Nếu xung đột, vũ khí Nga được phóng từ 'cơn ác mộng' với NATO sẽ đáng sợ tới mức nào?
Chuyên gia quân sự Sebastian Roblin của Mỹ nhận định, trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tên lửa tầm xa được phóng từ Kaliningrad có thể trở thành mối đe dọa đáng kể đối với liên minh quân sự.
Trên cổng thông tin 19FortyFive, ông Roblin cho biết, về mặt lý thuyết các nước Baltic có thể là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh giữa Nga và NATO.
Ông cũng giải thích rõ rằng, các hệ thống tên lửa được trển khai ở tỉnh Kaliningrad sẽ cản trở sự di chuyển của các lực lượng trên không, trên biển và trên bộ của NATO qua Ba Lan và Lithuania.
Chuyên gia này nhận định: “Tên lửa của Nga đặt tại Kaliningrad có thể đe dọa tấn công các căn cứ trên đất liền, tàu thuyền trên biển và thậm chí cả máy bay ở hầu như toàn bộ khu vực Biển Baltic, Ba Lan và thậm chí cả một số khu vực ở Đức”.
Các radar của tình báo Nga cũng sẽ trở thành vấn đề đối với lực lượng NATO vì vị trí triển khai giúp hệ thống đó thuận lợi thu thập thông tin tình báo quan trọng mang tính chiến lược.
Ông Roblin cho rằng, mối đe dọa được cho là xuất phát từ tỉnh Kaliningrad đối với liên minh quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang lớn đến mức NATO sẽ buộc phải tìm cách "bao vây" khu vực này.
Trong một bài báo năm 2018, National Interest đánh giá, "cơn ác mộng tồi tệ nhất của NATO" là tỉnh Kaliningrad được "vũ trang đến tận răng", với lực lượng tên lửa và hải quân Nga bố trí trong khu vực là yếu tố làm co hẹp đáng kể vùng hoạt động của quân đội Mỹ và châu Âu.
Mối đe dọa lớn nhất là các tổ hợp tên lửa đạn đạo Iskander-M, có khả năng giáng đòn tấn công chính xác vào các chủ thể hải quân ở Ba Lan và các nước vùng Baltic.