Nếu có một thứ trên người, sẽ không được vào nhà tắm onsen ở Nhật Bản
Các nghệ sĩ xăm mình ở Nhật Bản cho biết, môn nghệ thuật của họ thường bị hiểu lầm và liên tưởng đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức 'yakuza'.
Bảo tàng Hình xăm Bunshin của Nhật Bản ở Yokohama chỉ trưng bày các tác phẩm của Yoshihito Nakano - người được biết đến nhiều hơn trong giới nghệ thuật xăm mình với nghệ danh Horiyoshi III, một bậc thầy về nghệ thuật xăm mình truyền thống của Nhật Bản.
Bảo tàng được quản lý bởi Mayumi Nakano - vợ của Horiyoshi. Mặc chiếc áo cộc tay để lộ những hình xăm bông hoa màu đỏ, xanh lá cây và vàng rực rỡ từ cổ tay đến vai, bà Nakano tâm sự rằng, mình có hình xăm đầu tiên vào năm 20 tuổi, hình xăm đó do chính tay chồng bà thực hiện.
"Hình xăm bị hiểu lầm ở Nhật Bản… Hình xăm luôn gắn liền với các băng nhóm trong thế giới ngầm, nhưng tôi đã hy vọng điều đó sẽ thay đổi theo thời gian. Mặc dù không có sự kỳ thị nào đối với hình xăm ở các quốc gia khác, nhưng xã hội Nhật Bản vẫn chưa sẵn sàng thay đổi", bà Nakano nói.
Làm chủ một loại hình nghệ thuật cấm kỵ
Năm nay 77 tuổi, nghệ sĩ Horiyoshi cho biết trong các cuộc phỏng vấn rằng, lần đầu tiên ông bị hình xăm mê hoặc là vào năm 11 hoặc 12 tuổi sau khi nhìn thấy một thành viên yakuza với hình xăm truyền thống trên toàn cơ thể tại nhà tắm công cộng ở địa phương. Horiyoshi đã có được danh hiệu Horiyoshi III, sau khi trở thành học trò của nghệ sĩ xăm mình huyền thoại Shodai Horiyoshi ở Yokohama.
Giành được vô số giải thưởng trong sự nghiệp của mình, nghệ sĩ Horiyoshi đã từng phác thảo các thiết kế của mình bằng tay cho đến những năm 1990, khi ông bắt đầu sử dụng máy xăm điện. Tuy nhiên, màu sắc và bóng mờ vẫn được ông thêm vào bằng kỹ thuật "tebori" truyền thống, sử dụng một thanh tre hoặc thanh kim loại mảnh có gắn kim ở đầu.
Giống như hầu hết các nghệ sĩ xăm mình Nhật Bản, thiết kế của Horiyoshi là biến thể của cá chép "koi" óng ánh, rồng, hổ, rắn, hoa mẫu đơn và lá phong. Các hình xăm khác được lấy cảm hứng từ các vị thần Phật giáo hoặc sinh vật thần thoại. Hoa anh đào màu hồng tươi sáng cũng là thiết kế phổ biến của ông.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Japan Times, nghệ sĩ Horiyoshi từng nói: "Những sinh vật tôi vẽ trở nên sống động trên da của ai đó".
Tại sao hình xăm có liên quan đến tội phạm?
Tuy nhiên, theo hãng tin DW (Đức), đại đa số người Nhật coi hình xăm là dấu hiệu của tội phạm. Và điều đó vẫn không thay đổi theo thời gian.
Vào thời cổ đại, người Ainu - người dân bản địa tại Hokkaido, Nhật Bản - đã xăm mình bằng mực làm từ cây chàm. Người dân trên các hòn đảo xa xôi về phía nam - hiện nay thuộc tỉnh Okinawa - cũng xăm mình với cảm hứng bắt nguồn từ môi trường và văn hóa của họ.
Trong thời kỳ Edo (từ năm 1603 đến năm 1867), xăm mình trở thành hình phạt đối với một số loại tội phạm. Kẻ trộm bị xăm, kẻ giết người sẽ bị xăm một dấu vĩnh viễn trên khuôn mặt. Không có gì ngạc nhiên khi hình xăm trở thành đồng nghĩa với tội phạm, mặc dù có sự phát triển song song của hình xăm trang trí dẫn đến sự xuất hiện của một loại hình nghệ thuật đặc biệt.
Hình xăm bị cấm hoàn toàn vào những năm đầu của thời kỳ Minh Trị, bắt đầu từ năm 1868. Người ta tin rằng, những hình xăm sẽ gây sốc hoặc xúc phạm người nước ngoài khi Nhật Bản mở cửa biên giới và cử các phái đoàn chính trị và thương mại ra nước ngoài.
Xăm mình trở nên hợp pháp một lần nữa vào năm 1948 tại Nhật Bản, nhưng nó vẫn không thể thoát khỏi sự liên tưởng tới tội phạm, đặc biệt là khi hàng chục nghìn người đàn ông trở thành thành viên của các băng nhóm yakuza trong những thập kỷ khó khăn sau Thế chiến II.
Hình xăm vẫn là một nét văn hóa phụ ở Nhật Bản
Theo hãng tin DW, với sự liên tưởng đó, các công ty tại Nhật Bản từ lâu đã từ chối tuyển dụng bất kỳ ai có hình xăm chỉ vì lo ngại rằng khách hàng hoặc đối tác kinh doanh sẽ cho rằng công ty có liên kết với thế giới ngầm.
Tương tự, bất kỳ ai có hình xăm đều có khả năng bị cấm đến bể bơi công cộng hoặc nhà tắm công cộng "sento" hoặc "onsen".
Tuy nhiên, bất chấp việc công chúng Nhật Bản vẫn không muốn chấp nhận hình xăm, đã có những dấu hiệu cho thấy thái độ của chính phủ đang thay đổi. Lo ngại về tỷ lệ tuyển dụng giảm, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết họ đang lên kế hoạch thay đổi các quy định để cho phép nam giới hoặc phụ nữ có hình xăm tham gia lực lượng vũ trang.
Kyle Cleveland - giáo sư về văn hóa Nhật Bản tại Đại học Temple (Mỹ) - cho biết: “Ở Nhật Bản, hình xăm vẫn là một nét văn hóa phụ gắn liền với những người trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật hoặc thời trang. Nhưng điều quan trọng là phải phân biệt giữa nguồn gốc lịch sử, mối liên hệ với yakuza và những hình xăm ngày nay, đặc biệt là của những người trẻ tuổi".
Ông Cleveland cho biết, đã có một cuộc tranh luận trong xã hội Nhật Bản trước Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 về việc các vận động viên từ khắp nơi trên thế giới đến thi đấu với những hình xăm lộ liễu; và cuộc tranh luận này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay khi khách du lịch nước ngoài đổ xô đến Nhật Bản. Nhưng những hình xăm này khác với những hình xăm là biểu tượng của thế giới ngầm, ông nói thêm.
Ông Cleveland chỉ ra, những hình xăm của các thành viên băng nhóm yakuza mang "tính biểu tượng sâu sắc và được thiết kế để biểu thị tư cách thành viên của một nhóm tội phạm".
Mặt khác, các thiết kế phổ biến hơn, chẳng hạn như thiết kế hoa hoặc động vật vui nhộn, một câu trích dẫn hoặc hình ảnh yêu thích, lại cực kỳ mang tính cá nhân, và thường đánh dấu một bước chuyển đổi trong cuộc đời mỗi người, chẳng hạn như kết hôn, sinh hoặc tử, ông Cleveland nói thêm.