình mới. Chỉ thị yêu cầu, bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn VSLĐ và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác an toàn VSLĐ, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh con người, góp phần cho phát triển bền vững doanh nghiệp và đất nước.
Phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng, tỉ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.
Thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, tỉnh ta có nhiều giải pháp và chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn VSLĐ. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 42 nghìn công nhân, viên chức, người lao động với trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh ta vừa phát động Tháng An toàn VSLĐ với chủ đề: “Tăng cường an toàn VSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng” và Tháng Công nhân với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết”. Đây là sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động, hướng tới xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong lao động. Đồng thời chăm lo đội ngũ công nhân, người lao động cả về đời sống vật chất, tinh thần, góp phần xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý yêu cầu các cấp, ngành, tổ chức Công đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn VSLĐ; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; quan tâm đến việc làm, thu nhập của người lao động; khích lệ đội ngũ công nhân, viên chức, lao động hăng hái thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc.