Nếu Iran không đạt thỏa thuận hạt nhân, ông Trump sẽ đánh bom và áp thuế bổ sung
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra lời cảnh báo cứng rắn, đe dọa đánh bom và áp thuế bổ sung nếu Iran không chịu ngồi vào bàn đàm phán về chương trình hạt nhân.
Ngày 30/3/2025, trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với NBC News, Tổng thống Donald Trump đã không ngần ngại thể hiện lập trường quyết liệt đối với Iran. “Nếu họ không đạt được thỏa thuận, sẽ có đánh bom – một kiểu đánh bom mà họ chưa từng thấy bao giờ. Hoặc tôi sẽ áp thuế quan thứ cấp, như cách tôi từng làm cách đây 4 năm,” ông Trump tuyên bố. Lời đe dọa này được đưa ra sau khi Tehran, thông qua trung gian Oman, thẳng thừng từ chối lời kêu gọi đàm phán trực tiếp từ Washington.
Ngoại trưởng Iran khẳng định nước này sẽ không thương lượng dưới “sức ép tối đa” và các mối đe dọa quân sự từ Mỹ. Tổng thống Iran cũng nhấn mạnh Tehran sẵn sàng đàm phán gián tiếp, nhưng không nhượng bộ trước áp lực. Động thái này là phản ứng trực tiếp với lá thư mà ông Trump gửi tới Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei vào ngày 7/3, thông qua cố vấn Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trong thư, ông Trump thúc giục Tehran đạt thỏa thuận hạt nhân mới, đồng thời cảnh báo về hậu quả quân sự nếu Iran từ chối.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, Đại giáo chủ Khamenei đã bác bỏ tối hậu thư của Mỹ, gọi những lời đe dọa là “vô nghĩa” và cảnh báo Iran sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu bị tấn công. Trong khi đó, Alireza Tangsiri, chỉ huy hải quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tuyên bố Tehran không khuất phục trước sức ép và đã sẵn sàng cho mọi kịch bản.
Cuộc đối đầu hiện tại giữa Mỹ và Iran không phải là mới. Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2021), ông Trump từng gây tranh cãi khi đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 – một văn kiện mang tính bước ngoặt giữa Iran và các cường quốc thế giới. Thỏa thuận này, được ký kết dưới thời Tổng thống Barack Obama, yêu cầu Tehran hạn chế nghiêm ngặt các hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt kinh tế.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận, ông Trump áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm bóp nghẹt kinh tế Iran, bao gồm thuế quan thứ cấp nhắm vào các quốc gia mua dầu mỏ từ Tehran. Tuần trước, ông tiếp tục ký sắc lệnh hành pháp cho phép áp dụng các mức thuế tương tự đối với khách hàng mua dầu của Venezuela – một động thái được xem là tín hiệu cảnh báo Iran.
Phía Iran, từ lâu đã khẳng định chương trình hạt nhân của mình chỉ phục vụ mục đích dân sự, như sản xuất năng lượng. Tuy nhiên, nhiều nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, cáo buộc Tehran bí mật phát triển vũ khí hạt nhân thông qua việc làm giàu uranium vượt mức cần thiết cho mục đích hòa bình. Những nghi ngờ này là nguồn cơn chính khiến quan hệ hai nước rơi vào bế tắc.
Dù liên tục đưa ra lời đe dọa, chính quyền Trump cũng phát đi một số tín hiệu hòa giải. Trong cuộc phỏng vấn ngày 21/3, Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff tiết lộ mục tiêu của Tổng thống là tránh xung đột quân sự với Iran. “Bức thư gửi Tehran không nhằm đe dọa, mà là để xây dựng lòng tin,” ông Witkoff nhấn mạnh. Tuy nhiên, với lập trường cứng rắn từ cả hai phía, khả năng đạt được bước đột phá trong ngắn hạn vẫn rất mong manh.
Quan hệ Mỹ-Iran đã rơi vào ngõ cụt kể từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, khi Tehran lật đổ chế độ shah được phương Tây hậu thuẫn và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington. Kể từ đó, đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran đóng vai trò cầu nối giữa hai quốc gia. Những nỗ lực ngoại giao gián tiếp qua các nước trung gian như Oman hay Thụy Sĩ từng mang lại hy vọng, nhưng hiện tại, căng thẳng đang đẩy hai bên đến gần hơn với lằn ranh đỏ của xung đột.