Nếu thỏa mãn sẽ mất động lực cải cách

Từ góc nhìn của mình, ông Đậu Anh Tuấn Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho rằng, con đường cải cách của Việt Nam đã được khẳng định, vấn đề quan trọng hiện nay làm sao thúc đẩy thực thi quyết liệt và đồng loạt...

Môi trường kinh doanh của Việt Nam 2016-2019 qua xếp hạng Doing Business của WB

Môi trường kinh doanh của Việt Nam 2016-2019 qua xếp hạng Doing Business của WB

Cải cách đang chững lại

Tại hội thảo “2016 - 2019 qua xếp hạng Doing Business: Kết quả và một số gợi ý cải cách” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và NBN Media tổ chức ngày 28/10 trong khuôn khổ Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” - Aus4Reform, TS.Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng của CIEM đã nhắc tới hai bảng xếp hạng gần đây nhất vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố.

Kết quả xếp hạng Doing Business của WB cho thấy 4 năm qua, điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục tăng. Cụ thể, trong xếp hạng Doing Business 2020 vừa công bố, Việt Nam tăng thêm được 1,2 điểm. Còn theo bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh của WEF, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu trong năm 2019, khi tăng 3,5 điểm và 10 bậc lên vị trí 67 trên bảng xếp hạng.

Tuy nhiên, vị trí về môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2019 theo Doing Business 2020 lại tụt 1 bậc, xuống thứ 70 trên 190 nền kinh tế được khảo sát. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh tuy cải thiện vượt bậc, nhưng theo bảng xếp hạng GCI 4.0 có tới 8/12 trụ cột có thứ hạng thấp hoặc rất thấp.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, cả hai bảng xếp hạng này cho thấy những cải cách của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Mặc dù 4 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất nỗ lực cải cách và quyết liệt thúc đẩy cải cách thông qua các chỉ đạo rất quyết liệt, đặc biệt là các Nghị quyết 19, Nghị quyết 02, Nghị quyết 35… nhưng theo ông Cung, việc cải cách ở các lĩnh vực, các bộ, ngành, địa phương diễn ra trong thực tế không đồng đều, thiếu quyết liệt, thiếu giám sát dẫn tới kết quả tổng thể đạt được chưa như kỳ vọng.

Đặc biệt theo ông Cung, “phải tránh tình trạng ta cải thiện so với ta nhưng tụt lại so với thế giới. Nếu thỏa mãn chúng ta sẽ mất động lực cải cách, thỏa mãn sẽ thiếu sự kiểm soát thực chất để có thể thay đổi”.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, trong bối cảnh mới hiện nay, rõ ràng chúng ta không thể chỉ so sánh với chính chúng ta trước đây mà phải so sánh với thế giới, với các nước trong khu vực trong xu hướng dòng vốn đầu tư sẽ chỉ chảy vào những nơi thuận lợi nhất.

“Chúng tôi cho rằng, Việt Nam cần phải “sốt ruột” hơn với sự cải thiện của các nước và Việt Nam cần phải “sốt ruột” hơn so với sự chuyển biến chưa được nhanh như kỳ vọng của Chính phủ. Và đây cũng là dịp để Việt Nam cần phải nhìn lại và xây dựng một chương trình thay đổi một cách thực chất và phù hợp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Thủ tướng đã nói nhiều lần nhưng thực tế chưa thay đổi

Cho rằng cần phải có những quyết sách và giải pháp mới cho vấn đề cải cách, TS. Cung nhấn mạnh, yếu tố đầu tiên và mang tính quyết định nhất là cần đổi mới tư duy quản lý nhà nước, cách thức quản lý nhà nước theo hướng chuyển mạnh sang hậu kiểm, kiểm soát dựa trên cơ sở tuân thủ và đánh giá rủi ro. Chỉ có như vậy thì quản lý nhà nước mới hiệu lực và hiệu quả hơn, đồng thời giúp giảm chi phí tuân thủ trong khi tự do kinh doanh và an toàn trong hoạt động kinh doanh sẽ tăng lên.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc đồng bộ và hành động nhiều hơn. “Tất cả các Bộ trưởng - chứ không phải chỉ một vài tư lệnh ngành – phải vào cuộc quyết liệt và nhất quán trong việc thực thi các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, không coi đó là “việc” của những bộ, ngành khác chứ không phải của bộ mình. Việc này, tôi thấy Thủ tướng đã nói nhiều lần nhưng quan sát trên thực tế vẫn chưa thấy thay đổi nhiều”, TS. Cung nói.

Câu chuyện với các địa phương cũng vậy, nhìn lại 4 năm qua, những “điển hình” về cải thiện môi trường kinh doanh điểm đi điểm lại vẫn chỉ một vài địa phương có những cải cách mạnh như Quảng Ninh, Đồng Tháp… còn các nhân tố mới khác xuất hiện rất ít.

“Điều đó cho thấy, những chỉ đạo cải cách dường như chưa thấm một cách thực chất đến các địa phương”, ông Cung nói và cho biết thêm, chưa kể chúng ta còn thiếu những cơ quan mang tính chất độc lập chuyên nghiệp trong việc giám sát và thúc đẩy chia sẻ, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu những “đầu việc” đó không được thực hiện thì rất khó để có thể tiến thêm trong bảng xếp hạng những năm tới.

Thậm chí, nguy cơ tụt hạng xuống các vị trí 71, 72 hay thấp hơn nữa có thể xảy ra. Các lĩnh vực có thể cải thiện - và thực tế đã cải thiện rất tốt trong những năm qua giúp Việt Nam tăng hạng - nay đã tới hạn (tức khó có thể cải thiện mạnh nữa) thì các lĩnh vực cải cách khác đang rất khó khăn vì các yếu tố như đã nêu. Ngược lại, nếu các đầu việc trên được thực hiện thì hoàn toàn có thể hy vọng môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục cải thiện tích cực, thực chất và bền vững hơn nữa.

Từ góc nhìn của mình, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, con đường cải cách của Việt Nam đã được khẳng định, vấn đề quan trọng hiện nay làm sao thúc đẩy thực thi quyết liệt và đồng loạt.

“Từ thực tiễn bộ, ngành này làm tốt, thực chất trong khi bộ, ngành kia làm chưa tốt chưa thực chất cho thấy vấn đề quan trọng hiện nay là thúc đẩy thực thi và giám sát thực thi”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Thời gian vừa qua, Chính phủ đã thành lập tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để đôn đốc thực thi của các bộ, ngành và địa phương. “Tuy nhiên chúng tôi cho rằng một yếu tố rất quan trọng nữa là DN và người dân. Đây chính là những đối tượng sẽ phản ánh các cải cách đó đã đáp ứng được kỳ vọng hay chưa. Nếu cải cách được thực hiện theo các cách tiếp cận như vậy thì trong thời gian ngắn sắp tới, môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ khởi sắc hơn nữa”, ông Tuấn kỳ vọng.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/neu-thoa-man-se-mat-dong-luc-cai-cach-94017.html