NÊU GƯƠNG ĐI KÈM QUY TRÁCH NHIỆM

Hôm qua (15-11), Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực.

Đáng chú ý, Điều 34 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng nếu không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức; không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu, bia trong địa điểm không được uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý điều hành...

Có thể khẳng định: Sự ra đời của Nghị định 117 cùng với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến rượu, bia, đặc biệt là ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông; được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Kết quả bước đầu trong thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được dư luận đánh giá rất cao. Tuy nhiên, thời gian qua, nhất là khi Chính phủ nới lỏng cách ly xã hội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thì tình trạng người lái xe uống rượu, bia, vi phạm quy định an toàn giao thông lại tái diễn khá phổ biến. Trước cửa các quán nhậu, từng hàng xe máy, ô tô đậu dài, phía trong thực khách nâng cốc chúc tụng nhau mà nhiều trong số đó là người điều khiển phương tiện giao thông.

Các thành viên Cộng đồng cựu học sinh THPT TP Hà Nội khóa 1991-1994 khởi xướng sự kiện đi bộ kêu gọi hành động "Đã uống rượu bia, không lái xe"/ Ảnh minh họa/nhandan.com.vn.

Các thành viên Cộng đồng cựu học sinh THPT TP Hà Nội khóa 1991-1994 khởi xướng sự kiện đi bộ kêu gọi hành động "Đã uống rượu bia, không lái xe"/ Ảnh minh họa/nhandan.com.vn.

Từ xưa đến nay, việc sản xuất và tiêu dùng rượu, bia đối với người Việt đã là một thói quen cố hữu. Muốn thay đổi thói quen đó là rất khó khăn, đòi hỏi phải có thời gian, với những biện pháp quyết liệt, đồng bộ, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục, can thiệp bằng các biện pháp cưỡng chế là rất quan trọng. Đặc biệt, việc nêu gương, đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tại hại của rượu, bia được dư luận kỳ vọng là một trong những giải pháp then chốt góp phần thay đổi hành vi của cán bộ, đảng viên trong sử dụng rượu, bia. Khi cán bộ, đảng viên gương mẫu trong việc chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ góp phần lan tỏa thói quen tốt trong cộng đồng.

Thời gian qua, quân đội và nhiều cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, doanh nghiệp... đã có quy định cấm cán bộ, nhân viên uống rượu, bia say, cấm uống rượu, bia trong giờ hành chính và thời gian nghỉ giữa các ca làm việc. Rất đáng mừng là những quy định đó đều được đại đa số cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện nghiêm túc. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên và đội ngũ công nhân viên chức, đặc biệt là người đứng đầu trong hệ thống chính trị đối với hành vi này cần được tiếp tục cổ vũ, nhân rộng bằng những việc làm thiết thực.

Bên cạnh việc xử phạt về mặt hành chính đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo quy định của Nghị định 117 thì cơ quan, đơn vị các cấp cần đưa việc thực hiện quy định này thành nội dung bắt buộc trong kiểm điểm, đánh giá, sơ kết, tổng kết ở từng cơ quan, đơn vị cơ sở, đồng thời có chế tài nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm.

Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ và các cấp, bộ, ngành chắc chắn chúng ta sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong dư luận xã hội, góp phần thay đổi quan niệm, điều chỉnh hành vi của người dân. Nói không với rượu, bia là cách sống đẹp của con người Việt Nam trong thời đại mới.

LÊ DUY THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/neu-guong-di-kem-quy-trach-nhiem-643967