Nếu Trái đất nóng hơn 2,5 độ so với thời tiền công nghiệp, ĐBSCL sẽ gặp nguy cơ

Tổ chức lương thực tại châu Âu rất lo lắng trước nguy cơ sản xuất lương thực trên thế giới gặp khó nếu nhiệt độ tăng cao, đặc biệt là những vùng bị ảnh hưởng trực tiếp như ĐBSCL của Việt Nam.

Biến đổi khí hậu đang có tác động lan rộng đến sản xuất nông nghiệp toàn cầu, từ các loại cây lương thực chủ lực như khoai tây và ngô đến các loại nông sản có giá trị thương mại hơn như ca cao và cà phê...

Tổ chức “Hành động chống nạn đói” (Action Against Hunger - AAH) nhân kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới (16.10) đã nêu bật sự đồng thuận về việc biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và an ninh lương thực. Trợ lý giám đốc truyền thông của AAH, Judith Escribano giải thích: “Không phải tất cả các loại cây trồng đều có nguy cơ như nhau”.

Trong khi các nhà nghiên cứu cảnh báo năng suất nông nghiệp chung sẽ giảm do khí hậu ấm lên, thì lượng mưa và thời tiết thay đổi lại có thể khiến một số cây trồng tăng năng suất. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2019 cho thấy năng suất các loại cây trồng như gạo và lúa mì đang giảm, trong khi thu hoạch lúa miến - loại cây chịu hạn tốt hơn - lại tăng trong cùng thời kỳ.

Escribano tiếp tục: “Không chỉ thời tiết mới ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Khi khí hậu ấm lên và thay đổi, sâu bệnh lây lan rộng hơn - tạo thêm một lớp khó lường khác cho hoạt động trồng trọt. Việc bảo quản thực phẩm cũng có thể trở nên khó khăn hơn vì nhiệt độ tăng cao khiến côn trùng và nấm mốc dễ sinh trưởng phá hoại nông sản”.

Cuộc khủng hoảng khí hậu cũng sẽ làm tăng tình trạng suy dinh dưỡng toàn cầu thông qua giảm cả sản lượng cũng như chất lượng thực phẩm, đồng thời làm tăng giá cả. Nhiệt độ cao hơn và nồng độ CO2 trong không khí tăng lên sẽ dẫn đến hàm lượng chất dinh dưỡng như sắt, kẽm và protein trong các loại cây trồng như đậu nành, lúa mì và gạo thấp hơn. Bà Escribano cảnh báo: “Vấn đề này đặc biệt đáng lo ngại ở những quốc gia có ít sự đa dạng về thực phẩm và nơi người dân dựa vào một hoặc hai loại thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn”.

AAH đã xác định biến đổi khí hậu có thể tác động như thế nào đến 8 loại cây trồng chính được sản xuất cho ngành công nghiệp thực phẩm như sau:

Bắp (hay còn gọi là ngô)

Sản lượng ngô toàn cầu có thể sẽ giảm mạnh vào năm 2050 do nhiệt độ thay đổi và lượng mưa suy giảm, hoạt động thất thường. Tất cả các khu vực đang phát triển trồng ngô quy mô như Mỹ và Brazil sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này.

Escribano cho biết: “Nông dân sản xuất nhỏ đặc biệt phụ thuộc vào mưa đúng thời lượng để trồng ngô và biến đổi khí hậu đã làm xáo trộn thời lượng mưa”, đồng thời cảnh báo: “Ở những nơi như Mozambique, nơi ngô được trồng để cung ứng cho nhu cầu lương thực trong nước, điều này có thể sẽ gây ra thiệt hại nặng nề”.

Lúa mì

Ở những khu vực mát mẻ hơn như châu Âu và Bắc Mỹ, sản lượng lúa mì có thể tăng hơn 5% nếu lượng mưa đảm bảo. Tuy nhiên, ở những khu vực dễ bị tổn thương hơn như Ấn Độ, Trung Mỹ và châu Phi, sản lượng có thể giảm từ 3% trở lên. Vì Ấn Độ sản xuất 14% lượng lúa mì của thế giới nên việc sản lượng giảm ở các khu vực trồng trọt khô và nóng sẽ có tác động đáng kể đến các gia đình trồng lúa mì ở Ấn Độ và hàng triệu người sống dựa vào chúng.

Lúa gạo

Đối với hơn 3,5 tỉ người (chủ yếu ở châu Á), gạo cung cấp hơn 20% lượng calo hằng ngày và nhu cầu ngày càng tăng. Tuy nhiên, năng suất lúa trên toàn cầu có thể giảm hơn 5,5% nếu nhiệt độ tăng thêm 1,5 độ C. Một số ước tính còn dự đoán sản lượng có thể giảm 11% vào năm 2050.

Nếu vào cuối thế kỷ này, nhiệt độ trung bình của hành tinh đạt mốc cao hơn 2,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, người ta cho rằng một nửa đồng bằng sông Cửu Long, nơi xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, có nguy cơ chìm dưới nước.

ĐBSCL là vựa lúa của Việt Nam - Ảnh: VGP News

ĐBSCL là vựa lúa của Việt Nam - Ảnh: VGP News

Nông dân trên khắp châu Á - gồm các quốc gia đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam và ở châu Phi - nơi Nigeria là nước sản xuất gạo lớn nhất lục địa - sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Tại Bangladesh, nông dân đã bị mất mùa lúa do nắng nóng và lượng mưa thấp trong mùa trồng trọt, dẫn đến hơn 168.000 mẫu lúa bị tàn phá. Các cánh đồng ven biển đặc biệt gặp nguy hiểm do mực nước biển dâng cao, do nước biển có thể tràn vào vùng đất khô hạn, phá hoại cây lúa.

Khi cuộc khủng hoảng khí hậu đang đặt ra câu hỏi về tương lai của lúa gạo, tại châu Âu, dự án Gạo châu Âu của EU đang nâng cao nhận thức về trồng lúa ở châu Âu.

Đậu nành

Sự phổ biến ngày càng tăng của đậu nành đang thúc đẩy nạn phá rừng góp phần làm tăng lượng carbon. Xu hướng này dễ nhận thấy nhất ở Nam Mỹ, nơi nông dân đang tăng cường sản xuất đậu nành để xuất khẩu sang Trung Quốc và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Tác động của biến đổi khí hậu đến năng suất đậu nành khá khác nhau, vì các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cây đậu nành phản ứng thuận lợi với nồng độ CO2 cao hơn trong không khí.

Escribano chỉ ra: “Sản lượng đậu nành cũng có thể tăng nếu nông dân chuyển đổi từ các loại cây trồng khác, chẳng hạn như lúa mì, hoặc mở rộng sang các vùng đất có rừng trước đây - điều đang xảy ra ở Amazon và có thể xảy ra ở những khu vực có điều kiện lý tưởng để trồng đậu nành nhờ mát mẻ, như bang New York và miền Nam Canada. Tuy nhiên, ngay cả khi sản lượng thu hoạch tăng trong thời gian tới, hầu hết các nhà khoa học đều dự đoán rằng sản lượng vào cuối thế kỷ này sẽ giảm do căng thẳng ngày càng gia tăng về nhiệt độ và nguồn nước”.

Khoai tây

Đến năm 2050, sản lượng khoai tây toàn cầu có thể giảm tới 9%. Theo AAH, vì khoai tây cần được cấp nước ổn định để phát triển nên sẽ có ít diện tích thích hợp cho việc sản xuất khoai tây hơn. Ở những nơi trồng khoai tây phụ thuộc vào băng tuyết tan trên núi, như bang Idaho ở Mỹ, hoặc mùa mưa ổn định như Bolivia, nông dân sẽ cần điều chỉnh giống hoặc đầu tư vào hệ thống tưới tiêu để duy trì sản lượng.

Chuối

Chuối được trồng ở vùng nhiệt đới dưới dạng hoa quả xuất khẩu hoặc làm nguồn thực phẩm địa phương. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng do nhiệt độ tăng trong 20 năm qua, sản lượng chuối đã giảm 43%. Các giống chuối phổ biến cũng đang bị đe dọa bởi các bệnh như bệnh sọc đen trên lá, có thể lây lan nhanh hơn và xa hơn khi thời tiết nóng hơn. Tuy nhiên, AAH nhấn mạnh rằng những thay đổi về thời tiết cũng có thể đồng nghĩa với việc có thêm đất để trồng chuối vào năm 2070.

Ca cao

Escribano cảnh báo nhu cầu về sô cô la đang tăng lên và “khả năng sản xuất ca cao khó có thể theo kịp”. Bờ Biển Ngà và Ghana ở Tây Phi chiếm một nửa sản lượng ca cao của thế giới và khu vực này đang phải hứng chịu lượng mưa và gió nóng thất thường. Trong khi đó, hạt ca cao chỉ phát triển tốt trong những điều kiện rất khắt khe.

Escribano cho biết: “Chúng ưa nhiệt độ ổn định, độ ẩm cao và lượng mưa thường xuyên”. Do vậy, nhiệt độ tăng đang thúc đẩy việc di canh ca cao lên những nơi có độ cao hơn, nơi đơn giản là có ít đất hơn và khiến nạn phá rừng trầm trọng hơn.

Cà phê

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu có giá trị đối với nhiều hộ nông dân nhỏ. Ở các quốc gia xuất khẩu cà phê lớn, loại cây này mang lại cơ hội kinh tế trên khắp đất nước thông qua trồng trọt, chế biến, buôn bán… và các vai trò liên quan. Theo Escribano, tất cả đều có thể gặp rủi ro nên tình cảnh của cà phê cũng tương tự như các loại cây trồng khác. Ethiopia, nước sản xuất cà phê hàng đầu châu Phi, có khả năng mất 25% sản lượng cà phê vào năm 2030.

Những gì có thể được thực hiện?

Giống như nhiều tổ chức khác, AAH đề xuất để tránh gián đoạn nguồn cung, nông dân có thể cần mở rộng sản xuất hoặc áp dụng các kỹ thuật mới để đạt được năng suất tương đương. Một số loại cây trồng như cà phê có thể di canh trồng ở những khu vực mới để phù hợp với biến đổi khí hậu. Nông dân cũng có thể cần phải bắt đầu trồng các loại cây trồng quen thuộc có khả năng chống chịu tốt hơn và phù hợp với biến đổi khí hậu hơn hoặc các loại thực phẩm mới hoàn toàn.

Escribano tiết lộ: “Tổ chức chúng tôi đang thực hiện một số biện pháp để xây dựng một hệ thống nông nghiệp bền vững hơn. Đầu tiên, chúng tôi hướng dẫn nông dân các kỹ thuật trồng trọt thông minh với biến đổi khí hậu và giới thiệu các loại cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu để giúp họ tận dụng tối đa nguồn tài nguyên đang cạn kiệt. Thứ hai, chúng tôi đang sử dụng các phương pháp tiếp cận sinh thái nông nghiệp để nâng cao hiệu quả và phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Cuối cùng, chúng tôi đang tổ chức các khóa đào tạo ngoài đồng cho nông dân, nơi nông dân có thể thử nghiệm và thực hành những gì họ đã học được trước khi áp dụng các bài học đó vào chính mảnh đất của mình.

“Thị hiếu của người tiêu dùng cũng có thể cần phải thay đổi, vì khí hậu biến đổi có thể đồng nghĩa với việc phải thích nghi với các loại thực phẩm mới và hàng tỉ người trên thế giới phải thay đổi thực đơn. Cần có thời gian để giúp nông dân tìm tòi chuẩn bị cũng như thích ứng thành công bằng cách tìm hiểu về các loại cây trồng mới và kỹ thuật trồng trọt mới - đồng thời để mọi người ở khắp mọi nơi tập thói quen ăn uống mới”.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/neu-trai-dat-nong-hon-2-5-do-so-voi-thoi-tien-cong-nghiep-dbscl-se-gap-nguy-co-207853.html