Nếu được, mong Kinh tế & Đô thị làm cầu nối...
Tôi kinh doanh các sản phẩm gỗ xuất đi Nhật, nên được một người bạn gửi link về bài đánh giá thị trường Nhật Bản của báo Kinh tế & Đô thị. Một góc nhìn của một người đang làm cho chính công ty Nhật Bản đã khiến chúng tôi quan tâm.
Thực tình, không phải chờ đến lúc quý báo đăng bài chúng tôi mới chuyển hướng sang thị trường nội địa, nhưng những phân tích trong loạt bài đã cho chúng tôi thêm kênh thông tin.Tôi nhất trí với đánh giá cho rằng tại thị trường Việt Nam và một số nước trên thế giới thực phẩm và hóa phẩm, chất tẩy rửa, vệ sinh cá nhân, nhà cửa là các sản phẩm được người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn. Điều này tiếp thêm sự tự tin cho chúng tôi mở rộng thị trường trong nước.Khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy có sự thay đổi trong các yếu tố chọn mua sản phẩm. Nếu như trước đây, người tiêu dùng quan tâm đầu tiên đến hình thức bắt mắt của sản phẩm thì hiện nay các yếu tố như an toàn vệ sinh, tốt cho sức khỏe và thông tin cụ thể (hạn dùng, thành phần, hướng dẫn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ…) được người tiêu dùng quan tâm hơn khi chọn mua sản phẩm.Từ đó, nhiều doanh nghiệp trong đó có Việt Lào đã phải điều chỉnh sản xuất để đáp ứng xu hướng, thói quen tiêu dùng này. Một điều đáng quan tâm nữa là các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tự chọn) là các điểm mua được người tiêu dùng thành thị chọn đến nhiều hơn. Đặc biệt, kênh mua sắm online ngày càng khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng nên chúng tôi đã phải đăng tuyển thêm chuyên gia marketing online, cám ơn quý báo đã cung cấp thông tin.Rõ ràng, văn hóa tiêu dùng trên thế giới và Việt Nam đang có sự thay đổi đáng kể. Các yếu tố tiện lợi, dễ tìm mua, uy tín thương hiệu được người tiêu dùng ưu tiên quan tâm khi chọn mua sản phẩm. Đồng thời, các yếu tố quảng cáo truyền thống, khuyến mãi… hiện nay không còn là tác nhân quan trọng tạo nên sức hút đối với người tiêu dùng như trước đây.Bạn muốn hỏi tôi sẽ quan tâm điều gì nữa ư? Với tư cách doanh nhân, tôi và một số anh em trong này không quá quan tâm đến những vấn đề cao siêu nặng về lý luận. Điều tôi và nhiều giám đốc công ty cần là những thông tin liên quan đến việc kinh doanh. Các anh viết về thị trường Đức, thị trường Mỹ, thế là ổn… họ cần gì và làm thế nào để lọt được vào thị trường đấy, đó là cái chúng tôi quan tâm, thậm chí đang tìm đọc. Còn vấn đề học thuật thì chúng tôi có thể đọc ở các tài liệu khác, các buổi tọa đàm chuyên sâu.Nếu được Kinh tế & Đô thị sẽ làm cầu nối cho các doanh nghiệp, giữa nhà sản xuất và đại lý bán hàng, người tiêu dùng Việt. Là địa chỉ tin cậy để các doanh nhân chia sẻ, thậm chí là “than thở” những khó khăn trong quá trình tìm kiếm thị trường thời hậu Covid-19. Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm, việc sử dụng gỗ tự nhiên phục vụ trong đời sống con người là một trong những nguyên nhân gây ra nạn phá rừng, hủy hoại thiên nhiên một cách trầm trọng.Trong bối cảnh nguồn gỗ rừng ngày càng cạn kiệt, để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng đồ nội thất ngày càng lớn và đa dạng của người tiêu dùng, gỗ công nghiệp ra đời. Với sự xuất hiện của gỗ công nghiệp, các cửa hàng đã đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã, số lượng cửa hàng, showroom, siêu thị nội thất cũng mọc lên ngày một nhiều và có quy mô lớn hơn trước.Gỗ công nghiệp hiện khá đa dạng, gồm ván MDF (ván sợi ), MFC (ván dăm), ván ghép thanh (gỗ ghép)…, được sử dụng rất rộng rãi. Nhưng công tác truyền thông còn kém và việc triển khai các kênh bán hàng còn hạn chế, chủ yếu là khách hàng đến trực tiếp cửa hàng, showroom để khảo giá, mua sản phẩm, mất nhiều thời gian của người mua. Qua loạt bài của Kinh tế & Đô thị, chúng tôi thấy cần đẩy mạnh công tác makerting, đa dạng hóa kênh bán hàng, trong đó cần xây dựng và đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến. Là tờ báo có thế mạnh 2 lĩnh vực kinh tế và đô thị, tôi muốn Kinh tế & Đô thị có thêm những bài viết sâu về các vấn đề hạ được giá thành, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam. Ví dụ làm thế nào để hạ thấp được các chi phí vận chuyển đối với các doanh nghiệp xuất khẩu? Câu chuyện vùng nguyên liệu của ngành gỗ cần được quy hoạch và phát triển như thế nào?Tôi tin chắc các doanh nghiệp của nhiều ngành hàng khác cũng có những mong muốn như chúng tôi. Tiếp cận và chia sẻ kinh nghiệm để hàng Việt Nam có thể thắng thế trên sân nhà bằng chính chất lượng, giá cả và hậu mãi chăm sóc khách hàng chu đáo.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/neu-duoc-mong-kinh-te-do-thi-lam-cau-noi-398982.html