New York ép người tâm thần vô gia cư nhập viện
Thị trưởng Eric Adams chỉ đạo cảnh sát và nhân viên y tế đưa những người vô gia cư bị bệnh tâm thần nhập viện, ngay cả khi họ không gây ra mối đe dọa nào cho người khác.
Vào thời điểm gần cuối năm, New York chứng kiến hàng loạt tội ác liên quan đến người vô gia cư. Do đó, ngày 29/11, Thị trưởng Eric Adams thông báo chính quyền sẽ đẩy mạnh việc loại bỏ người vô gia cư mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng, không được chữa trị khỏi đường phố và ga tàu điện ngầm ở thành phố.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, ông Adams luôn đặt việc xóa bỏ tình trạng người vô gia cư tạm trú ở đường phố là nhiệm vụ hàng đầu. Việc này bao gồm buộc những người vô gia cư bị bệnh tâm thần nhập viện. Mặc dù họ không đe dọa người khác, chính quyền cho rằng họ có thể làm hại bản thân và chính quyền có “nghĩa vụ đạo đức” phải giúp đỡ họ.
Ông Adams nói: “Chúng ta thường có hiểu lầm phổ biến rằng mình không thể giúp đỡ người khác nếu họ không muốn, trừ trường hợp đối tượng đó có hành vi bạo lực. Trong tương lai, chính quyền sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ những người mắc bệnh tâm thần”.
Thông báo của thị trưởng được đưa ra vào thời điểm cuộc tranh luận quốc gia về vấn đề tội phạm gia tăng, vai trò của cảnh sát và cách đối phó với những phạm nhân có sức khỏe tâm thần yếu ớt, diễn ra sôi nổi. Ông Adams - cựu cảnh sát trưởng, cùng các thành viên đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ lập luận rằng tình trạng rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng, đòi hỏi chính quyền phải có các biện pháp cứng rắn hơn.
Các thành phố lớn khác cũng gặp nhiều khó khăn trong việc giúp đỡ người vô gia cư, nhất là người có bệnh tâm thần. Ở California, Thống đốc Gavin Newsom vừa ký duyệt điều luật ép buộc người vô gia cư mắc các chứng rối loạn như tâm thần phân liệt phải điều trị. Nhiều bang khác cũng có luật cho phép điều trị ngoại trú không tự nguyện. Tiểu bang Washington sẽ bắt buộc người bệnh nhập viện nếu tòa án cho rằng họ là mối đe dọa với bản thân và người xung quanh.
Chỉ thị của thành phố New York nêu rõ rằng các dấu hiệu như “không nhận thức được hoặc ảo tưởng về môi trường xung quanh” hoặc “ảo tưởng về tình trạng thể chất hoặc sức khỏe” có thể là căn cứ để ép người bệnh nhập viện.
Những người có quan điểm đối lập và các quan chức New York lại cho rằng phương án triển khai cảnh sát làm nhân viên giúp đỡ xã hội sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi.
Thiếu giường bệnh
Thông thường, những người vô gia cư mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng được đưa đến bệnh viện. Nhưng chỉ vài ngày sau, ngay khi tình trạng mới cải thiện một chút, họ đã được xuất viện. Ông Adams cho biết thành phố sẽ chỉ đạo các bệnh viện giữ những bệnh nhân đó cho đến khi bệnh tình của họ ổn định và chỉ cho họ xuất viện khi chính quyền có kế hoạch khả thi để kết nối họ với dịch vụ chăm sóc liên tục.
Các bệnh viện thường viện lý do thiếu giường bệnh tâm thần để cho bệnh nhân xuất viện. Tuy nhiên, thị trưởng nói thành phố sẽ đảm bảo có đủ giường cho những người vô gia cư mắc bệnh tâm thần. Ông lưu ý rằng Thống đốc Kathy Hochul đã đồng ý bổ sung thêm 50 giường bệnh tâm thần mới.
Số người vô gia cư mắc bệnh tâm thần nặng, không có nơi tạm trú, ít nhất phải lên đến hàng trăm người. Theo Liên minh vì Người vô gia cư, các nghiên cứu chỉ ra phần lớn người vô gia cư ở New York đều mắc bệnh tâm thần hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Kể từ sau đại dịch, hàng loạt vụ tấn công trên đường phố và tàu điện ngầm khiến người dân New York cảm thấy thành phố trở nên khó lường và nguy hiểm hơn.
Số lượng tội phạm ở tàu điện ngầm tăng mạnh trong năm nay. Vào tháng tháng 10, thị trưởng nói: "Nếu mọi người phân tích tội phạm ở khu vực tàu điện ngầm, mọi người sẽ nhận ra thủ phạm hầu hết đều là người có vấn đề về sức khỏe tâm thần".
Vào tháng 1, vài ngày sau khi thị trưởng nhậm chức, một phụ nữ đã bị một người đàn ông mắc bệnh tâm thần phân liệt đẩy chết ngay trước ga tàu điện ngầm. Người đàn ông tên Martial Simon này từng đến bệnh viện nhiều lần, bị bắt giam và lang thang trên đường phố nhiều năm trời.
Sau khi sự việc xảy ra, tổng chưởng lý của bang phải điều trần và gặp nhiều thử thách trong việc sắp xếp hệ thống ứng phó khẩn cấp và y tế công cộng của thành phố để giải quyết vấn đề rất nan giải này.
Theo lời thị trưởng, Martial Simon đứng cả ngày trên con phố đối diện với tòa nhà mà ông bị đuổi khỏi 25 năm trước, chờ đợi được bước vào đó lại lần nữa. “Vị võ sĩ bóng tối ở góc phố Midtown” thường lầm bầm một mình khi ông ấy đâm một kẻ thù vô hình. Người đàn ông không thể xuống tàu nếu không có sự trợ giúp từ nhóm xử lý khủng hoảng lưu động của chính quyền. Những người dân New York này đang cần được điều trị khẩn cấp nhưng họ thường từ chối đề nghị chữa trị.
Sự phản đối chính sách
Ông Adams nhận được những lời chỉ trích từ một số thành viên cấp tiến trong đảng vì ý định đưa những người vô gia cư ra khỏi đường phố. Họ cũng trách móc vì ông tiếp tục thúc đẩy thay đổi cải cách bảo lãnh để giúp việc giam giữ mọi người dễ dàng hơn. Thị trưởng giải thích ông hoàn toàn chỉ muốn đảm bảo sự an toàn công cộng của thành phố vì nhiều người dân New York không cảm thấy an toàn, đặc biệt là ở các khu dân cư da đen và Latin.
Vào 28/11, ông Adams tổ chức một sự kiện tại ga tàu điện ngầm để cảm ơn các nhân viên cảnh sát đã giúp đỡ một người đàn ông vô gia cư bị ngã xuống đường ray. Sự kiện cũng là cách ông “nhấn mạnh lý do tại sao chính quyền muốn tập trung đưa những người vô gia cư khỏi hệ thống tàu điện ngầm”.
Ông nói thêm: “Hệ thống tàu điện ngầm không phải là nơi dành cho những người cần hỗ trợ y tế và sức khỏe tâm thần”.
Đầu tháng này, Jumaane Williams, luật sư công của thành phố, công bố một báo cáo chỉ trích những nỗ lực của thị trưởng trong việc giúp đỡ những người dân New York mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng. Luật sư nói một số chương trình dành cho đối tượng này bị thu hẹp và ông Adams đang quá phụ thuộc vào cảnh sát.
Vào 29/11, ông Williams cùng với một số tổ chức bảo vệ công chúng, bao gồm Hiệp hội Trợ giúp Pháp lý, đã ca ngợi thị trưởng vì ông giúp mọi người chú ý hơn đến vấn đề xã hội này.
Ông Williams nói: “Tuy nhiên, thông báo của thị trưởng có nhiều chi tiết chưa được làm rõ. Chính quyền cần cung cấp thêm thông tin về ý định, việc triển khai và khoản đầu tư ngoài sự hỗ trợ từ phía lực lượng cảnh sát”.
Một số người phản đối kế hoạch của thị trưởng cho biết chính sách đi quá xa và sẽ phản tác dụng.
Harvey Rosenthal, giám đốc điều hành của Hiệp hội Dịch vụ Phục hồi Tâm thần New York, một người chỉ trích việc nhập viện không tự nguyện, cho biết: “Thị trưởng nói cách tiếp cận này dựa trên những thông tin nghiên cứu đầy đủ về đối tượng có chấn thương tâm lý, nhưng bản thân biện pháp cưỡng chế của chính sách lại gây tổn thương cho người bị ép buộc”.
Ông ấy nói cách tiếp cận của thị trưởng phụ thuộc vào “một hệ thống đã cũ, bị lỗi, quá tải và không thể giải quyết những vấn đề hiện có”.
Norman Siegel, cựu lãnh đạo của Liên minh Tự do Dân sự New York, người đồng sáng lập Dự án Vận động cho Người vô gia cư trên Đường phố, nói kế hoạch của thị trưởng thiếu thẩm quyền pháp lý. Ông dự đoán chính sách sẽ gặp nhiều vấn đề khi được đưa ra tòa án.
Ông Siegel nói: “Chỉ vì ai đó có mùi, vì họ không tắm trong nhiều tuần, vì họ lầm bầm, vì quần áo của họ xộc xệch, tất cả điều đó không thể chứng minh họ là mối nguy hiểm cho chính họ hoặc người khác. Và trong số tất cả, chính quyền lại để phía cảnh sát là người đưa ra những quyết định đó sao?”.
Trung tâm Độc lập của Người khuyết tật Brooklyn, một nhóm vận động, cho biết việc nhập viện không tự nguyện được quy vào “sự phân biệt đối xử theo Đạo luật về Người khuyết tật Mỹ”.
Ông Adams cảnh báo chính sách mới sẽ cần nhiều thời gian để thực hiện. Ông nói: “Vấn đề tồn tại hàng thập kỷ không thể thay đổi chỉ trong một đêm được”.
Tiffany Cabán, Nghị viên thành phố đăng bài trên Twitter vào 29/11 rằng kế hoạch của thị trưởng “thực sự rất có vấn đề”.
Bà ấy nói: “Vấn đề không nằm ở cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần mà nằm ở người nhìn nhận vấn đề và thái độ của họ mới là thứ khiến tình trạng ngày một tồi tệ hơn”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/new-york-ep-nguoi-tam-than-vo-gia-cu-nhap-vien-post1380643.html