New Zealand hướng tới cách tiếp cận mới khi biến thể Delta bùng phát

Ngày 21-8, Bộ trưởng phụ trách ứng phó dịch COVID-19 của New Zealand, Chris Hipkins cho biết có thêm 21 ca lây nhiễm mới liên quan ổ dịch được phát hiện ở Auckland hồi tuần trước, vốn đặt dấu chấm hết cho 6 tháng không có ca cộng đồng nào tại nước này đồng thời dẫn đến việc áp đặt phong tỏa trên toàn quốc. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Ngày 21-8, Bộ trưởng phụ trách ứng phó dịch COVID-19 của New Zealand, Chris Hipkins cho biết có thêm 21 ca lây nhiễm mới liên quan ổ dịch được phát hiện ở Auckland hồi tuần trước, vốn đặt dấu chấm hết cho 6 tháng không có ca cộng đồng nào tại nước này đồng thời dẫn đến việc áp đặt phong tỏa trên toàn quốc. Theo Bộ trưởng Hipkins, bản chất dễ lây nhiễm của biến thể Delta khiến đợt bùng phát này khó kiểm soát hơn những đợt trước và đặt ra những câu hỏi lớn cho chiến lược loại bỏ hoàn toàn COVID-19. New Zealand được đánh giá là kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 khi chỉ có 24 ca tử vong trên tổng dân số 5 triệu dân, với sách lược tập trung vào loại bỏ virus khỏi cộng đồng dựa trên kiểm soát biên giới chặt chẽ cũng như phong tỏa mạnh tay khi phát hiện ca nhiễm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hipkins cho rằng có thể phải xem xét lại bởi biến thể Delta: “Delta không giống bất cứ thứ gì chúng ta từng ứng phó trước đây trong đại dịch. Nó làm thay đổi tất cả, đồng nghĩa rằng mọi sự chuẩn bị của chúng ta hiện nay bắt đầu có vẻ không đầy đủ và đặt ra những câu hỏi thực sự lớn về tương lai của những kế hoạch dài hạn”.

“Phương thuốc” giúp giải quyết bài toán an ninh lương thực của APEC

Bộ trưởng Nông nghiệp và Lương thực của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã cam kết đưa ra một lộ trình mới để hướng dẫn các nỗ lực thúc đẩy an ninh lương thực trong 10 năm tới. Đây được coi là “phương thuốc” nhằm giúp các nền kinh tế khu vực giải quyết một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), gần 2,37 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận lương thực đầy đủ vào năm 2020, tăng 320 triệu người chỉ trong một năm. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn lớn đối với nguồn cung, cả trong mạng lưới sản xuất và phân phối. Việc nhiều nước đóng cửa biên giới và áp dụng các biện pháp phong tỏa hoặc hạn chế đi lại làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn tới thiếu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tác động từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến phân phối thực phẩm. Trong khi đó, hạn hán, lũ lụt và hiện tượng thời tiết cực đoan ở nhiều nơi đã ảnh hưởng tới năng suất cây trồng. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên hợp quốc cho biết, giá lương thực toàn cầu trong tháng 5-2021 đã tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong gần một thập kỷ qua.

Nan giải vấn đề bảo tồn rừng Amazon

Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, với diện tích khoảng 5,5 triệu km2, trải dài qua lãnh thổ 9 quốc gia, trong đó Brazil sở hữu phần rừng Amazon lớn nhất với hơn 60% diện tích. Tuy nhiên, Chính phủ Brazil những năm gần đây đối mặt rất nhiều khó khăn trong quản lý tài nguyên cũng như duy trì sự hài hòa giữa kinh tế và môi trường. Theo báo cáo của Dự án giám sát rừng Amazon vùng Andes (MAAP), trong năm 2020, Amazon đã mất 2,3 triệu ha rừng nguyên sinh (tăng 17% so năm 2019), trong đó riêng Brazil mất tới 1,5 triệu ha. Con số này chưa có dấu hiệu giảm. Nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và các vụ cháy rừng tại khu vực Amazon cũng là vấn đề phức tạp của quốc gia Nam Mỹ. Chính phủ Brazil những năm gần đây đẩy mạnh phát triển ngành khai khoáng và nông nghiệp tại các khu vực rừng rậm, đồng thời cắt giảm tài trợ cho các chương trình bảo vệ môi trường, từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái của rừng Amazon. Cháy rừng cũng là nguyên nhân chính khiến Bolivia và Peru lần lượt mất đi 240 nghìn và 190 nghìn ha rừng nguyên sinh trong năm 2020, đều là mức kỷ lục tại các quốc gia này.

Rừng Amazon không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất thế giới mà còn là khu dự trữ sinh quyển đặc biệt quan trọng, việc gìn giữ hệ sinh thái nơi đây cũng chính là bảo vệ sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đây là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi nỗ lực cao của Chính phủ Brazil cũng như các quốc gia trong khu vực./.

PV

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202108/new-zealand-huong-toi-cach-tiep-can-moi-khi-bien-the-delta-bung-phat-2545992/