Nếu thấy 'lợi bất cập hại' thì đều nên điều chỉnh hoặc hủy bỏ
Chia sẻ quan điểm của TS. Tô Văn Trường về việc biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), TS. Vũ Ngọc Hoàng, GS. Võ Tòng Xuân, LS. Trương Trọng Nghĩa – ba trong số rất nhiều trí thức tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục, với sự phát triển của đất nước – đã lên tiếng.
Như VietTimes đã thông tin, thực hiện Nghị quyết số 88/2014 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo 3 NXB thuộc ngành giáo dục, gồm NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, biên soạn, xuất bản 5 bộ SGK các môn học bắt buộc ở lớp 1 và 7 quyển SGK Làm quen với tiếng Anh lớp 1 (môn học tự chọn) để triển khai từ năm học 2020 - 2021. Tất cả số SGK này đều được biên soạn, xuất bản bằng nguồn vốn xã hội.
Việc này dấy lên nhiều ý kiến nghi ngại, nhất là khi được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam đã có 5 bộ SGK và không đủ nhóm tác giả tham gia thầu thực hiện SGK – như nội dung Chính phủ nhiều lần đề cập trong báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện triển khai đổi mới chương trình SGK, giáo dục phổ thông.
Hơn thế nữa, chi phí việc biên soạn sách dự kiến khoảng 400 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới, trong bối cảnh xã hội và kinh tế đang gặp phải nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
TS Vũ Ngọc Hoàng: Không nên viết thêm một bộ SGK nữa!
TS Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.
Theo tôi, không nên viết thêm một bộ nữa. Năm bộ vừa rồi Bộ đã thẩm định đạt yêu cầu, cứ dạy và học đi, rồi theo dõi, đánh giá, rút kinh nghiệm để một số năm sau, khi nào làm lại thì làm tốt hơn.
Tôi cho rằng làm sách giáo khoa không cần sử dụng ngân sách như vừa rồi là tốt, từ nay về sau nên làm như vậy. Tại sao giờ phải lấy ngân sách ra làm một bộ nữa để làm gì? Hay là cho rằng 5 bộ sách vừa rồi là không đạt yêu cầu? Hay là phải tiêu ngân sách? Nghị quyết 88 của Quốc hội ban hành năm 2014, nay xét thấy không cần tiêu tiền nữa thì báo cáo lại. Tôi nghĩ là Quốc hội sẽ hoan nghênh.
GS. Võ Tòng Xuân: Cần hoàn chỉnh bộ Chuẩn kiến thức
GS. Võ Tòng Xuân - Đại học Nam Cần Thơ.
Tôi rất hoan nghênh ý kiến rất chính đáng của anh Tô Văn Trường.
Xin nói thêm rằng, trong những lần góp ý với Bộ GD&ĐT và Quốc hội, tôi đã đề nghị Bộ chủ động tập trung tổ chức hoàn chỉnh bộ Chuẩn kiến thức (Standards of Knowledge) của từng môn học từ lớp 1 đến lớp 12 để trên cơ sở ấy mà các tác giả được chọn bởi các nhà xuất bản (NXB) uy tín viết sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT không cần soạn SGK nữa. Có như vậy, xã hội sẽ có vài bộ SGK chất lượng mà Nhà nước không tốn tiền.
Rất tiếc, văn bản quy phạm pháp luật lại chấp nhận cho Bộ soạn SGK để cạnh tranh với các NXB. Và rồi lại xin nhà nước kinh phí hoặc vay kinh phí như thế này thì kể như sách trong số 5 Bộ SGK đã được duyệt sẽ ít ai mua, vì có Sở GD&ĐT nào dám cãi Bộ mà không chỉ đạo phải mua sách của Bộ?
Đa số đại biểu Quốc hội sẽ hoan nghênh
LS Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Theo thiển nghĩ của tôi, có một chân lý này của xã hội loài người: Mọi chủ trương, kế hoạch, quyết định, nghị quyết, nếu sau khi ban hành mà thấy không còn cần thiết, không còn hợp lý, không có hiệu quả, không có khả năng thực hiện vì khách quan hay chủ quan, tóm lại là “lợi bất cập hại” thì đều nên hủy bỏ hoặc chí ít cũng điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi.
Ngay từ thời kháng chiến, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng có những lần làm như vậy - quyết định “kéo pháo ra” trong trận Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một ví dụ điển hình. Trên tinh thần đó, Quốc hội đã từng thay đổi nghị quyết hay chủ trương về điện hạt nhân, về luật đặc khu kinh tế, về kêu gọi đầu tư nước ngoài vào dự án đường cao tốc Bắc Nam,….
Vì vậy, chỉ cần Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiến nghị rõ ràng, minh bạch, giải trình khoa học, hợp lý thì Thủ tướng sẽ chấp nhận và Chính phủ sẽ kiến nghị lên Quốc hội có nghị quyết thay đổi.
Và tôi tin là đa số đại biểu Quốc hội sẽ hoan nghênh, chứ không chê trách Bộ trưởng, nhất là trong lúc xã hội và kinh tế còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.