Nếu Mourinho và Guardiola là hai đại cao thủ trong truyện Kim Dung
Nếu tác giả Kim Dung biết về cuộc chiến giữa Jose Mourinho và Pep Guardiola, có lẽ thế giới võ lâm của ông đã có thêm một màn luận anh hùng hấp dẫn.
Trong thế giới võ lâm đầy mê hoặc của cố tác giả Kim Dung không thiếu những trận chiến tay đôi long trời, lở đất. Có thể kể tới những cuộc so tài đầy biểu tượng như Tiêu Phong - Mộ Dung Phục, Dương Quá - Kim Luân Pháp Vương, Trương Vô Kỵ - Diệt Tuyệt sư thái, Lệnh Hồ Xung - Đông Phương Bất Bại, Hồng Thất Công - Âu Dương Phong…
Giá như Kim Dung biết rằng trong thế giới bóng đá có một nguồn cảm hứng bất tận để sáng tác, khi nhìn vào cuộc chiến giữa Jose Mourinho và Pep Guardiola, có lẽ chúng ta đã có thêm một bộ tiểu thuyết võ hiệp hấp dẫn để vùi đầu vào đọc.
Mourinho và Guardiola hội đủ các yếu tố để trở thành 2 nhân vật trong một bộ tiểu thuyết kiếm hiệp. Họ là 2 đại cao thủ xuất thân từ những “môn phái” tên tuổi trong thế giới bóng đá: Guardiola là môn đệ của Barcelona, sau này được đôn lên làm trưởng môn nhân thay thế Frank Rijkaard và ngay lập tức có được những đệ tử võ nghệ cao cường như Thierry Henry, Samuel Eto'o, Lionel Messi, Xavi, Iniesta...
Trong khi đó, Mourinho từng là huynh đệ của Guardiola tại Barcelona, đã học lỏm được những bí quyết võ công thượng thừa để tự lập nên cơ đồ tại Porto và sau đó là Chelsea.
Barcelona giống như phái Võ Đang trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, đầy rẫy những nhân tài. Chúng ta có thể tạm ví von Ronaldinho như Trương Thúy Sơn và hậu duệ của Thúy Sơn Ronaldinho chính là Trương Vô Kỵ Lionel Messi, với khả năng giác ngộ trời phú, đã rất nhanh chóng học được những võ công thượng thừa để xưng bá võ lâm.
Trong tất cả đệ tử tâm đắc nhất mà Guardiola từng sử dụng để chinh phục võ lâm, Messi là người được ông sử dụng nhiều hơn cả, với tổng cộng 219 trận đánh.
Trong khi đó, môn phái của Mourinho luôn cần những đợt chiêu binh mãi mã rầm rộ để quy nạp những đại cao thủ về gây dựng cơ đồ. Cả sự nghiệp lang bạt giang hồ, Mourinho đã tiêu tới 1,2 tỷ bảng để nhận những đệ tử hàng đầu trong giới võ lâm.
Tính ra, ông tiêu cho mỗi bản hợp đồng 14,2 triệu bảng. Chỉ 14,2 triệu bảng cho mỗi đệ tử mà cộng lại tạo thành con số 1,2 tỷ bảng, đủ hiểu Mourinho đã mua nhiều cầu thủ đến nhường nào.
Tuy nhiên, nếu như Pep Guardiola là đại diện cho “chính phái” thì Mourinho đích thực là một đại ma đầu của “ma giáo”. Guardiola giống như những anh hùng lẫm liệt của võ lâm Trung Nguyên năm xưa: hào sảng, hết lòng vì huynh đệ, sử dụng những chiêu thức là sự kết hợp giữa tinh hoa võ học và nghệ thuật.
Các môn phái Pep từng làm trưởng môn đều gây chấn động giang hồ theo cái cách duy mỹ nhất có thể.
Mourinho thì mang dáng vóc của một đại ma đầu chuyên sử dụng ám khí và độc dược. Thời trai trẻ, cứ trước mỗi trận giao chiến lớn là Mourinho luôn phóng đi những ám khí, hoặc đầu độc đối thủ bằng miệng lưỡi tài ba của mình.
Tuy nhiên, do đặc thù là ma giáo nên trong những môn phái mà Mourinho đứng vai trưởng môn nhân luôn xuất hiện những kẻ nuôi âm mưu phản bội. Từ Real Madrid kéo tới Chelsea, ghế trưởng môn của Mourinho đều bị chính những đệ tử mà ông tin tưởng nhất cưa gãy chân. Cuộc đời Mourinho ngoài đối phó với võ lâm hiểm độc ngoài kia, còn luôn phải đề phòng với những âm mưu tạo phản.
Điều này không hề xuất hiện trong hành trình Pep Guardiola đã đi qua. Cũng giống như cách Kim Dung miêu tả về những đệ tử Võ Đang đầu đội trời chân đạp đất, những cao thủ đã phò tá Pep Guardiola đa phần đều coi ông là sư phụ, cũng là người cha trong gia đình.
Có lẽ nhờ phát huy tinh thần chính nghĩa và được các đệ tử hết lòng phò tá làm nên đại nghiệp nên Pep Guardiola rất hiếm khi thất trận. Theo thống kê, Guardiola cả sự nghiệp đã so tài với 161 huấn luyện viên khác nhau và chỉ 3,1% trong số đó, ông thua nhiều hơn thắng. Trong khi đó, Jose Mourinho đối đầu tổng cộng 240 trưởng môn nhân và có 6,2% trong số đó ông nhận thất bại nhiều hơn số lần chiến thắng.
Và mỗi khi hai môn phái của Pep Guardiola - Jose Mourinho đối đầu nhau, võ lâm lại được một phen long trời lở đất. Lịch sử những lần giao đấu bằng… võ mồm của 2 vị trưởng môn nhân này dài không sao kể hết và nó đã kéo dài ròng rã 9 năm qua.
Cuộc chiến giữa họ lần này sẽ còn đáng chú ý hơn khi Mourinho vừa thể hiện sự tà giáo của mình với màn ăn mừng đầy biểu diễn trước Juventus, còn Pep Guardiola dù đại thắng tới 6-0 trước Shakhtar Donetsk mà vẫn giữ được khí khái của một đại cao thủ coi chuyện đánh bại hậu bối là điều bình thường.
Liệu lý thuyết “tà không thể thắng chính” của Kim Dung có được nhắc lại trong màn luận võ học giữa Pep Guardiola và Jose Mourinho hay không?