New Zealand công bố công cụ hỗ trợ ứng phó khẩn cấp đối với động đất
Các nhà khoa học New Zealand vừa công bố một loại bản đồ nhiệt hiển thị mức độ rung chấn do động đất gây ra ở nhiều khu vực trên cả nước. Bản đồ này giúp hỗ trợ lực lượng ứng phó khẩn cấp xác định được phạm vi và mức độ rung chấn nào có thể gây thiệt hại nặng nề nhất đối với con người.
Theo các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học địa chất và hạt nhân New Zealand, bản đồ nói trên hiển thị dữ liệu do các cảm biến chuyển động trên mặt đất thu thập được. Các cảm biến này được đặt tại các trạm địa chấn trên khắp New Zealand. Khi xảy ra động đất có độ lớn từ 3,5 trở lên, một công cụ phân tích sẽ tích hợp các dữ liệu nói trên, sau đó tự động thiết lập nên bản đồ, hiển thị rõ mức độ và phạm vi của các cấp độ rung chấn. Quá trình thiết lập bản đồ chỉ diễn ra trong vòng 10 đến 20 phút sau khi xảy ra động đất.
Theo nhà địa chấn học Nick Horspool của viện trên, người sử dụng có thể tiếp cận được bản đồ này thông qua trang mạng GeoNet chuyên theo dõi động đất của New Zealand. Sau đó, họ có thể phóng to bản đồ để nắm được mức độ rung chấn ở bất kỳ khu vực nào khi xảy ra động đất.
Ông Horspool cho biết việc xác định mức độ rung chấn được hỗ trợ nhờ thang đo Mercalli. Thang đo này mô tả cường độ của một trận động đất dựa trên những hiệu ứng quan sát được. Ngoài ra, thang Mercalli cũng cho biết mức độ ảnh hưởng của động đất đối với cuộc sống con người và môi trường. Ví dụ, những người ở khu vực có cường độ rung chấn là 4 có thể cảm nhận sự rung lắc nhẹ.
Theo nhà khoa học này, việc bản đồ hiển thị mức độ và phạm vi của rung chấn có thể hỗ trợ công tác ứng phó khẩn cấp khi có thể xác định được thiệt hại tiềm ẩn đối với các tòa nhà và cơ sở hạ tầng. Theo đó, bản đồ có thể giúp lực lượng cứu hộ triển khai trước tiên phương án ứng phó khẩn cấp đối với những mục tiêu quan trọng nhất. Khi không xảy ra động đất, loại bản đồ này cũng hỗ trợ công tác đánh giá kỹ thuật, quản lý và nghiên cứu cơ sở hạ tầng để giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.