Nêu gương trong lời nói, hành động
Trong nhiều cuộc nói chuyện và các bài viết trên báo, rất nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng từ 'nêu gương', 'làm gương'. Điều này cho thấy, Bác rất coi trọng việc 'nêu gương', 'làm gương'. Tư tưởng của Bác về nêu gương có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng thực sự trong sạch vững mạnh, là đội quân tiên phong trong giai đoạn hiện nay...
Một trong những cách thức, biện pháp mà Bác luôn nhắc đến khi xây dựng đội ngũ cán bộ là vai trò “nêu gương”. Bác nhấn mạnh: Để trở thành người cách mạng chân chính, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nêu cao đức tính tốt đẹp: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm; phải tránh xa những thói xấu như lười biếng, gian giảo, tham lam... Người cho rằng, muốn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi người phải nỗ lực hết mình, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải là những “đầu tầu gương mẫu”.
Không chỉ nói về việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, Bác còn nhấn mạnh những cán bộ chủ chốt, cấp cao cần phải tiên phong trong việc nêu gương. Trong “Bài nói chuyện tại phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ” năm 1963, Người nhắc nhở: “Một điều rất quan trọng nữa là các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư... Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”.
Bác chỉ ra cách thức nêu gương của cán bộ, đảng viên: “Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng ”. Bác đặc biệt luôn coi trọng phương pháp nêu gương đạo đức. Người nhấn mạnh: Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để nêu gương thì trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên. Cách thức nêu gương theo Người là: “Cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu cho nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới”. Bản thân Bác còn là hiện thân cao đẹp nhất về trách nhiệm nêu gương trước Đảng, trước nhân dân với một phong cách giản dị và thuyết phục.
Kết luận số 01-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 18/5/2021 nhấn mạnh: “Việc tu dưỡng, rèn luyện, làm theo Bác, nhất là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt người đứng đầu chưa thường xuyên; một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật”. Nhận định trên đã cho thấy rõ tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật của Đảng trong công tác xây dựng Đảng nói chung và thực hiện quy định về nêu gương trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng. Do đó, tham khảo một số tư liệu, tài liệu và bài viết về học Bác về tư tưởng nêu gương có thể tựu chung lại một số bài học căn bản, đó là tiếp tục nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên về vấn đề “nêu gương”.
Mỗi tổ chức Đảng phải đưa vấn đề “nêu gương” của cán bộ, đảng viên vào trong nghị quyết thường kỳ; đưa việc thực hiện trách nhiệm nêu gương vào việc bình xét, đánh giá cán bộ, đảng viên hàng năm cũng như việc xem xét quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, đảng viên. Cần nêu cao việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên và được thể hiện toàn diện trên các mặt như lập trường chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; đặc biệt chú trọng đến việc nêu gương về đạo đức... góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tự giác chấp hành Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không có bất cứ hành động hay phát ngôn trái với đường lối, quan điểm của Đảng, gây tổn hại đến uy tín của Đảng; hoàn thành tốt nhất trọng trách, nhiệm vụ được giao với tinh thần suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân, có lối sống khiêm tốn, giản dị, gần dân, hiểu dân. Đối với cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo luôn phải có ý thức ra sức rèn luyện, nêu cao bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động và sáng tạo. Bên cạnh đó, chú trọng phát huy vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Như vậy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nêu gương chính là “kim chỉ nam” cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần tư tưởng “nêu gương”, nghiêm túc thực hiện những quy định của Đảng về “nêu gương” để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, để xứng đáng là “người đầy tớ trung thành của nhân dân” đúng như lời căn dặn của Bác thì mới có thể là “đầu tầu” trong mọi hoạt động, công tác, mới là điểm tựa để nhân dân nhìn vào, nghe theo và thực hiện. Nêu gương cũng chính là góp phần tích cực vào xây dựng Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng trong giai đoạn hiện nay
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/neu-guong-trong-loi-noi-hanh-dong-210640.htm