New York đang chìm dưới sức nặng của các tòa nhà chọc trời
Thành phố New York của Mỹ đang chìm trung bình 1-2mm mỗi năm và một số khu vực của nó đang sụt lún với tốc độ gấp đôi. Điều này một phần là do sức nặng của các tòa nhà chọc trời.
Theo The Guardian, sự sụt lún này đang làm trầm trọng thêm tác động của mực nước biển dâng, vốn đang tăng nhanh với tốc độ gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Mực nước ở sườn thành phố New York đã tăng khoảng 22cm kể từ năm 1950 và các trận lụt lớn do bão gây nên có thể xảy ra thường xuyên hơn, gấp 4 lần so với hiện nay vào cuối thế kỷ. Điều này xuất phát từ sự kết hợp của mực nước biển dâng và bão do biến đổi khí hậu.
Các nhà nghiên cứu cho biết trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Earth's Future: "Khoảng 8,4 triệu người đang phải đối mặt với mối nguy hiểm ở các mức độ khác nhau do ngập lụt tại New York".
Các tác giả của nghiên cứu cho biết, không chỉ có New York mới phải đối mặt với mối nguy trên, nhiều thành phố ven biển khác trên khắp thế giới cũng bị đe dọa tương tự khi khủng hoảng khí hậu ngày càng sâu sắc. "Sự kết hợp giữa sụt lún kiến tạo và nhân tạo, mực nước biển dâng và cường độ bão ngày càng tăng cho thấy vấn đề đang gia tăng dọc theo các vùng ven biển và ven sông".
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, các công trình kiến trúc của thành phố New York, gồm cả tòa nhà Empire State nổi tiếng và Chrysler, nặng 764 tỷ kg tương đương trọng lượng của 140 triệu con voi. Trong lúc những công trình xây dựng khổng lồ này ép mặt đất bên dưới chúng ngày càng gần với mực nước biển thì biến đổi khí hậu đang nâng đại dương lên để nhấm chìm chúng.
Nhà địa vật lý Tom Parsons thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, người đứng đầu nghiên cứu nói: "Đó không phải là điều đáng lo ngại ngay lập tức nhưng quá trình này làm tăng nguy cơ ngập lụt do lũ lụt". Theo ông Parsons: "Việc xây dựng những tòa nhà lớn ở New York không phải là một sai lầm nhưng chúng ta cần lưu ý rằng mỗi khi bạn xây dựng một thứ gì đó ở New York, bạn sẽ khiến mặt đất lún thêm một chút".