'Nếu Vietravel Airlines thất bại, mấy chục năm xây dựng coi như bỏ'

Chủ tịch Vietravel Airlines, Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định ông cùng đội ngũ đã rất nỗ lực và tâm huyết để ra được một hãng bay mang đậm những trải nghiệm văn hóa.

Là doanh nghiệp chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vietravel vẫn đưa ra quyết định táo bạo là cất cánh hãng hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) trong năm 2020.

Zing trò chuyện cùng Chủ tịch HĐQT của cả hai doanh nghiệp là ông Nguyễn Quốc Kỳ để hiểu thêm về hãng bay mới nhất của hàng không Việt.

- Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả ngành du lịch và hàng không, Vietravel Airlines cất cánh thời điểm này liệu là lựa chọn mạo hiểm?

- Khủng hoảng có những thuận lợi, cũng có những khó khăn. Thuận lợi có thể kể đến như chi phí thuê máy bay, nhân công, nhân lực dễ dàng hơn so với trước dịch Covid-19. Đây là cơ hội để Vietravel xây dựng một hãng hàng không đúng như mong muốn với chi phí thấp nhất có thể.

Tuy nhiên, hãng cũng sẽ gặp những khó khăn khi hàng không luôn dựa vào dòng tiền tương lai. Khi thị trường mất đi vì dịch thì dòng tiền đột nhiên cũng mất hoặc giảm ở mức độ rất sâu. Đến thời điểm này, các hãng phải đứng trước những lựa chọn, nếu chỉ đi thuê máy bay thì có thể cầm cự được qua dịch, nhưng những hãng có đội bay lớn, đa chủng loại, có nhiều máy bay sale and leaseback (bán và thuê lại chính máy bay mới mua) thì sẽ gặp nhiều khó khăn.

Qua quá trình nhận định, chúng tôi cho rằng nếu Vietravel Airlines áp dụng nghiệp vụ sale and leaseback có thể có một khoản tài chính ban đầu thật, nhưng chi phí dài hạn là rất lớn. Do đó, chúng tôi chọn phương án đi thuê máy bay, kể cả khi thị trường giảm sâu vẫn cầm cự được.

Bên cạnh đó, còn một khó khăn là hàng không Việt chỉ còn thị trường nội địa, trong khi các hãng đang cạnh tranh nhau rất “căng”, kể cả về doanh thu, thị phần lẫn slot bay.

Chúng tôi đánh giá rằng sự cạnh tranh là cần thiết để các doanh nghiệp tăng chất lượng phục vụ, hành khách nhận được giá trị tốt nhất nhưng cũng cần đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Đây là thời điểm Chính phủ nên phát huy vai trò kiến tạo của mình.

- Có nhiều ý kiến cho rằng thị trường khó khăn, Vietravel Airlines lập ra là để giữ giấy phép chờ bán lại?

- Nhiều người có ý kiến rằng vì sao trong thời điểm khó khăn lại có hãng mới ra. Chúng ta nên nhớ chỉ số thành lập doanh nghiệp mới, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không, luôn là chỉ số cho thấy nền kinh tế có thể vượt qua khó khăn và cần khuyến khích điều đó. Việc thúc đẩy phát triển hàng không sẽ giúp thúc đẩy luân chuyển hàng hóa, luân chuyển con người, chất xám trong xã hội, giúp nền kinh tế linh hoạt hơn.

Tất cả chúng tôi đều có thể công nhận hàng không và du lịch là hai ngành bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19 nhưng lại chính là hai ngành có tốc độ phục hồi ấn tượng nhất khi dịch được kiểm soát.

Rõ ràng đây không phải là thời điểm tốt nhất để xây dựng một hãng hàng không và chắc chắn nhiều hãng cất cánh là lỗ khi thị trường nội địa không đủ để cho lượng lớn các hãng hàng không cùng khai thác.

Chúng tôi đã đánh giá, nếu thị trường phục hồi hoàn toàn mới bay thì không còn cơ hội, cơ hội chỉ xuất hiện trong bối cảnh thị trường khủng hoảng. Khủng hoảng sẽ tạo ra khoảng trống của thị trường, mình bắt trúng vào thì mình ổn.

- Là hãng bay "sinh sau đẻ muộn", Vietravel Airlines có gặp nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất tốt nhất, slot bay (khung giờ cất hạ cánh) đẹp nhất đã có hãng sử dụng hết?

- Slot bay cấp cho Vietravel Airlines thời gian đầu chắc chắn là không đủ, kể cả khi chúng tôi chỉ khai thác 3 máy bay. Đây là điều hơi đáng tiếc nhưng chúng tôi cũng phải tự mình giải quyết bài toán thị trường, tự tạo nguồn khách từ kinh doanh lữ hành.

Là doanh nghiệp có hàng chục năm kinh nghiệm về xây dựng thị trường, Vietravel đã từng có những đường bay thuê chuyến ròng rã 6 tháng, tạo ra nguồn khách ổn định và sau đó chính các hãng hàng không nhìn thấy tiềm năng để mở đường bay thường lệ, không cần Vietravel nữa, đó cũng là điều đáng tiếc.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận những đường bay trên trục vàng Bắc - Nam vẫn là đông khách nhất, những chuyến bay từ TP.HCM ra Bắc tham quan mùa thu, mùa xuân, những mùa hoa Hà Nội hay những đường bay từ Hà Nội vào phương Nam tràn nắng cũng rất đông khách. Nếu có slot bay, chúng tôi sẽ khai thác tốt để phục vụ luồng khách này.

Việc phân chia slot bay hiện tại cũng đã có hãng bay phản ánh, trong khi có hãng dùng không hết thì có hãng lại thiếu slot bay để khai thác. Điều này gây lãng phí rất lớn về tài nguyên slot bay, lãng phí nguồn đầu tư của xã hội và làm việc phát triển thị trường đôi lúc bị lệch lạc.

Khi bước vào thị trường hàng không, chúng tôi mong muốn những hãng mới cũng nên được quan tâm để tạo điều kiện phát triển.

Chúng tôi chỉ mong muốn những slot bay mà các hãng sử dụng không hết, chúng tôi sẽ được tiếp cận và về lâu dài thì cần có chính sách cụ thể để các hãng mới vươn lên được. Với 8 điểm đến và 40 đường bay được Cục Hàng không cấp theo lịch bay mùa đông, chúng tôi sẽ thực hiện đúng, nghiêm túc và hết sức trách nhiệm với những gì đã được cấp.

-Trước khi Vietravel Airlines nhận giấy phép bay, Bộ Tài chính đã chia sẻ hoài nghi về khả năng đáp ứng vốn của công ty mẹ Vietravel, vậy hai doanh nghiệp đã có kế hoạch ra sao để hãng bay có thể duy trì dòng tiền ổn định khi cất cánh tại thị trường nội địa đang bão hòa?

- Hiện nguồn vốn tối thiểu 700 tỷ đồng Vietravel đã khóa trong tài khoản theo yêu cầu của nhà chức trách trong hơn một năm, chưa động vào một đồng nào. Khi có giấy phép của Cục Hàng không chúng tôi mới được sử dụng đến nguồn vốn này.

Ngoài ra Vietravel cũng đã tự đầu tư trên 200 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị những chuyến bay đầu tiên vì không thể lấy được 700 tỷ trên ra được. Chi phí thuê máy bay, nhân sự, đặt cọc phải chuẩn bị trước một bước. Do đó bản thân nguồn vốn mà doanh nghiệp đầu tư vào Vietravel Airlines đã là hơn 900 tỷ đồng rồi, nguồn vốn này là vốn tự có và một phần là vốn vay thương mại.

Tuy nhiên, nói để thấy doanh nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh bởi nếu thời điểm trước dịch dòng vốn của Vietravel khá dồi dào. Trong bối cảnh hãng mẹ là Vietravel dòng tiền bị ảnh hưởng mà hãng con là Vietravel Airlines chưa sản sinh doanh thu cũng là gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Do đó chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh Vietravel Airlines ra mắt thị trường nhằm tạo dòng doanh thu, cùng lúc đó kết hợp với các bộ sản phẩm của Vietravel để hút khách, hai mảng hỗ trợ lẫn nhau.

- Ông có thể chia sẻ về tham vọng trong thời gian đầu hãng bay cất cánh như quy mô đội bay, doanh thu hay thị phần mà hãng mong muốn?

- Mục tiêu mà Vietravel Airlines đặt ra cho năm 2021 là cố gắng bằng mọi cách giữ cho hòa vốn hoặc lỗ ở mức thấp nhất có thể. Đây là mục tiêu rất tham vọng vì thường các hãng hàng không năm đầu ra mắt thường lỗ, kế hoạch tài chính của Vietravel cũng đặt rõ năm đầu tiên Vietravel Airlines có thể lỗ trong mức thấp nhất có thể, cũng đã tính tới phương án đó và chỉ có thể cân lại được vào năm thứ 2, có xét đến bối cảnh thị trường tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch.

Về đội bay, 3 chiếc đầu tiên chúng tôi thuê sẽ là giai đoạn một, trong đó chiếc thứ hai chúng tôi nhận vào 23/12, chiếc thứ ba nhận vào 10/1/2021. Tới quý II/2021, Vietravel Airlines dự kiến biên chế đội bay 8 chiếc và tới cuối quý IV/2021, dự kiến hãng biên chế 15-20 chiếc máy bay thân hẹp trong đội bay.

Về dòng máy bay, thời gian đầu Vietravel cân nhắc biên chế máy bay của Boeing, bao gồm những mẫu như Boeing 737 MAX, 737-800 hay máy bay thân rộng 787, tuy nhiên do dòng 737 của Boeing bị tạm ngừng bay trên toàn cầu nên Vietravel Airlines đã chuyển hướng sang dòng A320 của Airbus mà cụ thể là mẫu A321ceo với cấu hình 220 ghế, phù hợp với định hướng của hãng. Dàn máy bay thời gian đầu sẽ là máy bay thuê, sau đó cân nhắc phương án sale and leaseback.

Chúng tôi đặt mục tiêu trong 3 năm nằm trong top 3 các hãng bay du lịch, nếu được đã là thành công lớn.

-Cũng là hãng bay khai thác máy bay thân hẹp của Airbus, không có ghế thương gia, đâu sẽ là điểm khác biệt để Vietravel Airlines cạnh tranh và đặt mình trong phân khúc trên trung bình?

-Chúng ta thử để ý, tất cả hãng xe khách đều mua một dòng xe để vận chuyển, vậy tại sao đi với hãng A thì họ lại thích thú di chuyển còn hãng B thì lại không. Ở đây câu chuyện là bản chất các phương tiện phục vụ đều như nhau, chỉ có cách tổ chức dịch vụ cộng thêm, gia tăng giá trị cho hành khách mới là điều làm hành khách cân nhắc lựa chọn.

Vietravel cũng luôn quan niệm “thái độ hơn trình độ”, 3 yếu tố cốt lõi tạo nên thương hiệu Vietravel sẽ được áp dụng vào Vietravel Airlines, đó là chuyên nghiệp, cảm xúc thăng hoa và gia tăng giá trị. Tất cả dịch vụ mà hãng đưa ra đều phải chuẩn, phải đúng như mình cam kết và phải ổn định để không ảnh hưởng tới trải nghiệm của hành khách.

Bên cạnh đó, hãng cũng sẽ quan tâm đặc biệt tới cảm xúc của hành khách, từ những cử chỉ nhỏ nhất. Một câu chuyện nhỏ là tại sao không có hãng bay nào tặng chiếc chăn trên máy bay cho hành khách có nhu cầu, phải chăng là bài toán chi phí? Tôi nghĩ chi phí lớn nhất là bài toán mời khách lên được máy bay anh đã tốn rồi, tại sao đã mất chi phí bằng con trâu mà lại tiếc sợi dây thừng.

Chuyến bay của Vietravel Airlines cũng là những chuyến bay du lịch, là hành trình văn hóa. Tất cả tiếp viên sẽ là những thuyết minh viên, mang tới cho hành khách những thông tin, những điều đặc sắc về vùng đất mà mình sắp tới. Ví dụ quý khách sắp hạ cánh tại Quy Nhơn, vậy tiếp viên có thể nhắc khách đừng quên thưởng thức bánh xèo tép nhảy, tôm nhảy, để hành khách có hành trình trọn vẹn hơn.

Chúng tôi xác định sự khác biệt của hãng sẽ không chỉ là một chuyến bay, mà là một hành trình văn hóa. Qua hành trình cùng chúng tôi, hành khách sẽ có thêm những thông tin, sẽ yêu hơn nơi mình sắp tới, yêu hơn đất nước mình.

Chuyến bay thì hãng nào cũng sẽ có, nhưng khi di chuyển cùng Vietravel Airlines, hành khách có thêm giá trị về tri thức, giá trị về nhân văn và những chăm sóc khách hàng từng chi tiết nhỏ. Thời gian đầu chính các tiếp viên của hãng sẽ truyền tải tới hành khách dưới cánh máy bay là vùng đất nào, nơi hành khách sắp tới là nơi ra sao. Còn ai truyền tải tốt hơn họ, những người đã có hàng trăm, hàng nghìn chuyến bay tới khắp mọi miền.

Những giá trị gia tăng đó chắc chắn sẽ mất chi phí của doanh nghiệp, nhưng chi phí lớn nhất là mời hành khách lên máy bay, họ đã đồng ý rồi, cho mình cơ hội rồi thì mình tiếc gì sợi dây thừng.

-Hành trình văn hóa chắc hẳn không thể thiếu trải nghiệm ẩm thực?

-Các món ăn trên máy bay cũng sẽ đa dạng cho hành khách chọn lựa và là tinh hoa ẩm thực của những vùng miền. Đây là yếu tố chúng tôi sẽ đầu tư để tạo ra cảm xúc, tạo ra khác biệt cho chuyến bay của mình.

Bữa ăn 5 sao cùng rượu vang, Vietravel Airlines không chọn con đường đó, chúng tôi muốn chọn con đường Việt Nam, với món ăn trên máy bay là đặc sản của chính điểm đến nơi hành khách sắp đặt chân tới, thay đổi theo từng mùa. Vất vả một chút, nhưng hành khách sẽ không gặp cảnh lần nào bay cũng ăn món này. Mùa cốm thơm tại sao không phải là cốm trên máy bay?

Như chai nước phục vụ trên chuyến bay của Vietravel Airlines sẽ vẫn là nước lọc nhưng thoảng vị mía, hãng bay của chúng tôi cũng sẽ là một hãng bay với dư vị văn hóa Việt Nam. Ngược lại khi bay quốc tế, chuyến bay của Vietravel Airlines cũng lại giới thiệu về văn hóa bản địa của các quốc gia.

Chúng tôi chấp nhận chi phí sẽ tăng thêm cho khoảng 200-300 kg trọng tải để giải quyết câu chuyện hành trình văn hóa. Hành khách quan tâm câu chuyện giá anh tăng giảm có hợp lý không, nếu hợp lý chúng tôi đồng ý.

-Ông có lo ngại rằng ở một thị trường hàng không nhạy cảm về giá như Việt Nam, hành khách sẽ chọn giá rẻ thay vì chọn những giá trị văn hóa mà Vietravel Airlines định hình là cốt lõi?

-Giá là khẩu đại bác bắn toang các loại hình. Ai cũng có thị trường, cũng có phân khúc khác nhau, nếu giờ anh chọn phân khúc giá ai cũng bay được thì anh chịu.

Khách đi với Vietravel sẽ là khách du lịch, đã từng sử dụng dịch vụ của Vietravel, họ sẽ đi thử xem ông này mình đi du lịch rồi thì đi máy bay của ông ấy xem như thế nào, có như quảng cáo không. Mà khách đi tour cũng có rất nhiều công ty bán tour rẻ hơn Vietravel nhiều, vì sao họ không chọn mà lại chọn chúng tôi, có năm gần 1 triệu khách.

Câu chuyện không phải là giá bao nhiêu mà là khách hàng được hưởng những gì từ mức giá đó. Thách thức là làm sao chinh phục được những khách hàng đã tin tưởng lựa chọn mình, làm sao để họ thấy dịch vụ của mình xứng đồng tiền bát gạo.

Hãng bay truyền thống có phân khúc riêng, hãng bay giá rẻ cũng vậy, mình là hãng bay Hybrid mình phải tìm được phân khúc riêng. Đây là chuyện Vietravel Airlines bắt buộc phải làm đúng

-Nhiều doanh nghiệp theo mô hình làm hàng không kèm lữ hành trên thế giới như Thomas Cook đang gặp khó khăn lớn, ông có cho rằng mô hình mà Vietravel đang theo đuổi cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự?

-Trường hợp của Thomas Cook, TUI hay các hãng bay tương tự đến từ việc bộ máy vận hành của họ cồng kềnh, đặc biệt là về chi phí lao động, nhân sự. Bài toán đưa ra là anh cần có giải pháp tinh giản chi phí cũng như phải giải quyết được chuyện hàng không và lữ hành, đâu sẽ là chính, đâu là phụ.

Bản chất của du lịch vẫn là di chuyển, do đó từng bước Vietravel sẽ là đơn vị mở ra thị trường cho Vietravel Airlines để hãng phát triển mạng bay. Hãng bay mở ra không nhằm phục vụ hãng lữ hành mà chính hãng bay sau này sẽ trở thành xương sống của Vietravel, mở ra hệ kinh doanh mới trong 10 năm tới của doanh nghiệp.

-Là người chưa từng làm hàng không, ông thấy việc xây dựng, vận hành một hãng bay có gì khó khăn?

-Ai bảo làm hàng không dễ thì thực sự không dễ chút nào, vất vả. Lữ hành và hàng không về cách làm thị trường thì giống nhau, nhưng kỹ thuật trong đó lại là câu chuyện khác.

Tôi may mắn vì có một bộ máy nhân sự có tâm, có năng lực và trình độ. Họ có thể ở những tầm khác nhau, nhưng quan trọng là tất cả đều có tâm. Mặc dù tất cả đều biết Vietravel đang khó khăn, nhưng vì sao họ vẫn muốn vào, tôi cho rằng đây là những con người có khát vọng.

Mình cũng không giành người của ai cả, người này người khác kém một chút cũng được, nhưng giành giật không phải là việc của Vietravel. Chúng tôi từng trải qua chuyện đó rồi và không mong muốn làm chuyện đó.

Cũng có người cảnh báo mình nếu thất bại thì mấy chục năm xây dựng Vietravel của anh vứt đi đấy, nhưng mình chấp nhận. Tôi cho rằng bộ máy của mình là những con người say nghề và có tâm thực sự.

Ngô Minh (thực hiện)

Đồ họa: Như Ý

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/neu-vietravel-airlines-that-bai-may-chuc-nam-xay-dung-coi-nhu-bo-post1165365.html