New START chưa thể bắt đầu

Ngày 13-10 vừa qua, Moscow phủ nhận những tuyên bố của Washington về việc Mỹ và Nga đã đạt được một 'thỏa thuận về nguyên tắc' liên quan đến việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), mà Moscow gọi là START-3, cũng như phủ nhận quan điểm cho rằng một thỏa thuận có thể sẽ được ký kết trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Khi lợi ích “lệch pha”

Trước đó, phát biểu tại Quỹ Heritage, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí, ông Marshall Billingslea, bày tỏ tin tưởng “sẽ đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc ở cấp cao nhất giữa hai chính phủ” về việc Mỹ gia hạn hiệp ước New START “trong một khoảng thời gian” với điều kiện Nga đồng ý hạn chế và “đóng băng” kho vũ khí của mình.

Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngay lập tức phản đối những bình luận nêu trên, nhấn mạnh rằng quan điểm của Mỹ về việc Nga giữ nguyên kho vũ khí hạt nhân như một phần của thỏa thuận gia hạn New START giữa hai nước là “không thể chấp nhận được”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, đề nghị của Mỹ về New START giữa hai nước là 'không thể chấp nhận được'.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, đề nghị của Mỹ về New START giữa hai nước là 'không thể chấp nhận được'.

Hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Ryabkov nói: “Nga không phản đối việc giữ nguyên này nhưng Nga cần giải quyết các vấn đề ổn định chiến lược như một vấn đề tổng thể”. Thêm vào đó, ông Ryabkov cũng nhấn mạnh Mỹ sẽ không thể đạt được một thỏa thuận về kiểm soát vũ khí chiến lược từ phía Moscow trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Để khẳng định thêm lập trường của Nga về vũ khí hạt nhân, tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Quốc phòng Nga vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết Nga sẽ triển khai thêm 2 hệ thống tên lửa hành trình siêu âm Avangard - loại tên lửa “có thể đạt tốc độ siêu vượt âm trong các tầng khí quyển dày đặc, thay đổi hướng đi và độ cao, xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa” tại căn cứ của lực lượng tên lửa chiến lược ở Orenburg của Nga vào cuối năm nay.

Ban đầu, chính quyền của Tổng thống Trump phản đối việc gia hạn New START, thay vào đó kêu gọi một thỏa thuận đa phương với Nga và Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần khước từ các nỗ lực của Mỹ nhằm buộc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, trước sức ép của Tổng thống Donald Trump và cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong vòng 3 tuần nữa, ông Billingslea đã bày tỏ mong muốn tiến ngay tới một thỏa thuận song phương mà ông hy vọng là sẽ dẫn đến một thỏa thuận đa phương.

Ông Billingslea nói rằng Mỹ vẫn nhất quyết muốn có sự tham gia của Trung Quốc, nước có chương trình hạt nhân đang phát triển nhanh chóng và không phải đối mặt với sự hạn chế của hiệp định nào, cho dù sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc vẫn chưa là gì so với quy mô các kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 3-11 tới. Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, ông Joe Biden, người đang tạm dẫn trước Tổng thống Trump trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, đã bày tỏ quan điểm ủng hộ gia hạn New START, Hiệp ước được đàm phán dưới thời một cựu tổng thống của đảng Dân chủ là Barack Obama, đồng thời gọi hiệp ước này là “điểm mấu chốt trong ổn định chiến lược giữa Mỹ và Nga”.

Bản chất quan hệ còn nhiều điểm nghẽn

New START được Mỹ và Nga ký năm 2010. Đây là thỏa thuận song phương duy nhất giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.

Theo hiệp ước này, mỗi nước chỉ có thể triển khai 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom tầm xa mang bom hạt nhân; không nhiều hơn 1.550 đầu đạn hạt nhân tầm xa; không nhiều hơn 800 bệ phóng ICBM, SLBM, máy bay ném bom có thể mang bom hạt nhân được triển khai hoặc chưa được triển khai.

Giới chuyên gia nhận định New START là một thành công trong tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân, bởi ở giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Nga và Mỹ mỗi nước sở hữu hơn 10.000 phương tiện có thể mang bom hạt nhân tấn công bên kia.

Quan hệ Mỹ-Nga về bản chất vẫn còn nhiều nút thắt.

Quan hệ Mỹ-Nga về bản chất vẫn còn nhiều nút thắt.

New START sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021 và có thể gia hạn 5 năm nếu hai bên đồng ý. Trước đây, Mỹ từng nhiều lần khẳng định sẵn sàng gia hạn New START với Nga dù trong ngắn hạn nhưng với một số điều kiện đi kèm. Cụ thể, Mỹ muốn đảm bảo một chế độ kiểm chứng hiệu quả được thực hiện để khôi phục lòng tin về việc các bên tham gia sẽ tuân thủ các cam kết theo thỏa thuận trong tương lai.

Trước đó, Washington đã rút khỏi một thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác giữa Mỹ và Nga là Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), với cáo buộc Nga “sản xuất và đưa ra thực địa năng lực tấn công bị cấm trong INF”, chẳng hạn như tên lửa hành trình SSC-8 được cho là có tầm bắn vươn tới Tây Âu. Về phần mình, Nga cáo buộc Mỹ “phạm sai lầm nghiêm trọng” khi quay lưng lại với INF và chỉ trích “chiến dịch tuyên truyền của” Washington nhằm đổ hết lỗi cho Moscow về sự sụp đổ của INF.

Mỹ cũng rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, vốn cho phép hai nước có thể bay trên không phận các khu vực nhạy cảm của nước kia, với việc Tổng thống Trump tỏ ra giận dữ sau khi máy bay do thám của Nga đã lượn trên bầu trời khu vực diễn ra giải golf Bedminister tại New Jersey mà ông Trump tham dự.

Quan hệ Nga-Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump được gắn nhiều với sự việc một số thành phần trong giới chức Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Sau khi bước chân vào Nhà Trắng, việc ông Trump luôn tìm cách giảm thiểu, nếu không muốn nói là phủ nhận, sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ bất chấp những kết luận của cộng đồng tình báo.

Có khoảng 40% cử tri đảng Cộng hòa có cái nhìn thiện cảm đối với Nga, điều này có lợi cho sự tranh cử của Tổng thống Trump. Trong khi đó, 53% người Nga cũng có cái nhìn như vậy đối với ông Trump, một mức kỷ lục đối với một Tổng thống Mỹ kể từ đầu những năm 2000.

Thế nhưng, bất chấp sự ngưỡng mộ của ông Trump dành cho ông Putin, lập trường của Mỹ đối với Nga dưới thời Tổng thống Trump đã trở nên cứng rắn xét về nhiều mặt. Các biện pháp trừng phạt do chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama áp đặt để trả đũa việc Nga can thiệp vào Ukraine năm 2014 vẫn chưa được dỡ bỏ.

Việc nới lỏng các quy tắc can thiệp trong bối cảnh xung đột Syria đã cho phép quân đội Mỹ phản ứng trực tiếp hơn với các hành động do quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad thực hiện và được hỗ trợ bởi binh lính hoặc lính đánh thuê Nga. Xét ở bất cứ vấn đề nào, quan hệ Mỹ-Nga cũng đang vướng phải những trở ngại nhất định khó có lối thoát trong ngắn hạn.

Hà Phương (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/new-start-chua-the-bat-dau-616309/