Nếu Việt Nam thành phim trường của thế giới…
Những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bề dày lịch sử, văn hóa, ẩm thực phong phú, con người thân thiện, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành 'phim trường' của điện ảnh thế giới. Nhưng sau rất nhiều năm, đến nay, với hầu hết các địa phương, những lợi thế nói trên vẫn nằm ở dạng lợi thế, tiềm năng.
Giàu tiềm năng nhưng khai thác hạn chế
“Sau hơn 30 năm, kể từ thời điểm 3 dự án phim lớn của Pháp gần như đồng loạt chọn Việt Nam làm bối cảnh: “Đông Dương”, “Người tình”, “Điện Biên Phủ”, đến nay, số lượng phim nước ngoài, đặc biệt là những dự án phim lớn chọn quay ở Việt Nam vẫn “đếm trên đầu ngón tay”. Đây là thực tế có phần phũ phàng được tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam thẳng thắn chỉ ra và nhận được rất nhiều sự đồng tình của các đại biểu tham dự tọa đàm “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới” - sự kiện vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Nhân dân phối hợp tổ chức.
Khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng trong thu hút các đoàn làm phim quốc tế nhưng tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng cho rằng, nếu chúng ta không tích cực thúc đẩy, có cơ chế chính sách thu hút các đoàn làm phim thì sẽ vẫn “dậm chân tại chỗ”. Theo bà Lan, Luật Điện ảnh 2022 đã có nhiều tiền đề, khung pháp lý để tạo cơ chế cho hoạt động này nhưng những cơ chế và văn bản dưới luật dường như chưa có. Về thủ tục đối với các đoàn làm phim quốc tế đến quay phim tại Việt Nam hiện có đơn giản hơn như chỉ yêu cầu đưa 100% kịch bản phần quay ở Việt Nam, còn phần không quay ở Việt Nam thì chỉ cần tóm tắt kịch bản, thay vì Nhà nước duyệt kịch bản 100% đối với các dự án quay 1/10 diễn biến bộ phim ở Việt Nam như trước đây.
Tuy nhiên, cơ chế tài chính, chính sách ưu đãi cho nhà làm phim là những yếu tố quyết định lớn đến việc thu hút các đoàn làm phim, nhất là cơ chế giảm thuế, ưu đãi thuế thì Luật Thuế lại chưa quy định. Nếu các đoàn làm phim quốc tế không được ưu đãi thì họ sẽ đến các nước có cảnh quan tương tự Việt Nam nhưng có chính sách ưu đãi tốt hơn như Thái Lan, Philipinnes hoặc các nước chào đón họ. Như vậy, chúng ta mất nhiều khách hàng. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, hàng năm, Thái Lan đón khoảng 100 đoàn làm phim, thậm chí là 200 đoàn làm phim lớn, nhỏ. Trong khi đó, các đoàn phim quốc tế đến Việt Nam rất ít, có khi chỉ đếm trên một bàn tay. Đó là những điều chúng ta cần xem xét và suy ngẫm.
Tích cực quảng bá điểm đến, phát triển du lịch
Những lợi ích từ việc thu hút các đoàn làm phim quốc tế đã được khẳng định qua rất nhiều minh chứng thực tiễn của cả Việt Nam và quốc tế. Theo Cục Du lịch quốc gia, sau khi bộ phim bom tấn “Chúa tể của những chiếc nhẫn” do đạo diễn Peter Jackson thực hiện được công chiếu trên toàn thế giới, doanh thu từ du lịch mang lại cho New Zealand - điểm đến được chọn làm bối cảnh của phim, đã tăng gấp đôi, đạt 6 tỉ USD trong giai đoạn năm 1999 - 2004. Trang trại của một gia đình người New Zealand - nơi đoàn làm phim tiến hành chuyển một phần diện tích thành xưởng phim Hobbiton luôn là địa điểm hấp dẫn, thu hút 350.000 khách du lịch mỗi năm cho ngành du lịch New Zealand.
Ở Việt Nam thời gian qua, điện ảnh đã và đang góp phần không nhỏ quảng bá danh lam thắng cảnh, giá trị văn hóa, di sản của các vùng miền Việt Nam đến với công chúng trong và ngoài nước, giúp thu hút khách du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số tác phẩm điện ảnh được sản xuất trong nước đã tạo được dấu ấn, định hướng thị hiếu, thu hút một lượng lớn du khách tới điểm đến, địa danh xuất hiện trong bối cảnh phim.
“Đông Dương” (Indochine) của đạo diễn Régis Wargnier với siêu sao Catherine Deneuve thủ vai chính, đã dựng phim trường, tiến hành quay phim trong vòng 3 tháng tại vụng Oản, Vịnh Hạ Long vào năm 1991. Sau khi phim được công chiếu, khách quốc tế, nhất là khách Pháp đến thăm vịnh Hạ Long, đều ghé thăm vụng Oản. Nhiều khách hạng sang mong muốn được ở phòng 208 của khách sạn Hạ Long 1, nơi siêu sao Catherine đã ở.
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - bộ phim được đạo diễn Victor Vũ thực hiện với nhiều cảnh đẹp ở Phú Yên, sau khi công chiếu năm 2015 đã tạo được ấn tượng lớn, thúc đẩy một dòng khách du lịch, nhất là các bạn trẻ đến du lịch, tham quan những địa danh trong phim của Phú Yên. Số lượng khách du lịch đến Phú Yên tăng nhanh từ mức 750.000 lượt năm 2014 lên 1.600.000 lượt năm 2018, tăng trưởng 113%. “Kong - Đảo đầu lâu” (Kong - Skull Island) do Jordan Vogt-Roberts đạo diễn, được quay đồng thời tại Ninh Bình, Quảng Bình và Quảng Ninh. Thành công của bộ phim sau đó đã tạo ra sản phẩm du lịch phim trường tại Ninh Bình, thúc đẩy tăng trưởng 141% số lượng lượt khách đến với Quảng Bình, từ 1.990.000 lượt năm 2016 lên 4.800.000 lượt năm 2019.
“Hành trình tình yêu của một du khách” (A tourist’s guide to love) là phim quốc tế đầu tiên được quay hoàn toàn tại Việt Nam sau đại dịch COVID - 19 với sự tham gia của hơn 200 thành viên đoàn phim. Sau công chiếu tháng 4/2023, phim đứng thứ 3 trong top 10 toàn cầu cho phim tiếng Anh trên nền tảng Netflix, lọt vào top 10 ở 78 thị trường, bao gồm ở châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương. Bản sắc văn hóa và nhiều cảnh đẹp của Việt Nam đã được lan tỏa đi khắp thế giới.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cũng cho hay, thành công bộ phim “Kong: Skull Island” đã giúp thu hút nhiều khách Pháp đến Tam Cốc- Bích Động, Ninh Bình. Nhiều năm qua, Ninh Bình đã nỗ lực khai thác triệt để lợi thế về văn hóa, bối cảnh thiên nhiên, hỗ trợ các đoàn làm phim đến quay phim tại Ninh Bình và thông qua đó để đẩy mạnh truyền thông, quảng bá địa phương. Sau phim “Kong: Skull Island”, Ninh Bình đã đẩy mạnh khai thác bối cảnh bộ phim, tái hiện không gian phim trường kết hợp truyền thông trên nền tảng số, thu hút rất nhiều khách đến Tràng An. Trước đây, Tràng An hầu như không có khách quốc tế nhưng hiện nay, khách quốc tế đến Tràng An chiếm 40 - 50%.
Nhưng cần hành động quyết liệt, chủ động từ đầu, có chiến lược bài bản
Khẳng định việc địa phương được chọn làm bối cảnh cho các bộ phim nổi tiếng sẽ tích cực góp phần truyền thông, lan tỏa hình ảnh điểm đến nhưng ông Mạnh cũng cho rằng, việc kết nối du lịch và điện ảnh còn cần nghiên cứu thêm từ các chuyên gia để có những chiến lược bài bản ngay từ đầu, cần có chiến lược tổng thể từ cơ chế chính sách của trung ương cho đến địa phương. Tránh tình trạng như Ninh Bình trước đây, khi đón đoàn phim “Kong: Skull Island”, địa phương chưa đủ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để phục vụ, phải mời đội ngũ phục vụ từ Metropol Hà Nội xuống phục vụ ăn uống của đoàn. Ông Mạnh cũng đề xuất, cùng với các giải pháp về tổng thể để phát triển, các địa phương cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện tối đa cho các đoàn làm phim, có chiến lược để có những giới thiệu cụ thể hơn về điểm đến kết hợp chính sách cụ thể trong thu hút các đoàn làm phim.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia cho rằng, Việt Nam rất giàu tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, văn hóa. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam xếp hạng 26 và tài nguyên văn hóa xếp hạng 28 trên thế giới. Đây là nguồn tài nguyên rất tốt để phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh. Sự thành công của bộ phim “Kong: Skull Island” với những cảnh quay hoành tráng tại Hạ Long, Quảng Bình, Ninh Bình cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành phim trường của những bộ phim “bom tấn” của Hollywood.
Cũng theo ông Khánh, xúc tiến quảng bá du lịch kết hợp với điện ảnh là một hoạt động đặc thù, cần có sự tiếp cận và phương thức triển khai phù hợp. Đối tượng hướng đến là các quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển, các đạo diễn, nhà sản xuất phim nổi tiếng có tầm ảnh hưởng. Nhưng chúng ta không chỉ quảng bá tiềm năng của Việt Nam trở thành phim trường của thế giới, mà còn phải tập trung quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các bộ phim quay ở Việt Nam.
Ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho rằng khi các đoàn phim lớn của quốc tế đến quay ở các địa phương thì các doanh nghiệp, người dân sẽ hưởng lợi, nhưng trên hết là những lợi ích vô giá về mặt truyền thông, thương hiệu, giới thiệu điểm đến. Với các vướng mắc về thuế và các cơ chế chính sách liên quan, Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành làm đầu mối để tham mưu xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, văn hóa của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Trong chiến lược này sẽ đề cập nhiều về chiến lược của hai ngành du lịch, điện ảnh để thúc đẩy phát triển hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, chúng ta phải nghiên cứu xem các nơi có điện ảnh phát triển để học tập và xúc tiến, lắng nghe để hiểu đoàn phim họ muốn gì để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các hiệp hội điện ảnh, hiệp hội du lịch, các ngành, các địa phương phải có sự phối hợp hiệu quả, phải có lộ trình mang tính chiến lược bài bản, kết hợp từ xây dựng sản phẩm, quảng bá xúc tiến đến các chính sách cần thiết.