Hiện phần lớn vũ khí của Nga viện trợ cho Syria đều đi qua Eo biển Bosphorus do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Sử dụng đường hàng hải giúp Nga tiết kiệm rất nhiều chi phí so với đường hàng không.
Tuy nhiên căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng sau khi Ankara triển khai quân vào phía Bắc Syria, không những vậy họ đe dọa đóng eo biển này nhằm bóp nghẹt con đường tiếp tế vũ khí cho Syria.
Giới quan sát đánh giá, việc đóng eo biển sẽ khiến cho chi phí vận chuyển tăng lên nhưng không ngăn cản được hoàn toàn việc tiếp tế vũ khí cho Syria, bởi lẽ Nga có thể dùng tới vận tải cơ khổng lồ An-124 để lập cầu hàng không.
Những chiếc An-124 có thể vận chuyển được tối đa 150 tấn hàng hóa mỗi chuyến bay.
Nếu chỉ tính riêng ở lĩnh vực quân sự thì An-124 hiện là vận tải cơ lớn nhất thế giới, chúng to lớn hơn cả C-5M của Mỹ.
Hiện có tổng cộng 48 chiếc An-124 đang hoạt động tích cực trong số 56 chiếc được sản xuất kể từ năm 1986.
Chúng đang phục vụ đắc lực trong lực lượng vận tải đường không của không quân Nga. Về hình dáng, An-124 tương tự loại C-5 Galaxy của Lockheed, nhưng lớn hơn một chút.
An-124 từng được dùng chuyên chở đầu máy xe lửa, thuyền buồm, thân máy bay và nhiều loại hàng hóa quá cỡ khác.
An-124 có thể hạ thấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc chất hàng.
An-124 có thể chở xe tăng, máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe bọc thép đến cả tàu ngầm cỡ nhỏ; nó cũng có thể chở 88 người trong một khoang phía trên sau buồng lái.
Tuy nhiên, vì khả năng điều áp hạn chế trong thân, nó hiếm khi chở lính dù. Có thể nói An-124 là một trong những kỳ quan công nghệ về chế tạo máy bay của Liên Xô.
Những chiếc An-124 đầu tiên được giới thiệu cho các chuyên gia hàng không và công chúng vào tháng 5-1985 tại Triển lãm Hàng không vũ trụ lần thứ 26 (Le Bourget/Pháp).
Các nhà báo phương Tây ngay lập tức đặt tên cho nó là “phép lạ nước Nga”.
Chỉ trong vòng 2 tuần từ tháng 7-1985 nó đã phá vỡ 21 kỉ lục thế giới tại thời điểm đó. Trong đó, kỷ lục đáng chú ý nhất là nâng vật nặng 171,219 tấn lên độ cao 10.750 mét .
Vào năm 1987, An-124 tiếp tục phá vỡ kỉ lục về khoảng cách bay không nghỉ theo tuyến đường khép kín (dọc biên giới Liên Xô) với quãng đường bay 20.151 km (kỉ lục cũ thuộc về máy bay ném bom chiến lược B-52 với quãng đường 18.245,5 km). Đồng thời, trọng lượng cất cánh cũng đạt được 1 kỉ lục mới: 455 tấn.
An-124 có hai khoang gồm các ngăn kín với kích thước dài, rộng, cao lần lượt là 36,5m; 6,4m; 4,4m và có thể tích khoảng 1.100m3.
Sàn máy bay được làm từ titan cho phép di chuyển các trang thiết bị hạng nặng vào khoang chứa. Toàn bộ khoang trước phía trên dành cho ê-kip bay.
Trong trường hợp cấp bách, An-124 có thể đảm đương tốt nhiệm vụ lập cầu hàng không để Nga tiếp tế vũ khí cho quân đội Syria.
Việt Hùng