Nếu xung đột Nga-Ukraine kết thúc trong năm 2022, giá dầu 'chảy' theo kịch bản nào?
Trong bối cảnh có diễn biến mới trong khủng hoảng Nga-Ukraine, câu hỏi được đặt ra là, cuộc xung đột kết thúc sớm hơn dự kiến sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với các nhà sản xuất dầu?
Các nhà phân tích cho rằng, nếu xung đột Nga-Ukraine kết thúc sớm hơn, khả năng vẫn xảy ra một cuộc suy thoái nhẹ ở Mỹ, còn người dân ở khu vực Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) vẫn còn nhiều lo ngại về lạm phát tăng cao.
Mới đây, có tin tức về một chiến thắng "nhỏ nhưng mang tính biểu tượng" của các lực lượng Ukraine khi chiếm lại được một ngôi làng ở Luhansk, miền Đông đất nước, vốn được Nga hậu thuẫn.
Điều này xảy ra gần 7 tháng sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (ngày 24/2), và vài tuần sau khi có tin đồn về một cuộc phản công tại Kherson ở miền Nam nước này.
Những tin tức “tích cực” đối với quân đội Ukraine tại khu vực Kharkov, như Izium và thành phố biên giới Kupiansk, cũng khiến một số người nghĩ tới viễn cảnh xung đột sẽ sớm kết thúc ở Đông Âu.
Hôm 20/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, ông tin rằng Nga đang tìm cách chấm dứt xung đột và "một bước quan trọng" sẽ được thực hiện.
Theo các nguồn tin, cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với dầu khí của Nga đã khiến doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt của các nhà sản xuất tại GCC giảm. Trong khi đó, các nước phương Tây tìm cách giảm, tiến tới cắt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu của Nga.
Trong bối cảnh đó, câu hỏi được Zawya.com chuyển tới các nhà phân tích là, một cuộc xung đột kết thúc sớm hơn dự kiến sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với các nhà sản xuất dầu?
Giá dầu giảm
Ehsan Khoman, Trưởng bộ phận nghiên cứu các thị trường mới nổi tại Ngân hàng MUFG, cho biết: “Chấm dứt xung đột sẽ khiến giá dầu giảm với kỳ vọng rằng nguồn cung bổ sung sẽ chảy tới các thị trường trên toàn cầu.
Hiện nay, ở mức khoảng 95 USD/thùng, dầu Brent đã quay trở lại mức giá trung bình trong 15 năm (được điều chỉnh theo lạm phát), trong khi nhu cầu của thị trường đã giảm do nguy cơ suy thoái”.
Ngân hàng trên không dự đoán một cuộc phục hồi bền vững do "cơn giận dữ suy thoái" bù đắp cho tốc độ tăng giá của dầu thô, nhưng họ khẳng định, triển vọng rủi ro đã được cải thiện.
Theo nhà phân tích Khoman, những thách thức thường trực như đầu tư thương mại giữa các quốc gia giảm, biến đổi khí hậu cũng như việc không đầu tư vào chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ không được giải quyết trong dài hạn do suy thoái bởi lạm phát.
Trường hợp xung đột kéo dài
Trong khi đó, Ngân hàng Lombard Odier có trụ sở tại Thụy Sỹ tin rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ còn kéo dài và tiếp tục làm gia tăng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Nhưng khi được hỏi quan điểm của ngân hàng sẽ như thế nào nếu xung đột kết thúc vào năm 2023, Samy Chaar, Nhà kinh tế trưởng tại Lombard Odier, dự báo, giá dầu giao dịch ở mốc gần 100 USD/thùng vào năm 2022, ổn định ở mức 90 USD/thùng vào năm 2023.
Ông Chaar lưu ý, Liên minh châu Âu (EU) đã xây dựng kho dự trữ khí đốt tự nhiên và có những động thái viện trợ nhà nước, ra quy định yêu cầu tiết kiệm điện và đánh thuế đối với doanh thu của doanh nghiệp năng lượng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia của ngân hàng Thụy Sỹ, hiệu quả của các biện pháp này sẽ phụ thuộc vào sự nhất trí đồng lòng giữa các quốc gia thành viên EU và sự sẵn sàng phối hợp từ các nhà cung cấp năng lượng.
Ông nói: “Xung đột Nga-Ukraine sẽ tiếp tục tác động đến sự tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong những quý sắp tới. Giá năng lượng tăng cao sẽ thúc đẩy lạm phát.
Chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất lên mức đỉnh 1,5-2% vào cuối năm 2022 và dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone sẽ giảm 1% vào năm 2023”.
Nếu lãi suất ở Mỹ ở mức dưới 4%, ngân hàng Lombard Odier tin rằng, nhiều khả năng, nền kinh tế số 1 thế giới này sẽ chỉ phải hứng chịu một cuộc suy thoái nhẹ vào năm 2023 thay vì một cuộc suy thoái nghiêm trọng như nhiều người nhận định.
Lạm phát tại khu vực GCC
Về khu vực GCC, ông Chaar nói: “Lạm phát là một thách thức lớn đối với khu vực, cũng như đối với phần còn lại của thế giới. Trong khi áp lực giá cả trong tháng 7 giảm ở Qatar, xuống còn 5%, thì Saudi Arabia lại chứng kiến lạm phát tăng lên 2,7%.
Bất chấp Riyadh đang thắt chặt việc kiểm soát giá nhiên liệu và năng lượng, có những dấu hiệu cho thấy, xu hướng lạm phát toàn cầu đã bắt đầu tác động đến nền kinh tế quốc gia Arab này.
Nhà kinh tế Chaar nhận định: “Ở Dubai, lạm phát đã tăng lên 7,1% vào tháng 7/2022, mức cao nhất kể từ năm 2008 và tăng từ 5,8% vào tháng 6. Trong đó, chi phí vận tải tăng vọt là nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát phi mã.
Thống kê cho thấy, chi phí vận tải tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái do Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) không trợ cấp nhiên liệu”.
Mặc dù vậy, nhà kinh tế trưởng tại Lombard Odier cũng cho biết, ngân hàng này dự đoán khu vực GCC sẽ chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ.
Ông nói: “Vẫn có khả năng phục hồi các động lực tăng trưởng và GDP của UAE sẽ tăng khoảng 7% trong năm nay, với dự báo GDP phi dầu mỏ sẽ tăng khoảng 4,5%”.
Trong khi đó, tuy không bình luận cụ thể về kết quả của cuộc xung đột sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá dầu, Alexander Perjessy, Phó Giám đốc Phân tích cấp cao của Ngân hàng Moody's, nhận định: “Kỳ vọng hiện tại của chúng tôi là giá dầu về gần hơn phạm vi cơ bản 50-70/thùng vào năm 2024-2025, nhưng chúng tôi không cho rằng nhiên liệu này sẽ thực sự nằm trong phạm vi đó vào năm 2024”.
Ông Perjessy nói thêm: “Nếu giá dầu giảm đáng kể so với các giả định hiện tại của chúng tôi, thì cơ hội cho các quốc gia GCC cân đối nguồn tài chính và thực hiện các cải cách hơn nữa trong một môi trường vĩ mô sẽ bị thu hẹp”.