New Zealand ghi nhận thêm hơn 200 ca nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng

Một trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở Wellington, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 16/11, New Zealand ghi nhận 222 ca mắc COVID-19 do biến thể Delta gây ra trong cộng đồng, nâng tổng số ca lây nhiễm trong cộng đồng ở nước này lên 5.973 ca.

Theo Bộ Y tế New Zealand, trong số các ca mắc mới có 197 ca được ghi nhận tại Auckland, thành phố lớn nhất New Zealand, 20 ca gần khu vực Waikato và một số ca tại khu vực khác. Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, 4.609 ca được xác định có liên quan yếu tố dịch tễ đến các ca bệnh khác hoặc từ một ổ dịch phát sinh, trong khi 866 ca chưa được xác định nguồn lây nhiễm.

Bộ trên cho biết nước này hiện có tổng cộng 91 ca mắc COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó có 7 ca đang được chăm sóc tại phòng điều trị tích cực (ICU). Đến nay, New Zealand ghi nhận tổng cộng 8.726 ca mắc COVID-19. Cho đến nay, 90 % dân số New Zealand đã được tiêm một mũi vắc xin và 81% đã hoàn thành tiêm chủng.

Trong khi đó, tại Ireland, hệ thống bệnh viện nước này đang trong tình trạng căng thẳng do số ca mắc COVID-19 cũng như số bệnh nhân phải nhập viện tăng cao. Phát biểu với truyền thông địa phương ngày 15/11, Giám đốc cơ quan Điều hành Dịch vụ y tế Ireland (HSE) Anne O'Connor cho biết các bệnh viện ở Ireland đang hoạt động hết công suất và hiện trên cả nước chỉ còn trống 94 giường bệnh.

Theo bà O'Connor, số người mắc COVID-19 phải nhập viện đã tăng 25% và số bệnh nhân điều trị tại ICU đã tăng 41% trong tuần trước. Bà cho biết thêm các bệnh nhân nhập viện trong thời gian này đang trong tình trạng nguy kịch, với 81 trong số 117 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại ICU cần được can thiệp đặt nội khí quản.

Theo HSE, hiện chỉ có hơn 200 giường bệnh tại các ICU trong hệ thống bệnh viện công của nước này. Trước đó, cùng ngày, Bộ Y tế Ireland đã công bố "Kế hoạch chuẩn bị cho mùa đông", trong đó có kế hoạch bổ sung hơn 200 giường bệnh vào cuối tháng 3/2022.

Ngày 15/11, Ireland ghi nhận 4.570 ca mắc mới và 622 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, trong đó có 117 ca đang được chăm sóc đặc biệt. Đây là những con số cao nhất kể từ khi làn sóng COVID-19 hoành hành ở nước này, bùng phát từ giữa tháng 7 vừa qua, khi số ca mắc mới lên tới hơn 1.000 ca/ngày.

Trong khi đó, Hàn Quốc ghi nhận số lượng bệnh nhân COVID-19 trở nặng ở mức cao chưa từng thấy trong ngày 16/11 khi số ca nhiễm mới hằng ngày dao động hơn 2.000 trong ngày thứ bảy liên tiếp trong bối cảnh các biện pháp chống dịch được nới lỏng tại nước này.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), Hàn Quốc ghi nhận 2.125 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có tới 2.110 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu dịch đến nay đã lên tới 399.591 ca.

KCDA cho biết thêm, số lượng bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng lên đến con số cao nhất từ trước đến nay là 495 ca, vượt con số cao nhất từng ghi nhận hôm 13/11 (485 ca). Nước này cũng có thêm 22 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng số người chết lên 3.137 người. Tỉ lệ tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc là 0,79%.

Tại Hàn Quốc, số ca lây nhiễm hàng ngày tăng vọt và số ca mắc bệnh nghiêm trọng xảy ra do hiệu quả vắc xin tiêm chủng đã giảm dần đối với những người đã tiêm phòng vào đầu năm nay. Hàn Quốc bắt đầu chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 2.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết nước này đang đẩy mạnh việc quản lý các mũi tiêm tăng cường. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Kwon Deock-cheol, Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét biện pháp rút ngắn khoảng cách giữa các mũi vắc xin thông thường và các mũi bổ sung từ sáu tháng hiện tại xuống còn năm tháng hoặc ngắn hơn.

Tính đến ngày 16/11, có 42,03 triệu người, tương đương 81,8% trong số 52 triệu dân số Hàn Quốc, đã được tiêm mũi vắc xin COVID-19 đầu tiên. Số người được tiêm chủng đầy đủ hai mũi là 40,19 triệu người, tương đương 78,3%. Các cơ quan y tế Hàn Quốc dự kiến tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ của nước này sẽ đạt 80% vào khoảng giữa tháng 12.

Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.306 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại Lào đến nay lên tới 56.324 trường hợp. Đây là ngày Lào ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao nhất từ trước tới nay.

Phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn dẫn thông báo của Bộ Y tế Lào cho biết, sau hai ngày giảm xuống mức 3 chữ số, ngày 16/11 nước này lại ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng lên tới 1.290 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại 16 tỉnh, thành, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay.

Tại thủ đô Viêng Chăn, số ca cộng đồng cũng gia tăng với 597 trường hợp trong một ngày, đứng đầu cả nước, tăng 305 ca so với ngày 15/11. Đáng chú ý, tỉnh Luang Prabang ghi nhận số ca cộng đồng tăng đột biến với 201 trường hợp trong 24 giờ. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại Lào tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bộ Y tế Lào cũng cho biết, nước này vừa ghi nhận thêm 6 trường hợp tử do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay lên 110 người. Như vậy, chỉ trong 2 ngày, Lào đã có 11 ca tử vong do COVID-19.

Trước tình hình trên, Chính phủ yêu cầu các địa phương khẩn trương truy vết, điều trị cho người nhiễm bệnh và đưa người tiếp xúc gần đi xét nghiệm, cách ly tại các cơ sở theo đúng qui định. Đồng thời, Chính phủ Lào cấm tổ chức các hội nghị, họp hành tập trung quá 50 người, bao gồm các lễ hội và hoạt động tôn giáo; cấm tổ chức tiệc tùng, tụ tập và các sự kiện xã hội ở mọi địa điểm để phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh.

Chính phủ Indonesia đang xem xét khả năng Indonesia tham gia vào chương trình "Làn du lịch đã tiêm chủng" để vực dậy ngành du lịch của nước này. Ngày 15/11, phát biểu tại cuộc họp báo đánh giá chính sách hạn chế đi lại cộng đồng (PPKM), Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto cho biết, Tổng thống Indonesia Jokowi đã chỉ thị cho các bộ ban ngành liên quan nghiên cứu, theo dõi tình hình dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia khác nhau, làm cơ sở để nghiên cứu chương trình "Làn du lịch đã tiêm chủng" một cách hợp lý, hiệu quả.

"Làn du lịch đã tiêm chủng" là một khái niệm du lịch được nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đưa ra, nhằm cho phép khách du lịch đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 được đi lại giữa các quốc gia tham gia chương trình này.

Chính phủ Indonesia cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng căn cứ vào tình hình đại dịch trong nước và các lượt đến - đi Indonesia của khách du lịch nước ngoài trong thời gian gần đây trước khi thiết lập bất kỳ thỏa thuận du lịch nào.

Trong diễn biến khác, theo kết quả phân tích mới công bố, cứ mỗi phút, các hãng dược phẩm Pfizer, BioNTech và Moderna lại thu về khoản lợi nhuận lên tới 65.000 USD từ các sản phẩm vắc xin ngừa COVID-19, trong khi phần lớn người dân tại các quốc gia nghèo nhất thế giới lại chưa được tiêm phòng.

Thông qua việc phân tích báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp, Liên minh Vắc xin của nhân dân (PVA) nhận định các công ty trên đã bán phần lớn số vắc xin họ sản xuất cho các nước giàu, khiến các quốc gia thu nhập thấp khó tiếp cận sản phẩm.

PVA là một chiến dịch kêu gọi việc tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19 một cách công bằng. PVA ước tính ba doanh nghiệp trên đã thu về khoản lợi nhuận trước thuế lên tới 34 tỉ USD trong năm nay, tương đương với hơn 1.000 USD/giây, 65.000 USD/phút, hay 93,5 triệu USD/ngày.

Đại diện của Liên minh châu Phi (AU) và PVA Maaza Seyoum nhận định các công ty sản xuất vắc xin đang lợi dụng thế độc quyền để ưu tiên các hợp đồng mang lại lợi nhuận với chính phủ các nước giàu, khiến các quốc gia thu nhập thấp bị chậm trễ trong chiến dịch tiêm phòng.

Theo PVA, các hãng Pfizer và BioNTech đã bàn giao chưa tới 1% trong tổng nguồn cung vắc xin của họ tới các nước thu nhập thấp, trong khi con số này của Moderna chỉ là 0,2%. Cho tới nay, 98% người dân tại các nước thu nhập thấp chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Hành động của 3 công ty trên hoàn toàn trái ngược với AstraZeneca và Johnson & Johnson. Hai doanh nghiệp này đã cung cấp vắc xin trên cơ sở phi lợi nhuận, dù cả hai đã thông báo sẽ chấm dứt cơ chế này trong tương lai khi dịch bệnh chấm dứt.

PVA cho biết mặc dù nhận được khoản ngân sách công lên tới hơn 8 tỉ USD, Pfizer, BioNTech và Moderna đã từ chối kêu gọi chuyển giao công nghệ vắc xin cho các nhà sản xuất tại các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO), động thái quan trọng nhằm giúp tăng nguồn cung toàn cầu, giảm giá thành sản phẩm và cứu sống hàng triệu người.

Trong trường hợp của Moderna, công ty đã từ chối bất chấp sức ép từ chính quyền Mỹ và đề nghị của WHO rằng họ nên phối hợp và đẩy nhanh kế hoạch chia sẻ công thức để mở rộng quy mô sản xuất vắc xin tại Nam Phi.

Về phần mình, Giám đốc điều hành (CEO) Pfizer Albert Bourla cho rằng việc chuyển giao công nghệ là vô lý, vì việc WHO phê duyệt quyền sử dụng khẩn cấp vắc xin Covaxin do Ấn Độ sản xuất vào đầu tháng này đã chứng minh các nước đang phát triển có đủ năng lực và chuyên môn trong lĩnh vực này.

PVA hiện có 80 thành viên, trong đó có Liên minh châu Phi, Global Justice Now, Oxfam, Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS). Liên minh này đang kêu gọi các tập đoàn dược phẩm ngay lập tức đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với các vắc xin ngừa COVID-19, thông qua việc đồng ý với đề xuất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về miễn áp dụng Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS).

Hơn 100 quốc gia, trong đó có Mỹ, đã ủng hộ động thái này, nhưng một số quốc gia phát triển khác, trong đó có Anh và Đức, giữ lập trường phản đối.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/267532/new-zealand-ghi-nhan-them-hon-200-ca-nhiem-moi-covid-19-trong-cong-dong.html