Nếu giới trẻ quay lưng, âm nhạc truyền thống đã lụi tàn…
Có một thực tế không thể phủ nhận là âm nhạc truyền thống giờ đây không còn được giới trẻ đón nhận mặn mà như trước. Điều đó khiến nhiều người bi quan nghĩ rằng giới trẻ đang quay lưng với âm nhạc truyền thống. Thế nhưng, không ít người trong cuộc dường như lại có cái nhìn tích cực và rộng lượng hơn khi cho rằng, thế hệ trẻ ngày nay không hề quay lưng, bởi nếu họ thực sự quay lưng, âm nhạc truyền thống đã lụi tàn…
Âm nhạc truyền thống với giới trẻ Chúng ta vẫn mặc định rằng, nhiều bạn trẻ hiện nay đang quay lưng với âm nhạc truyền thống. Nhưng thực tế có thực sự tồi tệ đến như vậy không? Nhìn vào những nỗ lực đưa âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ thời gian qua, có thể nhận thấy nếu thực sự có nhiệt huyết, quyết tâm, bền bỉ, thì mọi sự dù khó, đều có thể có được trái ngọt, để thấy phải bắt tay vào làm, đưa âm nhạc truyền thống vào đời sống, tiếp cận với giới trẻ, mới thấy không quá bi quan. Báo Nhà báo & Công luận có chuyên đề “Âm nhạc truyền thống với giới trẻ” để làm rõ hơn những điều này.
Âm nhạc truyền thống: Đã có những lúc như ngọn đèn trước gió
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ, khoảng những năm 80 trở về trước, bên cạnh các trào lưu âm nhạc phương Tây rất thịnh hành được du nhập vào Việt Nam với những tên tuổi lớn như The Carpenters, ABBA, Boney M, Bee Gees, Modern Talking, Wham!, Scorpions... khiến cho giới trẻ điên đảo thì dòng âm nhạc truyền thống của Việt Nam với những loại hình như tuồng, chèo, cải lương, quan họ, ca Huế… vẫn có chỗ đứng riêng, không hề bị lép vế.
Thời đó, nhạc trẻ nói chung, âm nhạc phương Tây nói riêng và các dòng âm nhạc truyền thống trong nước cùng song song tồn tại, tạo nên bức tranh đời sống âm nhạc khá thú vị ở trong nước. Nếu như ở các đám cưới, đám tiệc tùng, cuộc vui… giới trẻ hào hứng, cuồng nhiệt với những bản nhạc sôi động, đầy cuốn hút và mới lạ của ABBA, Boney M, Bee Gees, Modern Talking... được thu âm từ các loại đĩa nhựa (đĩa than), băng cối, băng cassette… thì ngược lại những buổi chiếu cải lương vào mỗi tối thứ bảy trên truyền hình, và đặc biệt là những đêm diễn tuồng, chèo, cải lương ở các sân hợp tác xã hay sân vận động cũng luôn đông kín người trẻ đến xem.
Thời ấy, lứa những người sinh ra vào những năm thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, yêu thích âm nhạc truyền thống không kém gì nhạc trẻ. Việc thưởng thức âm nhạc truyền thống lúc ấy cũng không hề dễ, chủ yếu qua sóng phát thanh, truyền hình, thỉnh thoảng mới có gánh hát về biểu diễn, và sau này có thêm băng cassette.
Nếu như ở ngoài Bắc có quan họ, chèo thì ở trong Nam có tuồng, cải lương. Thậm chí, ở miền Nam, sự phát triển của cải lương có lúc còn lấn át cả tân nhạc. Vào thời vàng son của cải lương, mỗi đêm diễn luôn thu hút hàng nghìn khán giả, có lúc người xem còn phải sắp hàng mua vé chợ đen.
Vì thế, việc thanh niên miền Nam nhiều người nhớ và thuộc nằm lòng các bài vọng cổ, cải lương hay tích tuồng nổi tiếng như: Tình anh bán chiếu, Dạ cổ hoài lang, Lưu Bình Dương Lễ, Tô Ánh Nguyệt, Đời Cô Lựu… là điều dễ hiểu. Và thời đó các nghệ sĩ tên tuổi như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Dũng Thanh Lâm, Minh Cảnh, Minh Phụng, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Minh Vương, Lệ Thủy, Út Bạch Lan, Thanh Sang,... chính là thần tượng của họ.
Đến những năm 90, âm nhạc truyền thống bắt đầu yếu thế dần để nhường chỗ cho các trào lưu âm nhạc mới, đặc biệt là khi Internet phát triển mạnh cùng với chính sách mở cửa giao lưu với bên ngoài được tăng cường, thông thoáng hơn. Bắt đầu từ đây, người ta thấy thưa dần các gánh hát về miền quê, các sân khấu cải lương cũng vắng ánh đèn… thay vào đó là những show diễn tân nhạc hoành tráng với âm thanh, ánh sáng điện tử lộng lẫy và đi cùng với đó là sự xuất hiện của ngày càng nhiều các hình thức phát hành và thưởng thức âm nhạc mới thông qua mạng Internet, nhạc số…
Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của âm nhạc hiện đại như những cơn sóng lớn không chỉ phân hóa đối tượng người xem mà còn đẩy âm nhạc truyền thống xa dần với khán giả, nhất là khán giả trẻ. Nhiều thể loại âm nhạc truyền thống mất dần người xem, nghệ sĩ chật vật tìm khán giả, thậm chí có loại hình đứng trước nguy cơ mai một.
Đặc biệt, có một thực tế không thể phủ nhận, đó là giới trẻ ngày càng không còn mặn mà với âm nhạc truyền thống như trước, thay vào đó họ đi tìm cho mình những hình thức âm nhạc giải trí mới được cho là hấp dẫn hơn, phù hợp hơn. Điều này khiến cho âm nhạc truyền thống có lúc được ví như “ngọn đèn trước gió”, le lói chực tắt trước cơn bão văn hóa ngoại lai ào ạt bủa vây tứ bề.
Sự thờ ơ của lớp trẻ với âm nhạc truyền thống có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, và cũng tốn không ít nhiều giấy mực của giới nghiên cứu, phê bình, quản lý.
Bàn đến vấn đề này, vào năm 2021, trong một báo cáo kết quả khảo sát của sinh viên Khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ thuật (Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh) về “Thị hiếu âm nhạc truyền thống Việt Nam của giới trẻ hiện nay” có một ý rất đáng để cho chúng ta phải suy ngẫm, đó là: “Âm nhạc truyền thống Việt Nam không thu hút được giới trẻ một phần là do giá trị nghệ thuật của nó cao và khó cảm nhận được, các bạn trẻ sẽ dễ bị thu hút bởi những yếu tố âm nhạc dễ nghe và cuốn hút (như nhạc kpop, nhạc sàn, hay remix... – PV), họ sẽ ít để ý đến các giá trị nghệ thuật sâu bên trong một tác phẩm. Mặt khác, âm nhạc truyền thống Việt Nam cũng đang thiếu sự linh hoạt, sáng tạo để có thể phù hợp với các giai đoạn mới mà vẫn giữ được những giá trị cốt lõi riêng biệt”.
Những ý kiến của giới trẻ, của chính những người trong cuộc như trên có lẽ là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ trước khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Giới trẻ có thực sự đang quay lưng với âm nhạc truyền thống của dân tộc?”.
Từ thực tế của những người trong cuộc
Người trong cuộc ở đây chính là giới trẻ, những người thuộc thế hệ 8X, 9X và Gen Z hiện nay. Họ là lớp người của thời kỳ cách mạng 4.0, chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa mới, trào lưu mới, lối sống mới… nên cũng dễ hiểu là lớp người được cho là không còn mặn mà với âm nhạc truyền thống. Vậy liệu điều đó có hoàn toàn đúng như chúng ta vẫn nghĩ.
Thế nhưng, với PGS - Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan - người đã dành gần như cả cuộc đời nghiên cứu, bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc, lại có cái nhìn cởi mở và lý trí hơn khi cho rằng: “Thế hệ trẻ ngày nay không hề quay lưng. Bởi nếu họ thực sự quay lưng, âm nhạc truyền thống đã lụi tàn”.
Qua quan sát thực tế và từ các nguồn tài liệu nghiên cứu thấy rằng, hiện nay, âm nhạc truyền thống đang phải đối mặt với những thách thức của thời đại, nhất là trong bối cảnh đất nước chúng ta đang du nhập rất nhiều các thể loại âm nhạc khác nhau, sôi động, hiện đại nên dễ dàng thu hút giới trẻ thưởng thức. Chính vì thế, âm nhạc truyền thống đang có sự “lép vế” hơn so với các loại hình nghệ thuật khác, từ đó khiến cho thế hệ trẻ chưa quan tâm nhiều, hoặc chưa có điều kiện để quan tâm nhiều đến âm nhạc truyền thống.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ thì thực tế không hẳn như vậy bởi âm nhạc truyền thống của chúng ta vẫn đang như một mạch ngầm bền bỉ chảy giữa một đại dương mênh mông các trào lưu âm nhạc mới.
Và trong một đại dương mênh mông khó định hướng bến bờ ấy, bên cạnh một lớp bạn trẻ đang bị hấp dẫn bởi sự hào nhoáng, choáng ngợp của các dòng nhạc mới thì cũng có không ít bạn trẻ lại cảm thấy hứng thú và tìm thấy sự yêu thích với những âm bậc ngũ cung đầy quyến rũ của “hò, xự, xang, xê, cống” hoặc những tích tuồng, lớp lang đầy thâm sâu, uyên bác, thậm chí có những bạn trẻ còn mạnh dạn dấn thân vào con đường chông gai, khó khăn trong việc làm mới âm nhạc dân tộc bằng cách đưa âm nhạc truyền thống vào âm nhạc hiện đại để tạo nên sự tươi mới, gần gũi và hấp dẫn hơn. Những việc làm ấy nếu không có sự đam mê, yêu thích thì khó có thể đeo đuổi được, nhất là trong bối cảnh âm nhạc toàn cầu hóa như hiện nay.
Chính vì thế chúng ta không khó để tìm thấy những phong trào, nhóm nhạc, câu lạc bộ âm nhạc dân tộc đang phát triển, tự khẳng định được chỗ đứng của mình trong môi trường văn hóa đa dạng, phức tạp hiện nay như: Phong trào sân khấu học đường ở trong Nam, chương trình “Tinh hoa nhạc Việt” ở ngoài Bắc, Câu lạc bộ Cầm Ca, Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà, Câu lạc bộ Nhạc cụ truyền thống (Đại học FPT), Dự án Nhã Âm, Nhóm Chèo 48h… do chính các bạn trẻ làm chủ và quy tụ được số lượng lớn các bạn trẻ tham gia để cùng vui chơi, trình diễn và hướng đến việc bảo tồn các giá trị nghệ thuật âm nhạc truyền thống.
Đi xa về các vùng quê, các bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn có vô số các lớp học chèo, quan họ, hát xoan, then, ví dặm, ca Huế, cồng chiêng… dành cho lớp trẻ do chính các nghệ nhân truyền dạy theo lối cầm tay chỉ việc. Điều đó cho thấy lớp trẻ không và chưa bao giờ quay lưng với âm nhạc dân tộc.
Việc một bộ phận không nhỏ giới trẻ ngày nay còn thờ ơ với âm nhạc truyền thống suy cho cùng cũng là một hiện tượng tự nhiên, dễ hiểu trước sự tác động của môi trường văn hóa, xã hội khi mà sức đề kháng của chính họ chưa đủ mạnh cộng với sự định hướng của gia đình, nhà trường và xã hội chưa đủ lớn. Vấn đề là chúng ta phải tìm ra giải pháp để đưa âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ cũng như đưa giới trẻ đến với âm nhạc truyền thống.
Bàn về vấn đề này, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long - người đã có nhiều năm nghiên cứu về âm nhạc truyền thống và cũng chính là người có nhiều dự án đưa âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ, từng cho rằng: Muốn bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống cần phải bắt đầu từ giáo dục. Giáo dục không nhất thiết phải gò bó vào một cái gì đó quá cứng nhắc mà cần thật thoải mái, nhưng phải nằm trong quy định của các bộ môn học.
Khi âm nhạc truyền thống được nằm trong giáo trình cũng giống như việc chúng ta đào tạo các môn kỹ năng để các em biết được giá trị của nó. Qua đó, khi các em lớn lên, dù khám phá điều mới lạ nhưng không quên giá trị truyền thống. Thậm chí, kể cả khi các em khám phá cái mới lạ nhưng đến một thời điểm nào đó nhìn lại và sẽ nhận ra rằng âm nhạc truyền thống Việt Nam rất là thú vị.
“Tôi nghĩ nếu giới trẻ có điều kiện tiếp xúc nhiều thì nhiều bạn trẻ sẽ không từ chối nghệ thuật truyền thống đâu. Và nếu họ thích với tâm thế thưởng thức nghệ thuật thì sẽ là cách bảo tồn thiết thực nhất” - nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, thì ngày nay, việc truyền dạy âm nhạc truyền thống tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, những làn điệu dân ca đã được tạo dựng và gìn giữ từ bao thế hệ cha ông giờ chỉ còn được kế thừa ở những nghệ nhân lớn tuổi. Mặc dù nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ, vẫn có thái độ trân trọng di sản âm nhạc dân gian truyền thống của quê hương nhưng không có khả năng diễn xướng những giai điệu đó một cách chính xác và đúng phong cách.
“Chính vì thế, tôi cho rằng, để có thể nối tiếp được những làn điệu tinh hoa của dân tộc, chúng ta cần phải tập trung tổ chức các lớp truyền dạy, tổ chức các lớp tại địa phương để những nghệ sĩ trẻ hát hay, đàn giỏi truyền dạy lại cho các em nhỏ hơn. Bởi nghệ thuật dân gian là nghệ thuật truyền khẩu, nghệ thuật tự cọ sát, tự sáng tạo” – nhạc sĩ Đặng Hoành Loan nhấn mạnh.
Có thể nói, dù thực tế có nhiều khó khăn, cám dỗ, nhưng giới trẻ hiện nay không hề quay lưng với âm nhạc truyền thống. Dẫu không sôi nổi, rầm rộ, hoành tráng như các phong trào âm nhạc đương đại nhưng các sân chơi và những hoạt động của giới trẻ đối với âm nhạc dân tộc vẫn đang diễn ra và ngày càng thiết thực, hiệu quả, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ ngày càng lớn của xã hội. Và cũng nhờ đó mà âm nhạc dân tộc được quảng bá mạnh mẽ đến với công chúng trong và ngoài nước.
Điều đó cho thấy giới trẻ và âm nhạc truyền thống sẽ luôn đồng hành cùng dòng chảy văn hóa của dân tộc. Bởi nói như nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan: “Thế hệ trẻ ngày nay không hề quay lưng với âm nhạc truyền thống”.