New York ban bố tình trạng khẩn cấp về bệnh bại liệt

Thống đốc bang New York Kathy Hochul hôm 9/9 đã ban bố tình trạng khẩn cấp về bệnh bại liệt sau khi có nhiều bằng chứng cho thấy virus đang lây lan trong cộng đồng. Các quan chức khuyến cáo người dân nhanh chóng tiêm vắc xin phòng bệnh.

Hình ảnh virus bại liệt dưới kính hiển vi (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Hình ảnh virus bại liệt dưới kính hiển vi (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Kết quả phân tích nước thải từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã tìm thấy các mẫu virus bại liệt tại 5 quận của New York. New York bắt đầu giám sát nước thải sau khi một người lớn chưa tiêm phòng mắc bệnh bại liệt ở hạt Rockland vào tháng 7. Đây là trường hợp đầu tiên mắc bại liệt được ghi nhận tại Mỹ kể từ năm 2013. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp về bệnh dịch được đưa ra với hy vọng thúc đẩy người dân tiêm vắc xin phòng bệnh.

Tiến sĩ Mary Bassett - Ủy viên Y tế New York kêu gọi những người chưa được tiêm chủng hãy đi tiêm phòng ngay lập tức. Các cá nhân và gia đình không chắc chắn về tình trạng tiêm chủng của mình nên liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng khám hoặc sở y tế quận để đảm bảo rằng họ được cập nhật về các mũi tiêm của mình.

Theo Bộ Y tế Mỹ, tỷ lệ tiêm phòng bại liệt ở một số quận của New York thấp đáng báo động. Tỷ lệ chủng ngừa bại liệt trung bình trên toàn bang là khoảng 79%. Mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng là nâng cao tỷ lệ này lên trên 90%.

Vắc xin bại liệt cho trẻ em gồm 4 liều. Liều đầu tiên được tiêm trong khoảng thời gian từ 6 tuần đến 2 tháng tuổi, liều thứ hai được tiêm khi trẻ được 4 tháng tuổi, liều thứ ba khi được tiêm khi 6-18 tháng và liều thứ tư khi trẻ 4-6 tuổi. Đối với người lớn chỉ cần tiêm 1-2 mũi.

Tuy nhiên, các quan chức y tế khuyến cáo một số người dân New York đã tiêm vắc xin nên tiêm thêm mũi tăng cường duy nhất trong đời. Những cá nhân này bao gồm những người có thể tiếp xúc với người bị nhiễm virus bại liệt hoặc các thành viên trong gia đình của người bị nhiễm bệnh. Nhân viên y tế cũng nên tiêm nhắc lại nếu họ làm việc ở những nơi đã phát hiện virus bại liệt.

Có 2 loại vắc xin bại liệt. Loại thứ nhất là vắc xin bất hoạt dạng tiêm (IPV) có chứa các virus bại liệt chết đã được xử lý. Loại thứ 2 là vắc xin dạng uống (OPV) có chứa phiên bản virus sống đã được làm suy yếu. Người uống vắc xin có thể thải virus bại liệt qua phân. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Vắc xin OPV đã không còn được sử dụng tại Mỹ từ năm 2000. Do đó, giới chức y tế Mỹ cho rằng ca bệnh được phát hiện gần đây có nguồn gốc từ một người nước ngoài đã được chủng ngừa bằng vắc xin dạng uống.

Một bé gái đang uống vắc xin bại liệt (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Một bé gái đang uống vắc xin bại liệt (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Bệnh bại liệt lây lan giữa người với người khi virus xâm nhập vào miệng, điển hình là qua bàn tay bị dính phân của người bị bệnh. Bệnh khó phát hiện vì 70% người bị nhiễm không có triệu chứng, trong khi khoảng 25% có các triệu chứng nhẹ tương tự như bệnh cúm.

Cứ 100 người bị nhiễm virus thì có một người phát triển bệnh nặng dẫn đến bại liệt vĩnh viễn. Bệnh gây tử vong ở 2-10% người mắc bệnh khi các cơ dùng để thở bị tê liệt.

Bệnh bại liệt đã từng phổ biến trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, virus bại liệt từng bùng phát thành dịch lớn vào những năm 1959-1960 ở các tỉnh phía Bắc với khoảng 17.000 trẻ mắc bệnh, trên 500 trẻ tử vong.

Nhờ các chiến dịch tiêm chủng hiệu quả, đến nay, căn bệnh này đã gần như bị xóa sổ trên toàn thế giới. Virus bại liệt hoang dã hiện chỉ tồn tại ở Afghanistan và Pakistan.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/the-gioi/new-york-ban-bo-tinh-trang-khan-cap-ve-benh-bai-liet-166237.html