Nếu rút hết nước biển trên bề mặt, Trái Đất sẽ trông như thế nào?
Đại dương bao phủ hầu hết Trái Đất, bao gồm những dãy núi hùng vĩ và cả những 'cây cầu' cổ mà con người sử dụng để đi đến các lục địa khác.
Trong một phiên bản remake (làm lại) gần đây video của NASA vào năm 2008, nhà khoa học hành tinh James O'Donoghue đã mô tả khung cảnh Trái Đất sẽ trông như thế nào nếu như tất cả nước trên Trái Đất được rút cạn đi, để lộ 3 phần 5 bề mặt Trái Đất vốn được ẩn giấu.
O'Donoghue làm việc tại cơ quan vũ trụ của Nhật Bản, JAXA và trước đây từng làm việc tại NASA. Trong video này, ông đã sử dụng hình ảnh động mà nhà vật lý và hoạt họa của NASA Horace Mitchell tạo ra vào năm 2008, đồng thời bổ sung thêm một số chi tiết như chỉnh sửa thời gian và thêm một hệ theo dõi cho thấy lượng nước được rút ra trong suốt video.
Khi các đại dương từ từ mất nước, những mảnh đất che khuất đầu tiên lộ diện là các thềm lục địa – những cạnh rìa dưới biển của mỗi lục địa.
"Tôi đã làm chậm quá trình ngay từ đầu, nhưng thật ngạc nhiên, có rất nhiều cảnh quan dưới biển ngay lập tức lộ diện chỉ trong hàng chục mét đầu tiên", O'Donoghue trao đổi với Business Insider.
Các thềm lục địa này chứa đựng những cây cầu lục địa (eo đất) mà những người tiền sử sử dụng khi di cư từ lục địa này sang lục địa khác. Hàng chục ngàn năm trước, tổ tiên của chúng ta có thể đi bộ từ lục địa châu Âu đến Vương quốc Anh, từ Siberia đến Alaska và từ Úc đến các hòn đảo xung quanh nó.
"Khi kỷ băng hà cuối cùng xảy ra, rất nhiều nước biển đã đóng băng ở hai cực của hành tinh. Đó là lý do tại sao những eo biển như vậy từng tồn tại", O'Donoghue nói. "Mỗi liên kết như thế cho phép con người thực hiện công cuộc di cư và khi kỷ băng hà kết thúc, nước đã nhấn chìm những con đường này".
Bằng cách loại bỏ nước trên bề mặt, hoạt ảnh đã cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về thế giới của tổ tiên xa xưa.
Nó cũng để lộ ra những chuỗi núi dài nhất trên Trái Đất, một khi mực nước biển đã hạ xuống 2000m đến 3000m. Đó là sống núi giữa đại dương, trải dài hơn 37.000 dặm trên hành tinh. Hiện nay, hơn 90% dãy núi này nằm dưới nước.
Những ngọn núi lửa hình thành tại các vết đứt gãy, nơi các mảng kiến tạo của Trái Đất va chạm vào nhau, tạo nên đáy đại dương khi đá nóng chảy nổi lên từ bên dưới lớp vỏ Trái Đất.
Một khi các đại dương rút đến độ sâu 6.000 mét, phần lớn nước đã biến mất. Nhưng phải mất gần 5.000 mét nữa để có thể chạm đến khu vực sâu nhất của Rãnh Mariana.
"Tôi thích cách các ảnh động cho thấy rằng tính địa chất học của đáy đại dương cũng biến đổi và thú vị hệt như các lục địa", O'Donoghue nói.
Ông cho rằng giả thuyết làm cạn nước trên bề mặt Trái Đất đã khai quật "không chỉ đáy đại dương mà còn là câu chuyện cổ xưa về loài người".