Nếu leo thang chiến tranh Trung Đông, Israel có thể phải chịu giá đắt về kinh tế

Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich từng khẳng định nền kinh tế Do Thái vẫn ổn định bất chấp 1 năm chiến sự căng thẳng song không có gì bảo đảm xu hướng này sẽ duy trì một khi Israel quyết leo thang chiến tranh Trung Đông, theo CNN.

Gánh nặng kinh tế gia tăng

Theo hãng tin CNN, phát biểu ngày 28/9, đúng một ngày sau khi thủ lĩnh tối cao Hezbollah Hassan Nasrallah bị ám sát ở thủ đô Beirut, Lebanon, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich nhấn mạnh: "Nền kinh tế Israel đã phải chịu gánh nặng lâu nhất vì cuộc chiến tốn kém nhất trong lịch sử đất nước. Dù vậy, Israel vẫn là một nền kinh tế mạnh, thậm chí vẫn đang thu hút đầu tư".

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với nhận định của ông Smotrich. "Nếu những căng thẳng gần đây chuyển thành một cuộc chiến lâu dài và dữ dội hơn, các hoạt động kinh tế và tăng trưởng kinh tế của Israel sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề", bà Karnit Flug, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel cảnh báo.

Xe tăng quân đội Israel xuất hiện gần một cánh đồng nơi người nông dân thu hoạch cỏ khô (Ảnh: AFP).

Xe tăng quân đội Israel xuất hiện gần một cánh đồng nơi người nông dân thu hoạch cỏ khô (Ảnh: AFP).

Trước thời điểm 7/10/2023 khi Hamas tiến hành cuộc đột kích bất ngờ vào Israel, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng dự báo kinh tế Israel có thể tăng trưởng ở mức 3,4% trong năm 2024. Tuy nhiên, hiện tại các nhà kinh tế dự báo con số này chỉ còn là 1-1,9%. Thậm chí, tăng trưởng kinh tế năm 2025 còn có thể ảm đạm hơn.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Israel lại không thể cắt giảm lãi suất để "thổi luồng sinh khí" vào nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát tăng và chi tiêu chính phủ tăng mạnh để cung cấp tài chính cho cuộc chiến.

Trước đó, hồi tháng 5, Ngân hàng Trung ương Israel ước tính, phí tổn do xung đột sẽ rơi vào khoảng 66 tỷ USD cho đến cuối năm 2025 bao gồm cả chi tiêu quân sự và dân sự bao gồm việc xây dựng nhà cửa cho hàng nghìn người Israel phải di tản. Con số này tương đương khoảng 12% GDP của Israel.

Theo bà Flug, nhiều khả năng Chính phủ Israel sẽ phải cắt giảm đầu tư trong các lĩnh vực khác để dồn nguồn lực cho quốc phòng. Điều này sẽ cản trở tiềm năng phát triển của nền kinh tế Israel trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu tại Viện An ninh Quốc gia Israel cũng có chung nhận định. Trong báo cáo đăng tải hồi tháng 8, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng ngay cả khi Israel chấp nhận rút khỏi giải Gaza và dừng các cuộc giao tranh dọc khu vực biên giới với Lebanon, kinh tế Israel vẫn sụt giảm hơn so với thời điểm trước cuộc chiến.

"Israel được dự báo sẽ phải hứng chịu những tổn thất lâu dài về mặt kinh tế dù kết quả của cuộc chiến có như thế nào đi chăng nữa. Sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế so với thời điểm trước chiến tranh và sự gia tăng chi phí quốc phòng sẽ càng đẩy nguy cơ suy thoái kinh tế kéo dài, tương tự như suốt cả một thập kỷ sau cuộc chiến tranh Yom Kippur", báo cáo nêu rõ.

Cuộc chiến tranh Yom Kippur, hay cuộc chiến tranh Arab – Israel diễn ra từ 6-25/10/1973 do Ai Cập và Syria khởi xướng chống lại lực lượng Israel trên bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan đã khiến Israel lún sâu vào giai đoạn kinh tế trì trệ một phần là do phải dồn toàn lực cho chi tiêu quốc phòng.

Các cuộc xung đột cũng đẩy thâm hụt ngân sách Israel lên gấp đôi từ mức 4% GDP trước chiến tranh lên 8% hiện nay. Hơn thế nữa, việc Fitch, Moody's và S&P đồng loạt hạ mức đánh giá tín nhiệm đối với Israel nhiều khả năng sẽ đẩy chi phí cho các khoản vay của quốc gia Do Thái ngày càng tăng thêm.

Chiến tranh bất định, kinh tế Israel thêm tổn hại

Để cân đối thâm hụt tài chính, Chính phủ Israel không thể chỉ dựa vào nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp do hầu hết trong số này đã bị phá sản; số còn lại lưỡng lự không muốn đầu tư thêm vì họ không chắc chắn chiến tranh sẽ kéo dài bao lâu.

Coface Bdi, công ty chuyên phân tích doanh nghiệp tại Israel, ước tính khoảng 60.000 doanh nghiệp Israel sẽ phải đóng cửa trong năm nay, tăng khoảng 20.000 doanh nghiệp so với mức trung bình 40.000 doanh nghiệp trong nhiều năm qua.

Hàng loạt doanh nghiệp Israel phải đóng cửa do chiến tranh kéo dài khiến hoạt động kinh doanh ngày càng trở nên khó khăn hơn (Ảnh: AFP).

Hàng loạt doanh nghiệp Israel phải đóng cửa do chiến tranh kéo dài khiến hoạt động kinh doanh ngày càng trở nên khó khăn hơn (Ảnh: AFP).

"Sự bất định sẽ ảnh hưởng nặng đối với nền kinh tế và xu hướng đầu tư", ông Avi Hasson, CEO của Trung tâm Khởi nghiệp Quốc gia Israel, nhận định. Trong báo cáo gần đây, ông Hasson cảnh báo các doanh nghiệp công nghệ Israel khó có thể duy trì ổn định khi phải đối mặt với sự bất ổn kéo dài từ các cuộc xung đột.

Một số lĩnh vực khác trong nền kinh tế Israel chịu tổn hại nghiêm trọng do chiến tranh leo thang là nông nghiệp và xây dựng khi phải rất vất vả tìm kiếm nguồn nhân lực để thay thế lao động người Palestine.

Họ vốn là nguồn nhân lực chính trong 2 ngành này nhưng đã bị tước giấy phép lao động sau vụ tấn công ngày 7/10/2023.

Ngành du lịch Israel cũng rất ảm đạm khi lượng khách đến tham quan sụt giảm mạnh trong năm nay. Bộ Du lịch Israel ước tính thiệt hại về doanh thu có thể lên đến 4,9 tỷ USD.

Ông Yaron Liberman, quản lý khách sạn The Norman tại thủ đô Tel Aviv, cho biết, khách sạn đã phải sa thải nhân viên, đóng cửa một số cơ sở như khách sạn kiểu Nhật trên tầng cao nhất, để tiết kiệm chi phí.

Dù đã giảm giá tới 25% nhưng tỷ lệ lấp đầy phòng vẫn sụt giảm mạnh từ mức 80% thời điểm trước chiến tranh xuống còn 50% hiện nay.

"Chúng tôi biết rằng, khi cuộc chiến này kết thúc, mọi thứ sẽ trở lại náo nhiệt", ông Liberman chia sẻ và viện dẫn số lượng khách du lịch rất muốn đến Israel nhưng không thể đặt vé máy bay hay mua bảo hiểm du lịch. Nhưng đáng nói là khi nào chiến tranh mới chấm dứt?

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/neu-leo-thang-chien-tranh-trung-dong-israel-co-the-phai-chiu-gia-dat-ve-kinh-te-192241005101914295.htm