New Dehli tố Trung Quốc hỗ trợ các nhóm phản loạn chống chính phủ Ấn Độ, Bắc Kinh phủ nhận

Vào lúc tình hình biên giới Trung Quốc - Ấn Độ đang căng thẳng, các quan chức Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đang hỗ trợ các nhóm phiến quân ly khai tăng cường tấn công ở biên giới Ấn Độ - Myanmar trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã bác bỏ.

 Việc Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch phát hành bộ tem kỉ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ khiến quan hệ hai bên căng thẳng thêm (Ảnh: AFP).

Việc Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch phát hành bộ tem kỉ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ khiến quan hệ hai bên căng thẳng thêm (Ảnh: AFP).

Theo tin của Bloomberg ngày 7/12, các quan chức Ấn Độ nắm được tình hình liên quan đã tiết lộ, các nhóm vũ trang ở bên trong Myanmar, bao gồm Quân đội bang Wa thống nhất (UWSA) và Quân đội Arakan (Arakan Army, AA), mới được xác định là một tổ chức khủng bố trong năm nay, hiện đang đóng vai trò đại diện cho Bắc Kinh cung cấp vũ khí và nơi ẩn náu cho các nhóm phiến loạn nổi dậy ở các bang Đông Bắc Ấn Độ. Bản tin của Bloomberg nói Trung Quốc đã mở mặt trận mới tranh chấp với Ấn Độ ở bên ngoài dãy Himalaya.

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews), các quan chức Ấn Độ cho biết nhiều cơ quan an ninh đã nhắc nhở Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, vào giữa tháng 10, ít nhất bốn thủ lĩnh phe nổi dậy của Ấn Độ đã tới huấn luyện và mua vũ khí ở Côn Minh, một thành phố ở miền nam Trung Quốc. Họ cho biết trong số này có 3 người là quân nổi dậy người dân tộc Naga, những người đang tìm cách thành lập quốc gia của riêng họ nằm ở hai bên biên giới Ấn Độ và Myanmar. Những người này cũng đồng thời gặp gỡ các người đại diện và sĩ quan quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu, cùng những người trung gian khác.

Sự gia tăng các hoạt động dọc biên giới Ấn Độ-Myanmar đã làm dấy lên lo ngại ở New Delhi, trong khi tình hình căng thẳng với Trung Quốc và Pakistan ở các khu vực khác của biên giới trên bộ đã khiến quân đội Ấn Độ ở trong tình trạng căng thẳng cao. Các quan chức này cho biết vào ngày 21/10, sau khi một binh sĩ Ấn Độ chết trong một cuộc phục kích, Ấn Độ đã chuyển một số đơn vị quân đội, mỗi đơn vị khoảng 1.000 binh sĩ tới khu vực biên giới Ấn Độ-Myanmar.

Quân đội hai nước Trung Quốc - Ấn Độ ở biên giới vẫn trong tình trạng đối đầu căng thẳng. Trong ảnh: lính Trung Quốc đang theo dõi động tĩnh bên phía Ấn Độ (Ảnh: CCTV).

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc nước này ủng hộ các nhóm vũ trang chống lại Ấn Độ, đồng thời bày tỏ không can thiệp vào công việc của các nước khác. Bộ này nói trong một văn bản trả lời, Trung Quốc luôn giữ thái độ thận trọng và có trách nhiệm đối với việc xuất khẩu vũ khí, Trung Quốc chỉ hợp tác và thương mại quân sự với các quốc gia có chủ quyền và không bán vũ khí cho các tổ chức phi nhà nước.

Kể từ khi bùng nổ xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong năm nay, quan hệ song phương trở nên nhạy cảm và mong manh. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar gần đây khi trả lời phỏng vấn tờ The Hindu đã nói, các cuộc đàm phán giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang diễn ra nhưng ông cũng ám chỉ rằng các cuộc đàm phán có thể kéo dài trong vài năm.

Hôm 6/11, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng thứ tám cuộc hội đàm cấp chỉ huy quân đoàn tại Chushule. Hai bên tiếp tục trao đổi quan điểm nhằm thúc đẩy việc thoát ly tiếp xúc ở khu vực tuyến kiểm soát thực tế (LAC) ở đoạn phía Tây biên giới Trung Quốc - Ấn Độ. Hai bên nhất trí thực hiện nghiêm túc đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo hai nước đã đạt được nhằm đảm bảo lực lượng ở tiền tuyến của hai bên giữ kiềm chế, tránh hiểu lầm và đánh giá sai. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì liên lạc thông qua các kênh quân sự và ngoại giao, trên cơ sở cuộc hội đàm này, thúc đẩy hơn nữa việc giải quyết các vấn đề khác và cùng nhau duy trì hòa bình, yên tĩnh ở khu vực biên giới. Hai bên nhất trí sẽ tổ chức vòng đàm phán tiếp theo trong thời gian tới.

Lực lượng nổi dậy Myanmar bị Ấn Độ cáo buộc thay mặt Trung Quốc hỗ trợ cho lực lượng phản loạn ly khai chống chính phủ (Ảnh: Dwnews).

Trong một diễn biến khác, trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 8/12 đưa tin, việc Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch phát hành bộ tem kỷ niệm chung với Ấn Độ, cho thấy hai quốc gia láng giềng ở châu Á này vẫn đang căng thẳng do xung đột quân sự ở biên giới.

Theo Deutsche Welle, Cục Bưu điện quốc gia Trung Quốc ban đầu dự định phát hành bộ tem kỷ niệm mang tên "Kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ" và một con tem đặc biệt "Mogao Caves". Hang động Mogao là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, các bức tượng Phật nằm trong hang này phản ánh nguồn gốc văn hóa lâu đời giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, trang web của Cục Bưu điện Trung Quốc ngày 8/12 thông báo các kế hoạch này đã bị hủy bỏ mà không đưa ra lời giải thích chi tiết.

Deutsche Welle nhận xét, kể từ tháng 6, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã trở nên căng thẳng. Trong cuộc xung đột quân sự biên giới vào tháng đó, ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã chết sau khi bị quân đội Trung Quốc tấn công bằng đá và gậy ở phía tây dãy Himalaya.

Bài báo của Deutsche Welle cũng đưa tin, các quan chức Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc sử dụng lực lượng vũ trang người Myanmar làm "người đại diện". Bài báo dẫn tin trang web Lianhe Zaobao của Singapore viết, một quan chức Ấn Độ giấu tên nói rằng các nhóm vũ trang người Miến Điện như Quân đội bang Wa thống nhất (UWSA) và Quân đội Arakan (Arakan Army, AA) gần đây đã trở thành người đại diện của Bắc Kinh, cung cấp vũ khí, dịch vụ hậu cần và nơi trú ẩn cho các nhóm phiến quân nổi dậy ở Đông Bắc Ấn Độ và phát động tấn công vào lãnh thổ phía Ấn Độ ở biên giới giữa Ấn Độ và Myanmar.

Tổ chức vũ trang "Quân đội thống nhất bang Wa" (UWSA) bị Ấn Độ cáo buộc thay mặt Trung Quốc củng hộ lực lượng phiến loạn chống chính phủ Ấn (Ảnh: AFP).

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ cáo buộc họ hỗ trợ các nhóm vũ trang chống Ấn Độ và tuyên bố sẽ không can thiệp vào công việc của các nước khác.

UWSA cũng phủ nhận việc thay mặt Trung Quốc cung cấp bất kỳ sự viện trợ ủng hộ nào cho các tổ chức khủng bố. Tổ chức này nói, "Chúng tôi không liên quan gì đến an ninh quốc gia của Ấn Độ và chúng tôi không có kế hoạch gây hại cho nước này... Về việc bị cáo buộc là đại diện của Trung Quốc, chúng tôi cho rằng cáo buộc này là vô căn cứ”.

Theo trang tin Đa Chiều ngày 9/12, mặc dù chính phủ Ấn Độ trong những năm gần đây đã liên tục thuyết phục các nhóm vũ trang ở các bang Đông Bắc Ấn Độ đầu hàng, nhưng hiện vẫn còn các nhóm nổi dậy chống chính phủ hoạt động. Trong số này có các tổ chức mang các tên gọi: Mặt trận Giải phóng Quốc gia Thống nhất (UNLF), Đảng Cách mạng Nhân dân Manipur (PREPAK), Quân đội Giải phóng Nhân dân Manipur (PLAM) Những con Hổ Giải phóng Thống nhất Hồi giáo Assamese (MULTA), Đảng Cộng sản Kanggre Park (KCP), Phong trào Độc lập Kantapur (KLO), Quân đội Mãnh hổ Tripura (ATTF), Hội đồng Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia Nagaland (NSCN) và Quân đội Cách mạng Zomi (ZRA) đang hoạt động ở biên giới Ấn Độ và Myanmar.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/new-dehli-to-trung-quoc-ho-tro-cac-nhom-phan-loan-chong-chinh-phu-an-do-bac-kinh-phu-nhan-post141064.html