Nếu điều chỉnh về học phí cần thông báo sớm để địa phương, trường ĐH đỡ vất vả
Trước thềm năm học mới, Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81, trong đó không tăng học phí năm học 2023-2024.
Trước thềm năm học mới 2023-2024, thông tin không tăng học phí đã nhận được nhiều sự quan tâm.
Trên thực tế, việc áp dụng mức học phí theo Nghị định 81 hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn do người dân vừa trải qua đại dịch Covid-19 kéo dài. Mặc dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, tuy nhiên điều kiện kinh tế - xã hội đất nước vẫn chưa khôi phục hoàn toàn. Do vậy, việc thực hiện thu học phí theo Nghị định 81 với các địa phương, đặc biệt những tỉnh khó khăn sẽ tạo ra nhiều áp lực cho người dân.
Tuy nhiên, trước đó vào tháng 7, Hội đồng nhân dân nhiều tỉnh, thành đã áp dụng Nghị định 81 để ban hành khung học phí cho năm học tới. Trong đó, có địa phương giữ nguyên học phí như năm học 2022-2023 như Kon Tum, Vĩnh Phúc,... Một số địa phương chủ trương miễn học phí như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu… Nhiều địa phương khác lại tăng khá mạnh về học phí so với năm học trước như Bắc Giang, Long An, Hà Nội…
Là một trong những tỉnh, thành thuộc khu vực Tây Nguyên, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum cho biết:
“Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum đã thông qua mức học phí năm học 2023-2024. Theo đó, học phí năm học 2023-2024 giữ ổn định như năm học 2022-2023”.
Hiện mức thu học phí của tỉnh Kon Tum dao động từ 50.000 đồng/học sinh/tháng - 140.000 đồng/học sinh/tháng, tùy vùng và tùy cấp bậc. Nhìn chung mức thu này khá sát với mức tối thiểu theo khung học phí được quy định tại Nghị định 81.
Cũng chia sẻ với những khó khăn của người dân khi học phí tăng trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, ông Phạm Đức Huệ - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cho biết, đơn vị đã áp dụng mức thấp nhất trong khung học phí tại Nghị định 81. Cụ thể, mức học phí theo bậc học và khu vực, cao nhất là bậc trung học phổ thông 115.000 đồng/học sinh/tháng.
Theo ông Huệ, Nghị định 81 có mức học phí cao gấp 300% so với Nghị định 86/2015/NĐ-CP trước đây. Trong khi đó, Gia Lai là một tỉnh còn nhiều khó khăn, với hơn 40% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, việc tăng học phí đột ngột sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, áp lực cho người dân.
Vừa qua, Nghị quyết của tỉnh về việc xây dựng học phí năm học 2023-2024 được xây dựng căn cứ theo Nghị định 81 của Chính phủ. Hội đồng nhân dân tỉnh đã lấy mức thấp nhất ở khung quy định để xác định mức thu học phí, tuy nhiên mức này vẫn cao hơn gấp 3 lần so với Nghị định 86 trước đây.
Vị Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính phân tích, năm học 2022-2023, khi áp dụng việc tăng học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81, nhận thấy còn nhiều khó khăn nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165 (Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023) yêu cầu giữ nguyên mức học phí như năm học 2021-2022, phần chênh lệch sẽ do ngân sách cấp bù.
“Tuy nhiên, Nghị quyết 165 chỉ có phạm vi điều chỉnh trong năm học 2022-2023, do vậy, tới năm nay, các địa phương quay lại tiếp tục thực hiện thu học phí theo Nghị định 81, đồng nghĩa các khó khăn vẫn giống như trước đây”, ông Huệ nêu điểm khó khăn.
Ông Huệ cho rằng, việc thực hiện tăng học phí nên thực hiện theo lộ trình, hoãn không tăng học phí không phải là giải pháp có thể áp dụng lâu dài.
“Việc thu học phí có thể thực hiện tăng theo lộ trình, ví dụ như học phí năm học 2023-2024 có thể tăng 30% so với năm học 2021-2022. Như vậy sau 3 năm, chúng ta có thể đạt mức theo quy định tại Nghị định 81. Điều này nhằm giảm áp lực và tránh gây sốc cho người dân”, ông Huệ đề xuất ý kiến.
Trong khi đó, nhiều ý kiến khác lại cho rằng Chính phủ nên xem xét hướng đến chủ trương miễn học phí cho các cấp bậc nằm trong chủ trương phổ cập giáo dục.
“Hoãn tăng học phí chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt. Về lâu về dài, nhà nước cần hướng tới lộ trình miễn học phí các cơ sở giáo dục công lập từ bậc mầm non tới trung học cơ sở. Đặc biệt những địa phương còn nhiều khó khăn, thuộc vùng sâu vùng xa, miền núi, việc tăng học phí sẽ là thách thức đến trường với các em học sinh”, một chuyên gia giáo dục nêu quan điểm.
Liên quan đến các chỉ đạo về học phí, đại diện một Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ nếu có điều chỉnh cần sớm chốt phương án và có thông báo sớm để các địa phương chủ động triển khai.
“Thông thường, tháng 7 hàng năm, Hội đồng nhân dân các tỉnh sẽ thông qua mức học phí năm học mới. Ngày 5/9 hàng năm khai giảng và bắt đầu thu học phí. Do đó, nếu có điều chỉnh về các chỉ đạo liên quan tới học phí, mong Chính phủ chốt và thông báo sớm cho các địa phương. Tránh việc thông báo điều chỉnh muộn như năm vừa rồi (Nghị quyết 165 ban hành cuối tháng 12 năm 2022 - PV) khiến các công tác tính toán, hoàn trả học phí rất vất vả”, vị này đề xuất.
Hiện mức học phí mới của các tỉnh, thành phố được công bố căn cứ theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ. Nghị định này quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Theo khung học phí năm học 2022-2023 của Chính phủ quy định tại Nghị định 81, từ năm học 2023-2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỉ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân, nhưng không quá 7,5%/năm.