Nếu giảm thuế, phí mà giá xăng dầu tiếp tục tăng thì cần tính đến các quỹ an sinh
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nếu giảm các loại thuế, phí mà giá xăng, dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng cao thì cần tính đến việc sử dụng các quỹ an sinh để giữ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Sáng 16/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề cung ứng, điều hành giá xăng dầu thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn sáng 16/3.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá thế giới do chủ yếu sử dụng linh hoạt các công cụ bình ổn giá. Trong đó, tại nhiều kỳ điều hành, đã trích từ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu từ 500-1.500 đồng/1 lít xăng dầu tùy loại.
“Nếu không trích quỹ này, chúng ta không thể có giá thấp hơn thế giới. Trong bối cảnh thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước thì việc duy trì Quỹ bình ổn rất quan trọng, nhưng quỹ có hạn, hiện chỉ còn khoảng 600 tỷ đồng, trong khi quỹ này tại nhiều doanh nghiệp đã “âm” lớn… Trong bối cảnh đó, 2 Bộ: Tài chính, Công Thương đã đề xuất và Chính phủ có Nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Nếu chính sách này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, áp dụng từ 1/4 thì hy vọng giá xăng, dầu sẽ giảm”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận: Nếu giá xăng, dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng cao thì sẽ nghiên cứu giảm tiếp các loại thuế, phí khác… Nếu hết công cụ thuế, phí mà giá vẫn cao, để giữ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát thì có thể đề xuất cấp có thẩm quyền sử dụng các quỹ an sinh để hỗ trợ những đối tượng nghèo, hỗ trợ thuế đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu.