Nga - Ấn định hướng hợp tác chiến lược mới

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới là Nga và Ấn Độ ban đầu tập trung vào lĩnh vực quân sự quốc phòng. Hiện nay mối quan hệ đó đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực kinh tế.

Mục tiêu thương mại 100 tỷ USD

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới là Nga và Ấn Độ đã hình thành từ năm 1947, ban đầu tập trung vào lĩnh vực quân sự quốc phòng. Ấn Độ là thị trường lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong hai thập kỷ qua, Moscow đã cung cấp 65% lượng mua vũ khí của Ấn Độ, với tổng trị giá hơn 60 tỷ USD.

Hiện nay mối quan hệ đó đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực kinh tế. Điều đó được thể hiện rõ nét trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Nga kéo dài hai ngày, từ ngày 8 đến ngày 9/7. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Modi sau khi tái đắc cử, cho thấy Ấn Độ đánh giá rất cao tầm quan trọng của mối quan hệ với Nga.

Tổng thống Nga Putin (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Modi đi dạo trong dinh thự ở Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moskva, ngoài 8/7. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Putin (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Modi đi dạo trong dinh thự ở Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moskva, ngoài 8/7. Ảnh: AFP

Nhân chuyến thăm này, Nga và Ấn Độ đã ký tổng cộng 15 văn kiện. Trong số đó có tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về phát triển các lĩnh vực chiến lược hợp tác kinh tế song phương đến năm 2030, cũng như tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nga - Ấn Độ lần thứ 22, mang tên "Quan hệ đối tác lâu dài và mở rộng".

Tại cuộc hội đàm cấp cao Nga - Ấn Độ, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào năm 2030.

Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác kinh tế và thương mại vào cuối thập kỷ này đã xem xét 9 vấn đề bao gồm xóa bỏ các rào cản phi thuế quan, phát triển “hệ thống thanh toán song phương sử dụng tiền tệ quốc gia”, giải quyết các thủ tục hải quan và sử dụng các tuyến đường kết nối mới, bao gồm tuyến hàng hải Chennai - Vladivostok và tuyến đường biển phía Bắc và hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam qua Iran, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng bao gồm năng lượng hạt nhân, phát triển cơ sở hạ tầng và xúc tiến đầu tư là “các lĩnh vực ưu tiên”.

Tổng thống Nga Putin đã trao tặng Thủ tướng Ấn Độ Modi huân chương đầu tiên và cao nhất của Nga, Huân chương Thánh Andrew. Ảnh: AFP.

Tổng thống Nga Putin đã trao tặng Thủ tướng Ấn Độ Modi huân chương đầu tiên và cao nhất của Nga, Huân chương Thánh Andrew. Ảnh: AFP.

Mục tiêu thương mại song phương do các nhà lãnh đạo đặt ra là hoàn toàn có cơ sở để đạt được, bởi hiện tại, thương mại song phương đã đạt khoảng 65 tỷ USD, chủ yếu là do Ấn Độ tăng nhập khẩu dầu thô từ Nga với giá chiết khấu từ khi nổ ra xung đột ở Ukraine. Trong đánh giá sơ bộ, ông Putin chỉ ra rằng thương mại Nga - Ấn Độ đã tăng 66% vào năm ngoái và 20% chỉ trong quý đầu tiên của năm 2024.

Việc đạt được mục tiêu trên sẽ đưa quan hệ thương mại giữa Nga và Ấn Độ lên ngang tầm với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Theo báo The Hindu, việc nhấn trọng tâm vào các vấn đề kinh tế thể hiện sự chuyển dịch so với các hội nghị thượng đỉnh thường niên trước đó, khi mà việc cung cấp quân sự cũng như quan hệ đối tác quốc phòng và chiến lược giữa hai nước luôn được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Các quan chức cho biết, ngoài vấn đề thương mại, hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về sự chậm trễ trong nguồn cung cấp quốc phòng. Đồng thời cam kết thăm dò thêm các lĩnh vực hợp tác sản xuất thiết bị quốc phòng như liên doanh Ấn Độ - Nga về súng trường tấn công có thể lấp đầy sự thiếu hụt nguồn cung trong nước, cũng như tạo điều kiện xuất khẩu sang các nước khác.

Ông Modi đã nhận Huân chương Thánh Andrew, một giải thưởng cao quý của Nga được Tổng thống Putin công bố vào năm 2019, nhưng bây giờ mới được trao. Tổng thống Nga cũng mời ông Modi quay trở lại thành phố Kazan trong vài tháng tới, để dự Hội nghị thượng đỉnh “BRICS mở rộng” đầu tiên, bao gồm 5 thành viên mới của nhóm các nền kinh tế mới nổi Brazil - Nga - Ấn Độ - Trung Quốc - Nam Phi, sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm 2024.

Năng lượng - thế mạnh hợp tác Nga - Ấn

Theo dữ liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, Nga đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới tính theo sức mua tương đương. Có thể thấy là bất chấp 14 gói biện pháp trừng phạt có quy mô lớn chưa từng có từ phương Tây, kinh tế Nga vẫn đang cho thấy sức mạnh của mình.

Làm thế nào Nga vượt qua được những đòn trừng phạt đó? Đó là bởi Nga vẫn duy trì vị thế là cường quốc xuất khẩu dầu khí, cường quốc xuất khẩu nguyên liệu thô và cường quốc về công nghiệp quốc phòng. Dầu khí là nguồn thu quan trọng của chính phủ Nga, đóng góp khoảng 30 - 50% ngân sách nước này trong thập kỷ trước.

Nga hiện là nhà cung cấp nhiên liệu hàng đầu cho Ấn Độ. Ảnh: Oilprice.

Nga hiện là nhà cung cấp nhiên liệu hàng đầu cho Ấn Độ. Ảnh: Oilprice.

Ấn Độ hiện là thị trường nhập khẩu nhiên liệu hàng đầu của Nga. Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mua bán nhiên liệu giữa Ấn Độ và Nga, cho rằng nó không chỉ giúp Ấn Độ chống lạm phát mà còn mang lại sự ổn định cho thị trường quốc tế.

Trước khi bắt đầu đàm phán chính thức, hai nhà lãnh đạo đã đến thăm Công viên VDNKh và tham quan gian hàng “Atom” của Tập đoàn hạt nhân Rosatom. Nga đã đề nghị Ấn Độ hợp tác xây dựng các nhà máy điện hạt nhân công suất thấp thích ứng với điều kiện nhiệt đới. Lãnh đạo hai nước cũng được xem mô hình tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân tương lai Leader.

Xuất khẩu dầu của Nga bị ảnh hưởng sau khi một số quốc gia châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt vì chiến dịch quân sự ở Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm 2022. Các biện pháp này nhằm mục đích giảm doanh thu của Nga từ xuất khẩu dầu, từ đó hạn chế khả năng tài trợ cho các hoạt động quân sự và gây ảnh hưởng địa chính trị.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Narendra Modi tại Moskva. Ảnh: Kremlin.ru.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Narendra Modi tại Moskva. Ảnh: Kremlin.ru.

Ấn Độ nằm trong số ít quốc gia tiếp tục mua dầu của Nga bất chấp áp lực từ phương Tây. Trao đổi nhiên liệu giữa Ấn Độ và Nga đặc biệt có lợi cho New Delhi khi Ấn Độ nhập khẩu dầu thô với giá chiết khấu cao.

Theo Reuters, nhập khẩu dầu của Ấn Độ từ Nga đã tăng lên mức kỷ lục khoảng 2,1 triệu thùng/ngày trong tháng 5 năm nay, khi Nga tăng chiết khấu dầu, để ứng phó với nhu cầu mua dầu của Trung Quốc giảm.

Ấn Độ được cho là đã mua dầu thô Urals của Nga với mức chiết khấu cao. Tỷ lệ chiết khấu cao đẫn đến giá thấp hơn nhiều so với mức giá trần 60 USD. Giới hạn giá mới do các quốc gia G7 áp đặt đã buộc người bán ở Nga phải giảm giá để thu hút thị trường châu Á, cạnh tranh với các nhà cung cấp khác ở châu Á, châu Âu và Trung Đông.

Nga đặt mục tiêu khai thác các nước châu Á như một thị trường thay thế và tìm cách cung cấp khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày. Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai ở châu Á và có vị trí tốt hơn để mua Urals vì tuyến đường vận chuyển ngắn hơn.

Ấn Độ mua dầu thô của Nga, lọc và lại bán ra thị trường toàn cầu. Như vậy, có thể nói việc Ấn Độ nhập khẩu nhiên liệu của Nga cũng giúp ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu, bởi nhờ có dầu của Nga mà New Delhi có thể tăng cường xuất khẩu dầu diesel và nhiên liệu máy bay sang châu Âu.

Thế giới đang đối mặt với một thách thức lớn về nhiên liệu. Vào thời điểm như thế này, với sự hợp tác của bạn, chúng tôi đã có thể cứu người dân thường ở Ấn Độ khỏi những khó khăn về nguồn cung xăng và dầu diesel. Không chỉ vậy, thế giới sẽ phải chấp nhận rằng thỏa thuận về nhiên liệu giữa Ấn Độ và Nga đã gián tiếp đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được sự ổn định của thị trường.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Vững vàng trong bối cảnh phức tạp

Thời gian qua, bất chấp những biến động trên trường quốc tế, quan hệ giữa Moscow và New Delhi không ngừng được tăng cường. Lãnh đạo hai nước duy trì liên lạc thường xuyên qua các cuộc điện đàm và cuộc gặp bên lề các diễn đàn đa phương.

Nhận định về chuyến thăm Nga của Thủ tướng Ấn Độ, có phân tích cho rằng, Trung Quốc không coi việc Nga - Ấn Độ củng cố quan hệ chặt chẽ hơn là một mối đe dọa, trong khi các nước phương Tây lại tỏ ra lo ngại về mối quan hệ thân thiết giữa Moscow và New Delhi.

Trên thực tế, phương Tây đã tìm nhiều cách nhằm lôi kéo Ấn Độ về phe của mình, song phản ứng của Ấn Độ không đáp lại các cử chỉ chính trị - ngoại giao mà phương Tây đưa ra đã khiến họ thất vọng.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp không chính thức ở ngoại ô Moscow ngày 8/7. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp không chính thức ở ngoại ô Moscow ngày 8/7. Ảnh: AFP.

Quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Liên Xô (trước đây) được thiết lập vào ngày 13/4/1947. Ngày 26/12/1991, Ấn Độ công nhận Nga là nước kế thừa hợp pháp của Liên Xô. Ngoài ra, lãnh đạo hai nước thường xuyên duy trì liên lạc bên lề các hiệp hội quốc tế như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Năm 2019, Thủ tướng Modi đã tới Nga tham dự Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) tại Vladivostok.

Trong khi đó, Tổng thống Putin có chuyến thăm Ấn Độ vào năm 2021. Tổng cộng, ông Putin đã 9 lần thăm Ấn Độ ở cương vị cao nhất trong nhiệm kỳ của mình. Nga và Ấn Độ có quan điểm giống nhau về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt, cả hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của đa cực đối với việc hình thành một trật tự thế giới công bằng hơn.

Bất chấp áp lực của phương Tây, Thủ tướng Modi đã chọn Nga là điểm đến đầu tiên cho chuyến công du nước ngoài sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới. Động thái này cho thấy Ấn Độ coi trọng và nỗ lực nâng tầm quan hệ với Nga, từ đó làm đòn bẩy nâng cao vị thế của New Delhi trong mối quan hệ với Washington và Brussels.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng phu nhân trong lễ đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng phu nhân trong lễ đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng.

Lâu nay, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt với Nga do cuộc xung đột ở Ukraine, New Delhi vẫn duy trì quan hệ gắn bó với Moscow và tăng cường mua dầu của Nga số lượng lớn với giá rẻ, trong khi tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Washington, một đối tác quan trọng của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Modi đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Washington vào tháng 6 năm ngoái, trong nỗ lực nhằm củng cố quan hệ hợp tác quốc phòng, thương mại và công nghệ giữa hai nước. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng đã có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, một vinh dự đặc biệt thường chỉ dành cho các đồng minh và đối tác thân cận của Washington.

Và chúng tôi sẽ thúc giục Ấn Độ, như chúng tôi làm với bất kỳ quốc gia nào khi nước này tham gia với Nga, để làm rõ rằng bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột ở Ukraine cần phải tôn trọng hiến chương của Liên hợp quốc, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, chủ quyền của Ukraine. Và bạn biết đấy, Ấn Độ là đối tác chiến lược mà chúng tôi hợp tác đầy đủ và đối thoại thẳng thắn, bao gồm cả về mối quan ngại của chúng tôi về mối quan hệ với Nga.

Ông Matthew Miller - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông Modi coi chuyến thăm Nga lần này là cơ hội để khẳng định mối quan hệ kinh tế và chiến lược lâu dài giữa hai nước. Sự tham gia của nhà lãnh đạo Ấn Độ dường như một phần là nỗ lực nhằm cạnh tranh với Trung Quốc trong mối quan hệ với Nga, đồng thời vẫn tiếp tục duy trì sự cân bằng giữa phương Đông và phương Tây.

Ấn Độ vẫn từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và không tham gia bất kỳ nghị quyết nào về Ukraine tại Liên hợp quốc, bất chấp áp lực phải giữ khoảng cách với Moscow. Thay vào đó, ông Modi đã chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với cuộc xung đột.

Các chuyên gia cho rằng chuyến thăm của ông Modi diễn ra cùng thời điểm với các cuộc họp của NATO ở Washington, chủ yếu tập trung vào hợp tác quốc phòng. Tổng thống Putin cũng vừa trở về từ hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng hải ở Kazakhstan vào tuần trước. Tại sự kiện này, Tổng thống Nga tuyên bố quan hệ Moscow - Bắc Kinh đang trải qua “giai đoạn tốt nhất trong lịch sử”.

Nhưng theo một số nhà nghiên cứu, Ấn Độ tìm cách thúc đẩy một thế giới quan “phi phương Tây nhưng không chống phương Tây một cách rõ ràng”, vì vậy có thể dự đoán tình hữu nghị giữa Ấn Độ và Nga sẽ bền vững.

Giới phân tích nhận định, mối quan hệ của Ấn Độ với cả Nga và phương Tây phản ánh một bối cảnh quốc tế phức tạp, điều này cũng nhấn mạnh những nỗ lực của các nước nhằm duy trì lợi ích quốc gia trong khi tìm kiếm sự cân bằng trong môi trường chính trị toàn cầu đang biến động khó lường.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Modi khẳng định: “Cho dù nhiệt độ có xuống dưới âm đến mức nào trong mùa đông ở Nga, tình hữu nghị Ấn Độ - Nga vẫn luôn tràn đầy ấm áp. Mối quan hệ này được xây dựng trên nền tảng vững chắc của sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau”.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nga-va-an-do-co-dinh-huong-hop-tac-chien-luoc-moi-250921.htm