Nếu có lười đọc sách…
Giữa thế kỷ XV, Gutenberg là một thợ kim hoàn và thợ thủ công người Đức phát minh ra máy in công nghiệp đầu tiên trên thế giới. Đây chính là phát minh mở ra một thời kỳ mới trong nền văn minh của nhân loại. Nhờ có máy in mà tri thức của nhân loại được truyền bá rộng rãi, tạo ra cuộc cách mạng truyền thông lần đầu tiên. Suốt từ đó đến trước khi Internet ra đời, sách báo là con đường duy nhất cho người ta tiếp cận, mở mang kiến thức.
Tuổi thơ của bọn tôi nơi miền quê. Một cuốn sách khi ấy với chúng tôi là niềm ao ước, là hạnh phúc của tuổi thơ sau lũy tre làng. Thời ấy, tin tức thời sự, văn nghệ, ca nhạc, kiến thức khoa học phổ thông… tất tần tật đều qua chiếc loa phóng thanh treo ở đầu thôn. May mắn cho chúng tôi là ngày ấy các chi đoàn ở quê hay có tủ sách riêng, bọn nhỏ tụi tôi ra mượn thoải mái với điều kiện phải giữ gìn cẩn thận, lỡ để quăn sách hay bôi bẩn là bị chị phụ trách xoắn tai và cấm mượn. Bộ truyện đầu tiên tôi được đọc là Tam quốc chí của một bác cán bộ sơ tán hồi máy bay Mỹ đánh phá về thôn, đến bây giờ đã mấy chục năm vẫn còn nhớ như in những hình minh họa.

Ảnh: G.C
Khi xa nhà đi học ở Hà Nội, để tra cứu tài liệu làm tiểu luận, làm luận văn tốt nghiệp, nơi duy nhất chỉ có thể là thư viện. Tìm những cuốn sách hay tạp chí cần thiết, chọn lấy thông tin cần tìm, ghi vào “phích”. Hình ảnh quen thuộc khi ấy là các cô cậu sinh viên hoặc ở lỳ trên thư viện, hoặc mượn sách ra nơi vắng vẻ, miệt mài lật giở, ghi chép. Đọc sách để quên đi cái đói triền miên của sinh viên, bọn tôi khoái chí xuyên tạc câu trong bài thơ cổ Trung Quốc: “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao”, tức là mọi nghề đều thấp kém, chỉ có đọc sách là cao quý (!)
Khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước, đất nước khi đó mới mở cửa, người ta bắt đầu quen với hình ảnh những du khách “Tây ba lô”. Những người khách lưng thồ cái ba lô to kềnh, tự tin có mặt trên mọi nẻo đường, trên tay là cuốn cẩm nang du lịch Lonely Planet. Những chủ nhà trọ, người bán hàng ăn… lắc đầu chịu thua các du khách này khi tính giá cao hơn những chỉ dẫn trong cuốn sách!
Rồi thời thế thay đổi khi Internet ra đời. Ngày 19-11-1997, Internet chính thức vào Việt Nam. Kể từ khi ấy đến nay, công nghệ càng phát triển, cuộc sống càng gấp gáp, người ta càng ít có thời gian dành cho việc đọc sách. Do vậy, ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Sau đó, để đưa văn hóa đọc được phổ biến rộng rãi hơn, ngày 4-11-2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thay thế cho Ngày Sách Việt Nam trước đó.
Theo cảm nhận cá nhân, cho dù có vô số hoạt động sáng tạo của các địa phương nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách, hình như số lượng người đọc vẫn ngày một giảm đi. Thói quen đọc vẫn là điều gì đó xa xỉ trong cuộc sống rất gấp gáp này. Báo in đang thu gọn với tốc độ đáng sợ, những cuốn tiểu thuyết ăn khách nhất, những tác giả được giải Nobel văn học… các nhà xuất bản cũng chỉ dám in mỗi lần vài ba ngàn cuốn. Các nhà sách giờ đây đều bán thêm đủ thứ hàng hóa, trang bị thêm phòng đọc miễn phí mát rượi nhưng chả mấy khi có khách.
Nếu đúng vậy thì cũng phải thôi, bởi mỗi thời đại có yêu cầu riêng của mình. Thời đại của chuyển đổi số hôm nay không thể bắt người ta còng lưng lật giở tìm trang tài liệu. Cả kho tàng kiến thức của nhân loại từ A tới Z đã được số hóa, sẵn sàng trên mạng, cần sử dụng, tìm hiểu bất cứ điều gì chỉ một vài thao tác đơn giản. Cuốn sách Lonely Planet kia đã từ lâu trở thành kỷ niệm, bởi tất tần tật những gì cần khi đi du lịch đã có trên điện thoại…
Vậy nên, nếu người ta ít đọc sách đi cũng không có gì khó hiểu. Những tác giả cổ điển trên thế giới chỉ là kỷ niệm của một thế hệ xưa cũ. Thế hệ trẻ ngày nay chữ đã xấu vì quen gõ máy tính, có lẽ sẽ ngày càng khó khăn hơn khi diễn đạt một điều cần nói, bởi vốn từ trong quá trình tự đọc quá ít.
Đó là xu thế chung, khó mà cưỡng được.
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202504/neu-co-luoi-doc-sach-10b4e07/