Nêu gương thực chất, hiệu quả

Gương mẫu, đi đầu trong từng lời nói, hành động; hội tụ, dẫn dắt nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng khối đại đoàn kết ở khu dân cư là những biểu hiện sinh động của tinh thần nêu gương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín ở cơ sở. Từ việc dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đến không ngại khó, ngại khổ, nhiều cán bộ đã trở thành điểm tựa vững chắc, tạo niềm tin, sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng.

Ông Đinh Văn Hoàn, thôn Việt Thanh 4, xã Thanh Nưa không chỉ được biết đến là người tiên phong trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ông còn được người dân địa phương quý trọng bởi tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công tác xã hội trên cương vị Bí thư Chi bộ thôn, người đảng viên nói ít, làm nhiều, luôn đau đáu với đời sống cộng đồng và sự đổi thay của thôn xóm. Bởi vậy, những năm gần đây, đời sống của người dân trên địa bàn có nhiều khởi sắc. Đó là kết quả của sự chuyển biến về tư duy từ thụ động sang chủ động.

Ông Đinh Văn Hoàn kể: Trước kia, phần lớn vùng đất Việt Thanh 4 trồng lúa một vụ, năng suất kém, nước tưới phụ thuộc vào tự nhiên. Từ khi Chi bộ thống nhất chủ trương chuyển đổi cây trồng, tôi và một số đảng viên đã làm trước, rồi tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật, kết nối đầu ra. Làm sao để bà con thấy trồng rau không khó, lại có thu nhập ổn định hơn trồng lúa.

Để người dân tin, làm theo, ông Đinh Văn Hoàn luôn là người đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Để người dân tin, làm theo, ông Đinh Văn Hoàn luôn là người đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Gia đình ông Hoàn hiện canh tác hơn 1.000m² rau cần, thu nhập đều đặn theo từng đợt thu hoạch. Từ mô hình của ông, hàng chục hộ khác trong thôn học theo. Đến nay, cả thôn có tới 53/65 hộ trồng rau cần với tổng diện tích hàng chục héc ta. Nhiều hộ từ chỗ khó khăn giờ đây có của ăn, của để, có điều kiện đầu tư cho con cái học hành, phát triển sản xuất lớn hơn.

“Bà con mình bây giờ không còn nghĩ chỉ trông vào cây lúa, con gà như trước. Ai cũng muốn làm ăn lớn, làm ăn hiệu quả. Mà muốn vậy thì phải có người đỡ đầu, hướng dẫn tận tình, cùng làm mới tin...” - ông Hoàn chia sẻ.

Không dừng lại ở chuyển đổi cây trồng, nhận thấy một số diện tích đất trũng kém hiệu quả, ông Hoàn tiếp tục cùng Chi bộ vận động bà con chuyển sang đào ao thả cá. Ông đích thân đi học kỹ thuật nuôi cá, rồi chia sẻ lại cho các hộ khác. Nhìn đàn cá của gia đình lớn lên hàng ngày, ông Hoàn phấn khởi bảo, thấy chúng tôi nuôi cá bước đầu mang lại hiệu quả, nhiều gia đình cũng muốn học. Nhưng lại không có vốn. Bản thân tôi và Chi bộ đã động viên, hướng dẫn để họ vay vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Hộ nào thiếu sức lao động, tôi kêu gọi bà con cùng giúp ngày công. Nhờ vậy, đến nay, thôn Việt Thanh 4 đã có gần 7ha ao cá với hơn 15 hộ nuôi trồng thủy sản.

Già đi theo năm tháng, nhưng ngọn lửa nhiệt huyết vì cộng đồng nơi ông Lường Văn Dọn, người dân tộc Khơ Mú, ở đội Hua Pe, xã Thanh Nưa (trước đây là xã Thanh Luông) chưa từng nguội. Ở tuổi 73, ông vẫn đều đặn có mặt trong mọi hoạt động của khu dân cư. Khi thì tuyên truyền, hòa giải mâu thuẫn; khi thì cùng người dân sửa đường, dựng nhà; lúc lại lặn lội đi từng hộ vận động bà con xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mới. Việc gì ông cũng nhiệt tình, trách nhiệm, kiên trì và chân thành. Đó là lý do ông được bà con tin yêu, chính quyền ghi nhận và năm 2024, ông vinh dự là 1 trong 200 người có uy tín tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh trong Chương trình “Điểm tựa bản làng”.

Ông Dọn, đội Hua Pe có 31 hộ, 121 nhân khẩu, 100% là đồng bào Khơ Mú. Trước năm 2020, cả đội từng thuộc diện đặc biệt khó khăn, có thời điểm toàn bộ hộ dân đều là hộ nghèo, điều kiện sống thiếu thốn đủ bề. Không cam chịu, không đứng ngoài, ông Dọn cùng cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở đội đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động bà con thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ một địa bàn tụt hậu về phát triển, người dân dần biết trồng rau màu quanh năm, đào ao thả cá, nuôi gà vịt theo lối bán chăn thả. Nhiều hộ thoát nghèo nhờ ứng dụng mô hình VAC quy mô nhỏ. Số hộ nghèo giảm mạnh từ 12 hộ (năm 2023) xuống còn 3 hộ (năm 2024); không còn nhà tạm, nhà dột nát; thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm.

Ông Lường Văn Dọn (ngoài cùng, bên trái) vinh dự là 1 trong 200 người có uy tín tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh trong Chương trình “Điểm tựa bản làng” năm 2024.

Ông Lường Văn Dọn (ngoài cùng, bên trái) vinh dự là 1 trong 200 người có uy tín tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh trong Chương trình “Điểm tựa bản làng” năm 2024.

Không chỉ là người truyền cảm hứng trong phát triển kinh tế, ông Dọn còn là "cầu nối” trong xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Nhận thức rõ vai trò nêu gương, ông thường xuyên nói với con cháu và bà con trong đội: “Muốn dân nghe, dân làm theo, mình phải làm trước, phải sống gương mẫu từ trong gia đình ra đến cộng đồng”. Chính vì thế, từ việc cưới, việc tang trong gia đình ông đều tổ chức giản dị, tiết kiệm; nhà ông luôn chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, hương ước, quy ước của đội.

“Tôi không có nhiều chữ nghĩa, nhưng được Đảng, Nhà nước tin tưởng, được bà con quý trọng thì càng phải sống tử tế. Có khi mình không cần nói nhiều, chỉ cần làm gương, dân nhìn vào rồi họ sẽ tự biết đâu là đúng - sai, phải - trái, nên hay không nên” - ông Lường Văn Dọn chia sẻ.

Từ hình ảnh Bí thư Chi bộ gương mẫu Đinh Văn Hoàn, người có uy tín tận tụy Lường Văn Dọn, có thể thấy, tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó, sức sống mới ở các khu dân cư đã và đang được thắp sáng từng ngày. Trong sự chuyển mình mạnh mẽ ấy, vai trò của những “cánh chim đầu đàn” là không thể thay thế.

Ngay sau khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, cán bộ xã Búng Lao đã về cơ cơ nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân để có hướng phục vụ tốt hơn.

Ngay sau khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, cán bộ xã Búng Lao đã về cơ cơ nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân để có hướng phục vụ tốt hơn.

Thực tế cho thấy, ở nhiều thôn, bản, nơi nào cán bộ, đảng viên thật sự gương mẫu, gần gũi với dân, nói đi đôi với làm thì nơi đó thường giữ được sự ổn định, đoàn kết và có bước phát triển rõ rệt. Ngược lại, ở đâu cán bộ chưa sâu sát, thiếu trách nhiệm... thì phong trào khó phát huy hiệu quả, người dân ít nhiều thiếu niềm tin, sự đồng thuận.

Cùng với cả nước, hiện nay, tỉnh ta đang triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, yêu cầu đặt ra không chỉ là giảm số lượng mà còn là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, đặc biệt là năng lực thực tiễn, bản lĩnh chính trị và tinh thần dấn thân vì lợi ích chung. Việc nêu gương vì thế không thể là khẩu hiệu, càng không thể là hình thức mà phải thể hiện bằng hiệu quả công việc cụ thể với thước đo là lòng dân, được dân tin, dân nghe, dân làm theo.

Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Mường Ảng được hướng dẫn tận tình, trách nhiệm.

Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Mường Ảng được hướng dẫn tận tình, trách nhiệm.

Muốn vậy, từng cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự rèn luyện qua công việc hằng ngày, qua cách phục vụ nhân dân. Mỗi hành độngcán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầuđều là minh chứng rõ nhất về bản lĩnh và uy tín trong thực thi công vụ. Đây cũng là điều quan trọng để giữ vững niềm tin của nhân dân, lan tỏa những giá trị tích cực, nhân lên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để đưa Điện Biên phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.

Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/hoc-va-lam-theo-loi-bac/neu-guong-thuc-chat-hieu-qua