New Zealand mở rộng phong tỏa, Malaysia giảm mạnh ca mắc Covid-19
Trong bối cảnh biến thể Delta đã lây lan ra ngoài thành phố Auckland, Thủ tướng Jacinda Ardern quyết định áp phong tỏa đối với cả những vùng khác của New Zealand.
Theo báo Guardian, New Zealand hôm 3/10 ghi nhận 32 ca mắc mới Covid-19 ở Auckland, nơi bị áp phong tỏa kể từ giữa tháng 8, và 2 ca ở vùng Waikato, cách phía nam Auckland khoảng 147km. Cùng ngày, Thủ tướng Ardern thông báo một số khu vực thuộc Waikato sẽ phải triển khai các biện pháp phong tỏa trong 5 ngày.
Bà Ardern nói thêm, chính phủ hôm 4/10 sẽ quyết định liệu có tiếp tục phong tỏa Auckland, thành phố lớn nhất nước với 1,7 triệu dân hay không, khi phần còn lại trên toàn quốc gần như đã khôi phục cuộc sống bình thường.
Dù New Zealand nằm trong số ít các quốc gia từng đưa số ca nhiễm xuống con số 0 vào năm ngoái và gần như không có ca mắc mới cho đến tận đợt bùng phát gần đây nhất vào tháng 8, nhưng những khó khăn trong việc ngăn chặn biến thể Delta đã đặt ra câu hỏi về chiến lược chống dịch của chính quyền Ardern.
Đối mặt với sức ép ngày càng tăng, nữ thủ tướng New Zealand khẳng định, chiến lược của bà chưa bao giờ là "không có ca mắc Covid-19", mà là tích cực loại bỏ virus. Bà Ardern nhấn mạnh, việc phong tỏa nghiêm ngặt sẽ kết thúc sau khi 90% dân số đủ điều kiện được tiêm chủng đầy đủ, tức là tăng gần gấp đôi mức 46% hiện nay.
Chris Hipkins, Bộ trưởng phụ trách cuộc chiến chống Covid-19 của New Zealand cho biết thêm, kể từ ngày 1/11, việc hoàn thành tiêm chủng sẽ trở thành một điều kiện bắt buộc đối với các công dân ngoại quốc muốn nhập cảnh vào nước này.
Cùng ngày, hãng hàng không New Zealand tuyên bố sẽ yêu cầu các hành khách trên các chuyến bay quốc tế phải được tiêm đủ liều vắc xin từ trước đó.
Ca mắc mới ở Malaysia thấp nhất trong gần 3 tháng
Bộ Y tế Malaysia hôm 3/10 cho biết, nước này có thêm 9.066 ca mắc mới, mức tăng thấp nhất kể từ ngày 12/7, thời điểm ghi nhận 8.574 ca. Đây cũng là lần đầu tiên trong gần 3 tháng qua, số ca mắc mới ở quốc gia Đông Nam Á này về mức 4 con số, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên gần 2,7 triệu.
Bang Sarawak vẫn là địa phương đứng đầu Malaysia về số ca nhiễm mới với 1.418 ca, nhưng đây cũng là mức thấp nhất tại bang này trong 45 ngày qua. Các bang Johor, Penang, Kelantan và Perak cũng ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 thấp nhất trong vòng 2 tuần trở lại đây.
Trong 24 giờ qua, thêm 118 bệnh nhân không qua khỏi, nâng tổng số trường hợp tử vong ở Malaysia lên xấp xỉ 27.000 người. Tại một cuộc phỏng vấn mới đây, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob nói, nước này có thể tái mở cửa biên giới vào tháng 12, khi 90% dân số trưởng thành dự kiến được tiêm đủ liều vắc xin.
Theo báo New York Times, cho đến nay, 74% dân số Malaysia đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19 và 64% đã hoàn thành chủng ngừa.
Singapore vượt mốc 100.000 ca mắc
Số ca mắc ở Singapore hôm 3/10 đã vượt mốc 100.000, lên tổng cộng 101.786 trường hợp. Song, 2.356 ca dương tính trong 24 giờ đánh dấu số ca mắc mới bắt đầu giảm sau 4 ngày liên tục tăng mạnh.
Đài CNA trích dẫn thông cáo của Bộ Y tế Singapore cho biết, cùng ngày, đảo quốc sư tử ghi nhận thêm 4 trường hợp tử vong, đều là công dân trong độ tuổi 55 - 80, chưa tiêm phòng và có các bệnh lý nền. Tổng số bệnh nhân thiệt mạng kể từ đầu dịch hiện là 107 người.
Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, lãnh đạo lực lượng đặc trách chống Covid-19 của Singapore, kêu gọi người dân không hoang mang, đồng thời nhấn mạnh nhờ tỷ lệ tiêm phòng cao "nên không cần dồn mọi sự chú ý vào số ca mắc". Theo ông Wong, nhà chức trách đang tập trung điều trị các ca bệnh nặng và đảm bảo hệ thống y tế đủ khả năng chăm sóc họ.
"Các quy trình, thủ tục cần phải thay đổi và cần bổ sung thêm công suất cho các bệnh viện. Tất cả cần thời gian nên chúng tôi mới đưa ra các biện pháp giãn cách trong khi chờ mọi thứ sẵn sàng", ông Wong giải thích.
Cho đến nay, 85% dân số Singapore đã tiêm ít nhất một liều vắc xin và 82% đã tiêm phòng đầy đủ. Nước này dự kiến sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm mũi nhắc lại (mũi vắc xin ngừa Covid-19 thứ 3) cho người dân trong độ tuổi 50 - 59 từ ngày 4/10. Trước đó, từ ngày 15/9, nhà chức trách đã cho tiêm mũi vắc xin tăng cường cho công dân từ 60 tuổi trở lên.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 4/10 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 235,7 triệu người, hơn 4,8 triệu ca tử vong. Song, xấp xỉ 212,6 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 44,5 triệu ca mắc, gần 720.000 bệnh nhân không qua khỏi. 56% người dân ở xứ sở cờ hoa đã hoàn thành tiêm chủng và 1,3% đã được tiêm mũi bổ sung, theo báo New York Times.
- Bộ Y tế Israel đã phải hoãn cập nhật thẻ xanh Covid-19 cho người dân do các vấn đề kỹ thuật. Quốc gia Do Thái hiện là nước đầu tiên trên thế giới đưa tiêm mũi vắc xin tăng cường thành tiêu chí cấp thẻ xanh, một loại chứng nhận ai đó đã hoàn thành tiêm chủng hoặc hồi phục sau khi nhiễm bệnh trong vòng 6 tháng hoặc có xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ để được hưởng các miễn trừ hạn chế. Quyết định mới dự kiến sẽ khiến hơn 2 triệu người dân Israel bị mất chứng nhận quan trọng này.
- Bộ Y tế Lào cho biết, do diễn biến dịch phức tạp, nhà chức trách sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống nghiêm ngặt ở thủ đô Viêng Chăn cho đến ngày 15/10. Tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện là 25.217 người, bao gồm 22 trường hợp tử vong. 27% dân số toàn quốc đã hoàn thành tiêm chủng.