Nga bắt đầu phát triển máy bay cất, hạ cánh thẳng đứng đầu tiên
Giai đoạn một về thiết kế đã hoàn thành, trong khi các hệ thống riêng lẻ đang được thử nghiệm.
Phát triển máy bay khách VTOL đầu tiên
Nga bắt đầu chế tạo loại máy bay cất, hạ cánh thẳng đứng đầu tiên, Công ty Ecolibri, nhà phát triển dự án cho biết.
“Các chuyên gia của công ty đang phát triển máy bay cất hạ cánh thẳng đứng (Vertical Take-off and Landing, VTOL) đầu tiên của Nga. Hiện giai đoạn một về thiết kế đã hoàn thành theo các tiêu chuẩn hàng không hiện hành, trong khi các hệ thống riêng lẻ đang được thử nghiệm trên giá tĩnh. Máy bay mới sẽ được trang bị động cơ hỗn hợp (hybrid). Hệ thống cất cánh và hạ cánh thẳng đứng sẽ dùng động cơ điện do chúng tôi thiết kế.”, Ecolibri cho biết; nhấn mạnh, việc chế tạo loại máy bay mới này hướng tới việc bù đắp vai trò hiện còn hạn chế của máy bay trực thăng trong vận chuyển hành khách.
“Sản phẩm này, không giống như máy bay trực thăng, sẽ không có các cơ chế phức tạp như tấm chắn (để điều chỉnh độ nghiêng và đường bay) hoặc bộ giảm tốc, giúp giảm giá thành sản xuất. Máy bay VTOL sẽ được trang bị hệ thống điện tử hàng không hiện đại của Nga và được chế tạo chủ yếu bằng các thiết bị sản xuất tại Nga. Do vậy nên trong một số biến thể nó sẽ tiết kiệm chi phí hơn so với máy bay trực thăng, đặc biệt là đối với các tuyến đường dài, vì diện tích lớn của cánh máy bay có giúp nâng cao các đặc tính về khí động học.”, bộ phận báo chí của Ecolibri giải thích.
Chủ tịch Hội đồng Khoa học và kỹ thuật của Ecolibri, Alexei Rogozin, cho biết, loại máy bay này sẽ có tầm hoạt động lên tới 1.200 km và tốc độ bay gần 270 km/h.
“Máy bay và động cơ điện chúng tôi đang chế tạo tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của luật hàng không, điều này đảm bảo máy bay sẽ được cấp giấy phép vận hành và hoạt động thực tế cho mục đích thương mại và các mục đích đặc biệt khác.”, ông Rogozin nói.
Đang phát triển máy bay chiến đấu VTOL
Liên Xô từng chế tạo máy bay VTOL, tuy nhiên chỉ dành cho mục đích quân sự. Cụ thể đã có các loại máy bay tấn công triển khai trên tàu chiến có khả năng cất, hạ cánh thẳng đứng như Yak-36, các biến thể khác nhau của Yak-38, cũng như Yak-141, được coi là loại máy bay đi trước thời đại do kết hợp được nhiều tính năng.
Yak-38 được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1976, nhanh chóng trở thành máy bay VTOL được sản xuất nhiều nhất của Liên Xô và được triển khai rộng rãi trên hạm đội tàu tuần dương hạng nặng Dự án 1143 của Hải quân Liên Xô.
Yak-38 gây tiếng xấu trong giới phi công do tỷ lệ tai nạn cao. Có tới vài chục chiếc trong số 231 chiếc Yak-38 được chế tạo đã bị phá hủy hoặc tháo dỡ sau tai nạn.
Do thiếu radar trên máy bay, Yak-38 chỉ có thể tham gia không chiến một cách có điều kiện. Việc sử dụng Yak-38 như một máy bay tấn công thuần túy được thừa nhận khá kém hiệu quả, vì bán kính chiến đấu của nó ở chế độ VTOL chỉ là 195 km, thậm chí ít hơn trong khí hậu nóng.
Do thành tích kém xuất sắc của chúng, việc sản xuất Yak-38 đã bị dừng lại vào năm 1989, dần bị thu hồi và loại bỏ trong suốt những năm 1990. Những chiếc VTOL Yak còn lại đã được Hải quân Nga cho nghỉ hưu vào năm 2004.
Theo Defenseworld, Tập đoàn MiG của Nga đã bắt đầu chế tạo máy bay VTOL thế hệ thứ 5 trên tàu sân bay.
Hiện dự án đang trong giai đoạn lập mô hình máy tính với những nguyên mẫu đầu tiên dự kiến sẽ được tung ra thị trường trong vài năm tới, RIA đưa tin.
Máy bay dự kiến sẽ có kích thước tương đương MiG-35.
Cuối năm 2017, Bộ Quốc phòng Nga từng xác nhận đang thiết kế một máy bay VTOL mới do các biến thể hải quân của máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-33 đang được Hải quân Nga sử dụng sẽ trở nên lỗi thời.
Quân đội Nga cũng đưa ra những gợi ý về tầm nhìn tương lai của không quân hải quân. Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch hạ thủy tàu sân bay hạng nặng Project 23000E Shtorm vào khoảng thời gian từ năm 2025 đến năm 2030.
Vào thời điểm đó, Hải quân Nga dự kiến sẽ nhận được hai tàu tấn công đổ bộ chở trực thăng đa năng lớp Priboy mới, phương tiện có thể phù hợp với các dự án VTOL.