Nga ban hành sắc lệnh ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm từ nước ngoài

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp trực tuyến tại Novo-Ogaryovo, Moscow, ngày 24/12/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 4/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh nhằm ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây nhiễm vào nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Moscow, sắc lệnh này xác nhận "kế hoạch hành động của các cơ quan công quyền nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra các trường hợp khẩn cấp do sự xâm nhập và lây lan những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vào Nga”.

Sắc lệnh nêu rõ đầu tháng 4 tới, chính phủ phải đưa ra "quy chế thống nhất" cho sự hợp tác giữa các cơ quan và khu vực nhằm hạn chế sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm từ nước ngoài. Sắc lệnh cũng quy định việc thành lập Hội đồng điều phối để ngăn chặn các mối đe dọa liên quan đến việc lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vào Nga. Chính phủ có trách nhiệm thành lập hội đồng trên, phê duyệt các quy định cũng như thành viên của cơ quan này.

Theo khuyến nghị của Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người - Rospotrebnadzor, Hội đồng điều phối có thể thành lập một cơ quan hoạt động để phê duyệt kế hoạch hành động, chuẩn bị các đề xuất cho các biện pháp hạn chế (kể cả kiểm dịch), tổ chức một chiến dịch thông tin về phòng ngừa và thông báo cho người dân các biện pháp phòng dịch.

Sắc lệnh được ban hành trong cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành thế giới suốt một năm qua với hơn 86 triệu ca nhiễm, trong đó 1,8 triệu người đã tử vong. Nga hiện đứng thứ 4 thế giới về số bệnh nhân (3,2 triệu người).

Trong khi đó, Pháp đang đẩy nhanh việc tiêm phòng vắcxin ngừa bệnh COVID-19 cho nhân viên y tế tại các bệnh viện sau những chỉ trích về việc chậm trễ trong kế hoạch triển khai tiêm vắcxin. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết trong ngày 4/1, hàng nghìn người đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 do Pfizer/BioNTech bào chế.

Phát biểu khi thăm một bệnh viện tại thủ đô Paris, Bộ trưởng Veran nêu rõ chính quyền đã quyết định đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng thông qua việc mở rộng nhóm đối tượng sang các nhân viên y tế, thay vì đợi hoàn tất việc tiêm phòng tại các nhà dưỡng lão. Đến chiều 6/1, khoảng 500.000 liều vắcxin sẽ được phân phối và Pháp sẽ có khoảng 1 triệu liều vào cuối tuần này.

Trước đó, Tổng thống Emmanuel Macron đã tỏ ra tức giận vì tiến độ tiêm vắcxin diễn ra quá chậm khi đến nay mới chỉ có vài trăm người được tiêm vắcxin ngừa COVID-19, ít hơn nhiều so với con số 200.000 người ở Đức và khoảng 1 triệu người ở Anh.

Tình hình tương tự cũng đang xảy ra tại Tây Ban Nha. Các bác sĩ và chuyên gia y tế tỏ ra bất bình trước sự chậm trễ của chính phủ trong chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19, khi chỉ có chưa đầy 90.000 người Tây Ban Nha được tiêm phòng kể từ khi Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt vắcxin cách đây hai tuần.

Trả lời phỏng vấn ngày 4/1, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết đã có 82.834 người tại Tây Ban Nha được tiêm mũi đầu tiên của vắcxin do Pfizer/BioNTech sản xuất. Ông nhấn mạnh Tây Ban Nha đã nhận được lô vắcxin thứ 3 và có thể đẩy nhanh công tác tiêm phòng trong những tuần tới. Mục tiêu của Tây Ban Nha là tiêm phòng được cho 15-20 triệu dân vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Illa cũng khuyến cáo nên tiêm phòng mũi 2 theo đúng phác đồ mà Pfizer/BioNTech đề ra, trong bối cảnh Anh đã quyết định sử dụng nốt kho vắcxin để tiêm mũi đầu thêm cho nhiều người, một chiến lược mà Đức cũng đang cân nhắc.

Dự kiến trong ngày 6/1, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ nối lại các cuộc thảo luận về việc phê duyệt vắcxin do hãng Moderna sản xuất. Do sức ép từ các nước thành viên EU, EMA đang nỗ lực rút ngắn thời gian đưa ra quyết định về vắcxin này.

Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch công bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận gồm Saitama, Kanagawa và Chiba vào ngày 7/1 nhằm khống chế dịch COVID-19. Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu ngày 5/1, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết ông lắng nghe ý kiến của các chuyên gia dịch tễ và đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này. Tình trạng khẩn cấp có thể sẽ có hiệu lực trong khoảng một tháng.

Chính phủ sẽ cố gắng hạn chế tối đa trở ngại cho các hoạt động kinh tế - xã hội bằng cách thực hiện các biện pháp này trong phạm vi hạn chế và có trọng điểm. Các nhà hàng và quán bar được yêu cầu rút ngắn thời gian hoạt động và chính phủ tăng hỗ trợ tài chính cho các nhà hàng và quán bar tuân thủ yêu cầu này.

Trong nỗ lực hợp tác với chính quyền của 4 tỉnh/thành trên, chính phủ sẽ siết chặt các quy định về việc tổ chức sự kiện và khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình làm việc từ xa. Tuy nhiên, chính phủ sẽ không yêu cầu tất cả các trường học ở khu vực này phải đóng cửa. Các kỳ thi tuyển sinh đại học vẫn sẽ bắt đầu vào ngày 16/1 theo đúng kế hoạch với các biện pháp nghiêm ngặt để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp ngày 4/1, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết chính phủ đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận. Theo nhà lãnh đạo này, số ca nhiễm mới ở các khu vực này vẫn ở mức rất cao trong 3 ngày đầu năm mới, chiếm khoảng 50% tổng số ca nhiễm mới trên toàn quốc. Vì vậy, cần phải gửi một thông điệp mạnh mẽ hơn tới người dân.

Trong khi đó, ngày 5/1, Hiệp hội võ sĩ Sumo Nhật Bản thông báo võ sĩ Sumo gốc Mông Cổ Yokozuna Hakuho đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Yokozuna Hakuho, người từng đoạt 44 danh hiệu trong các giải sumo chuyên nghiêp, đang chuẩn bị cho Giải đấu Sumo Năm Mới, dự kiến diễn ra vào ngày 9/1 ở thủ đô Tokyo. Nhật Bản hiện ghi nhận hơn 243.000 bệnh nhân COVID-19, trong đó 3.599 người đã tử vong.

Cùng ngày 5/1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công bố những nhiệm vụ trong năm 2021, trong đó ông ưu tiên đẩy mạnh cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, ổn định thị trường nhà ở và khôi phục kinh tế.

Phát biểu trong cuộc họp nội các đầu tiên trong năm 2021, Tổng thống Moon Jae-in nói rõ Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu năm mới với trách nhiệm nặng nề. Ưu tiên hàng đầu của nước này trong năm nay là thoát khỏi dịch bệnh một cách nhanh nhất có thể.

Nhà lãnh đạo Seoul nhấn mạnh Hàn Quốc đang ở thời điểm quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 trước khi vắcxin được phân phối trên khắp cả nước từ tháng 2 tới. Ông cho biết ổn định thị trường nhà ở cũng là một nhiệm vụ quan trọng của chính phủ với các biện pháp bổ sung để kiểm soát giá nhà ở và phí thuê nhà đang có xu hướng gia tăng hiện nay, song song với việc tăng quỹ nhà ở. Bên cạnh đó, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh cần đẩy mạnh sự hồi phục kinh tế bền vững và nhanh chóng cũng như thúc đẩy mục tiêu dài hạn hơn, đó là trở thành "một quốc gia đi đầu”.

Cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết nước này đang thúc đẩy kế hoạch tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 cho hơn một nửa dân số trước mùa thu năm nay.

Trong một chương trình tranh luận trên kênh truyền hình MBC, Thủ tướng Chung Sye-kyun phát biểu: “Chương trình của chính phủ là hoàn tất việc hình thành khả năng miễn dịch cộng đồng qua việc tiêm chủng cho 60-70% dân số (bằng vắcxin COVID-19) trước khi mùa Thu đến... Nếu chương trình này triển khai suôn sẻ, Hàn Quốc sẽ là một trong những nước thoát khỏi đại dịch COVID-19 nhanh nhất”.

Theo ông Chung Sye-kyun, hãng Pfizer sẽ chuyển giao vắcxin COVID-19 từ quý III năm nay, nhưng chính phủ và các tập đoàn có liên quan quan đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch ngay từ tháng 2 tới. Hiện các cơ quan chức năng Hàn Quốc đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ mua vắcxin.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/250811/nga-ban-hanh-sac-lenh-ngan-chan-cac-benh-truyen-nhiem-tu-nuoc-ngoai.html