Nếu Huawei gục ngã vì lệnh cấm vận của Mỹ,giấc mộng 5GĐNA sẽ thế nào?
Khi tiến trình triển khai công nghệ di động 5G bắt đầu, Đông Nam Á - nơi tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động tăng nhanh nhất - là khu vực phấn khích nhất.
Mỹ dập tắt sự cuồng nhiệt với công nghệ 5G ở Đông Nam Á
Nhưng sự leo thang của Mỹ trong nỗ lực cấm vận tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đã dội một gáo nước lạnh vào những người đang chờ đợi sự phổ biến của mạng 5G - công nghệ có thể thúc đẩy kỷ nguyên của xe không người lái và trí tuệ nhân tạo.
Chỉ mới vài tuần trước, Huawei dường như chắc chắn có vị thế chủ chốt trong hoạt động triển khai công nghệ 5G ở Đông Nam Á. Giờ đây, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định tập đoàn Trung Quốc khó có thể tiếp tục đảm đương vai trò trung tâm đối với công nghệ 5G ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, South China Morning Post nhận định.
Thực tế ấy làm nảy sinh một câu hỏi đối với những người sử dụng điện thoại thông minh ở Đông Nam Á, đối tượng sẽ hưởng lợi từ sự phát triển của một công nghệ có tốc độ tải dữ liệu nhanh hơn tới 100 lần so với công nghệ 4G.
Việc Bộ thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen đồng nghĩa với việc giới doanh nghiệp Mỹ không thể sử dụng thiết bị của Huawei, mà còn không thể phần cứng, phần mềm cho tập đoàn này - một động thái có thể gây tê liệt Huawei vì họ phải mua nhiều linh kiện (như chip) từ phương Tây.
Mặc dù Nhà Trắng hoãn thi hành biện pháp cấm vận với Huawei thêm 3 tháng, nghĩa là Huawei vẫn có thể mua linh kiện từ doanh nghiệp Mỹ tới ngày 19/8, giới phân tích nhận định những hậu quả lâu dài đã bắt đầu xuất hiện.
Với gần hai thập kỷ hiện diện ở nhiều nước thuộc Đông Nam Á, kể cả quốc gia có tốc độ thích ứng công nghệ chậm như Campuchia, Huawei là lựa chọn duy nhất để phát triển mạng 5G ở đây.
"Có vẻ như Huawei sẽ không thể giảm thiểu tác động từ lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ, đồng nghĩa với việc họ sẽ không thể tồn tại dưới hình thức hiện tại. Viễn cảnh ấy sẽ ảnh hưởng xấu tới những kế hoạch triển khai mạng 5G trên khắp toàn cầu - bao gồm châu Âu cũng như các khối như ASEAN", Paul Triolo, nhà phân tích của tổ chức tư vấn Eurasia Group tại Washington, bình luận.
Charlie Dai, một nhà phân tích của tổ chức Forrester Research, nhận định rằng những biện pháp chính trị của chính phủ Mỹ đối với Huawei đang gây nên tác động rất tiêu cực đối với tiến trình triển khai mạng 5G ở châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.
Hiện tại, một số nước Đông Nam Á vẫn chưa phủ kín mạng 4G trên phạm vi cả nước. Nhưng trong vài tháng gần đây, hầu hết chính phủ trong khu vực đều cho phép thử nghiệm công nghệ 5G.
Hai giai đoạn trong tiến trình triển khai mạng 5G
Phần lớn cơ quan quản lý dự đoán hoạt động triển khai diện rộng sẽ bắt đầu từ năm sau, song quá trình phủ công nghệ 5G có thể kéo dài tới một thập kỷ.
Hiện tại, quá trình triển khai mạng 5G diễn ra theo hai công đoạn. Trong công đoạn đầu tiên, những mạng 4G hiện hành sẽ được nâng cấp để tăng tốc độ tải dữ liệu xuống đối với điện thoại và các thiết bị khác.
Với giai đoạn hai, các nước sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng cho mạng 5G trong vài năm để mở đường cho sự phát triển của những công nghệ khác như xe tự lái, phẫu thuật từ xa bằng robot, trí tuệ nhân tạo. Những công nghệ nghệ đó đòi hỏi tốc độ tải dữ liệu nhanh gấp hàng chục lần mạng 4G.
Khác với mạng 3G và 4G (phụ thuộc vào phần cứng), công nghệ 5G sẽ phụ thuộc chủ yếu vào phần mềm và sẽ tận dụng triệt để trí tuệ nhân tạo.
Trong bối cảnh tình trạng nghẽn mạng 4G có xu hướng tăng danafm, chính phủ của một số nước có tốc độ phát triển công nghệ nhanh như Singapore muốn mạng 5G xuất hiện sớm. Song những thách thức mà Huawei đang đối mặt có thể khiến họ phải chờ lâu hơn trước khi ước mơ trở thành hiện thực.