Nga bác tin Mỹ đề nghị kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu
Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye đang được điều hành bởi tập đoàn quốc gia Nga Rosatom và không thể được chuyển giao cho Washington.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 27/4 tuyên bố, Nga sẽ không chuyển quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye lớn nhất châu Âu ở Ukraine cho bất cứ bên nào.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Tass
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS, Ngoại trưởng Nga Lavrov được hỏi liệu có phải Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra đề nghị với Nga về việc Mỹ sẽ kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở Ukraine hay không.
Ông Lavrov nói: "Chúng tôi chưa bao giờ nhận được lời đề nghị như vậy. Nếu nhận được, chúng tôi sẽ giải thích rằng nhà máy này được điều hành bởi tập đoàn nhà nước của Liên bang Nga có tên là Rosatom. Nhà máy này cũng được giám sát bởi nhân viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thường trực tại địa điểm".
Ngoại trưởng Nga cáo buộc các cuộc tấn công liên tiếp của Ukraine vào nhà máy đã khiến nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân gia tăng, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu không có những hành động đó, các yêu cầu về an toàn hạt nhân tại cơ sở này "được thực thi đầy đủ."
Theo ông Lavrov, việc chuyển giao lại quyền kiểm soát, vận hành nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye cho một bên nào khác là "không thỏa đáng". "Chúng ta không thể suy đoán về điều thực sự không được đề cập trong các cuộc đàm phán", ông cho hay.
Những bình luận của Ngoại trưởng Lavrov được đưa ra sau khi một số hãng truyền thông phương Tây đăng tải thông tin về kế hoạch của Mỹ đối với nhà máy Zaporozhye.
Theo Axios, dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng phía Mỹ đã trình bày với đại diện của Ukraine "lời đề nghị cuối cùng" của Tổng thống Donald Trump về việc chấm dứt xung đột Ukraine trong các cuộc đàm phán ở Paris vào tuần trước. Đề xuất này được cho là bao gồm việc biến khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye thành một vùng lãnh thổ trung lập, đặt dưới sự quản lý của Mỹ.
Tháng trước, ông Trump cũng tuyên bố, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề xuất Mỹ sẽ tiếp quản quyền sở hữu các nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. Tuy nhiên, ông Zelensky lên tiếng bác bỏ, cho biết hai nhà lãnh đạo chỉ thảo luận về các khoản đầu tư tiềm năng của Washington vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye.
Nga tuyên bố kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye không lâu sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022. Nhà máy nằm ở tỉnh Zaporozhye, một trong 4 vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập sau các cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2022.
Trong bối cảnh chiến sự kéo dài, nhà máy Zaporozhye thường xuyên trở thành mục tiêu giao tranh và pháo kích, làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với toàn bộ châu Âu.
IAEA đã cử các nhóm giám sát tới thường trú tại cơ sở này, liên tục kêu gọi các bên kiềm chế mọi hành động quân sự nhằm vào khu vực nhà máy để tránh nguy cơ xảy ra thảm họa. Bất chấp những nỗ lực quốc tế nhằm thiết lập một khu phi quân sự xung quanh nhà máy, tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng, trong bối cảnh cả Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau gây nguy hiểm cho an toàn hạt nhân.