Nếu là người thân của cố nhà văn Thanh Tịnh tôi sẽ không đồng ý cắt gọt tác phẩm
Nếu là người thân trong gia đình của cố nhà văn Thanh Tịnh, tôi sẽ không đồng tình với cách làm này của Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng.
Trước hết, tôi cảm ơn tác giả Thanh Nguyên đã có bài trao đổi lại quan điểm của chúng tôi trong bài viết “Cắt gọt “Tôi đi học” từ sách giáo khoa lớp 8 xuống lớp 1 là cách làm tùy tiện”.
Ở đây, cũng xin thưa với tác giả Thanh Nguyên, bài viết của tôi ban đầu có tiêu đề là “Mấy nhận xét về việc chỉnh sửa nguyên tác văn bản truyện khi biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn”.
Khi đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ban biên tập có sự thay đổi cho phù hợp (như BBT đã chú thích).
Dẫu vậy, chúng tôi có cảm giác tác giả Thanh Nguyên đã không hiểu trọn vẹn những luận điểm của chúng tôi ở bài viết trước. Vậy nên, tôi xin có vài lời trao đổi lại như sau:
Vì sao chúng tôi gọi bài học “Tôi đi học” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, tập 2 do Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng chủ biên là văn bản bị “cắt gọt, chỉnh sửa” tùy tiện so với nguyên tác?
Tôi xin dẫn chứng từng câu, đoạn trong nguyên tác và sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, tập 2 để bạn đọc cùng đối chiếu, kiểm chứng”
(1) Tiếng Việt, tập 2: “Một buổi mai, mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã đi lại nhiều lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Hôm nay tôi đi học”.
“Nguyên tác của nhà văn Thanh Tịnh: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi có nhiều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn. Hôm nay, tôi đi học.”
(2) Sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 2 viết: “Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân.
Nguyên tác của nhà văn Thanh Tịnh: “Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ”.
(3) Sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 2 viết: “Thầy giáo trẻ, gương mặt hiền từ, đón chúng tôi vào lớp”.
Nguyên tác của nhà văn Thanh Tịnh: “Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi trước cửa lớp”.
(4) Sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 2 viết: “Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rồi nhận là vật riêng của mình”.
Nguyên tác của nhà văn Thanh Tịnh: “Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên lạm nhận là vật riêng của mình.”
(5) Sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 2 viết: “Tôi nhìn bạn ngồi bên, người bạn chưa quen biết, nhưng không thấy xa lạ chút nào”.
Nguyên tác của nhà văn Thanh Tịnh: “Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào”.
- Nhận xét của chúng tôi: Nhìn chung toàn bài đọc “Tôi đi học” trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 2 là sự cắt gọt (có khi một câu, nửa câu…) từ nhiều câu, đoạn văn khác nhau trong toàn bộ nguyên tác của nhà văn Thanh Tịnh.
Cách làm này, theo chúng tôi đã phá vỡ hoàn toàn cấu trúc của nguyên tác. Đặc biệt, đã làm méo mó nội dung, ý nghĩa nhất là sắc thái tình cảm, cảm xúc của nhà văn có trong nguyên tác. Điều này, khiến cho những ai đã từng đọc nguyên tác “Tôi đi học” không còn nhận ra văn phong, hồn cốt của tác giả và tác phẩm.
Đây chính là lý do, trong bài viết trước chúng tôi cho rằng, nếu là người thân trong gia đình của cố nhà văn Thanh Tịnh, tôi sẽ không đồng tình với cách làm này của Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng.
Ngoài ra, liên quan đến phương diện quyền sở hữu trí tuệ, tôi cũng cho rằng nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của gia đình nhà văn Thanh Tịnh thì cách làm của Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng là vi phạm bản quyền về quyền sở hữu trí tuệ của tác giả.
Không thể lấy quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay mục đích biên soạn sách giáo khoa của cá nhân nhân mình để biện hộ cho việc tùy tiện cắt gọt tác phẩm văn học của người khác
Tôi rất hiểu và đồng ý với quan điểm tác giả Thanh Nguyên liên quan đến những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc biên soạn sách giáo khoa.
Trong bài viết trước đó, tôi cũng nói rất rõ khi biên soạn sách giáo khoa cho cấp tiểu học nói chung, với những văn bản truyện có dung lượng quá dài, thì cần có sự rút gọn lại cho phù hợp.
Tuy vậy, việc rút gọn này phải tuân thủ những điều kiện và nguyên tắc nhất định nhằm đảm bảo không làm mất đi ý nghĩa, văn phong hay nói chung là “hồn cốt” của tác phẩm gốc.
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhấn mạnh, những người biên soạn sách giáo khoa không thể vì mục đích của riêng mình để tự cho mình quyền được cắt gọt, chỉnh sửa văn của người khác.
Về chuyện này, chúng tôi rất đồng cảm với ý kiến của Giáo sư Huỳnh Như Phương như sau:
“Những bài văn chọn dạy cho cấp tiểu học thường là những bài ngắn trong khi nguyên văn các tác phẩm, trừ thể loại thơ, viết cho thiếu nhi thường vượt quá khuôn khổ một tiết dạy, vì vậy mà thời gian qua, có một số trường hợp soạn giả sách giáo khoa phải biên tập, sửa chữa, thậm chí cắt bớt văn liệu gốc khiến tác giả phiền lòng (…).
Cảm thụ một bài văn trong không gian lớp học khác với ở nhà, nên có khi soạn giả phải nhờ chính tác giả viết lại để vừa với khuôn khổ và mức độ của sách giáo khoa. Khi đã chọn một bài văn/ thơ hay cho học sinh cấp tiểu học tiếp nhận, thì tác dụng tích cực rất lâu dài. Ở miền Nam thời tiểu học, chúng tôi chưa được biết Tố Hữu là ai, nhưng nhờ học sách giáo khoa mà thuộc bài thơ Mồ côi cho đến bây giờ”. [1]
Ý kiến của Giáo sư Huỳnh Như Phương, theo tôi có điểm rất đáng để những người biên soạn sách giáo khoa tiểu học và tác giả Thanh Nguyên lưu tâm:
Thứ nhất, Giáo sư Huỳnh Như Phương lưu ý phải làm sao phải tìm được văn liệu hay để đưa vào sách giáo khoa, trường hợp văn bản dài cũng cần “cắt bớt”, “biên tập” lại nhưng phải làm thế nào để tác giả nguyên tác không thấy “phiền lòng”.
Thứ hai, để tránh sự “phiền lòng” của tác giả thì những người biên soạn (soạn giả) có khi “phải nhờ chính tác giả viết lại”.
Cách nói “phải nhờ chính tác giả viết lại” của Giáo sư Huỳnh Như Phương cho chúng ta thấy ở đây là sự thận trọng trong cách làm cũng như sự tôn trọng tác giả có tác phẩm được đưa vào dạy học.
Hiểu rộng ra, người biên soạn sách giáo khoa trước khi muốn cắt gọt hay chỉnh sửa nguyên tác phải xin phép, phải hỏi ý kiến tác giả (người thân tác giả trường hợp tác giả đã mất).
Thứ ba, đưa một tác phẩm văn thơ vào dạy cho học sinh tiểu học phải lưu ý đến “tác dụng tích cực lâu dài”. Vì những gì đưa vào sách giáo khoa dạy cho học sinh tiểu học những năm đầu sẽ theo họ đến suốt cuộc đời.
Tác giả Thanh Nguyên trong bài viết của mình có nói khi lên lớp học cao hơn học sinh sẽ được tiếp xúc trở lại với tác phẩm này bằng nguyên tác trọn vẹn, theo tôi, là lập luận không thật thuyết phục.
Vì lẽ, 1) hiện tại có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau để nhà trường và giáo viên lựa chọn. Lấy gì để chắc chắn khi lên lớp cao hơn những học sinh sẽ được học lại tác phẩm này?
2) Trường hợp may mắn được học lại, học sinh sẽ như thế nào khi phát hiện trước đây mình từng học bài văn không phải nguyên tác vì bài học đầu đời đã “neo” vào ký ức của họ?
Thay lời kết
Chúng tôi một lần nữa xin nhấn mạnh và nhắc lại, vấn đề tìm văn liệu phù hợp để đưa vào sách giáo khoa nhất là sách giáo khoa bậc tiểu học và trung học cơ sở là vấn đề khó. Chúng tôi rất hiểu và thông cảm cho nỗi vất vả của những người làm công tác này.
Dẫu vậy, với riêng trường hợp bài đọc “Tôi đi học” được Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng cùng các cộng sự đưa vào bài đọc cho các học sinh lớp 1, như chúng tôi đã nói ở bài viết trước, đây là một sai lầm. Vì lẽ:
- Một, về nội dung tác phẩm “Tôi đi học” là những hồi ức của một người đã trưởng thành nhớ lại những khoảnh khắc lần đầu tiên theo mẹ đến trường nếu xét về phương diện tâm lý lứa tuổi thì nó không phù hợp với đối tượng là các cháu học sinh mới vào trường.
Muốn đưa tác phẩm này vào dạy, thiển nghĩ, một cách làm khôn ngoan nhất để không phải cắt gọt chỉnh sửa văn bản cho phù hợp với độ dài theo quy định thì nên để dành đưa vào lớp học cao hơn.
- Hai, vì để đáp ứng mục tiêu dạy học (chủ điểm tôi đi học) và quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo về độ dài văn bản trong sách giáo khoa lớp 1 nên Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng đã buộc phải cắt gọt, chỉnh sửa nguyên tác “Tôi đi học” của cố nhà văn Thanh Tịnh (như chúng tôi đã chỉ ra ở trên) là rất khó chấp nhận.
Nói tóm lại, về vấn vấn đề này, tôi cho rằng, những người biên soạn sách giáo khoa và tác giả Thanh Nguyên không thể lấy “mục đích để biện minh cho phương tiện” và cách làm của mình.
Tài liệu tham khảo:
[1] Huỳnh Như Phương, “Tìm văn liệu cho sách giáo khoa”. http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/giao-duc/7429-t%C3%ACm-v%C4%83n-li%E1%BB%87u-cho-s%C3%A1ch-gi%C3%A1o-khoa.html