Tình báo Mỹ đã tổ chức một chiến dịch chưa từng có tại một địa điểm ngay ngoài khơi bờ biến nước Nga, tuy nhiên Washington đã bị đánh bại một cách đầy bất ngờ, thông tin trên được trang The Drive đăng tải.
Nhà báo Thomas Newdick của tờ The Drive viết, Không quân Mỹ đã quyết định thực hiện một "động thái hết sức bất thường" bằng cách sắp xếp một "hoạt động gián điệp chưa từng có" ngoài khơi bờ biển phía Đông nước Nga.
Chúng ta đang nói về chuyến bay trên biển Thái Bình Dương của hai máy bay trinh sát chiến lược Boeing RC-135S Cobra Ball, chuyên theo dõi tên lửa đạn đạo.
Lý do của sứ mệnh nói trên liên quan tới vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat thế hệ mới, mà theo nhà báo Newdick, là một trong 6 siêu vũ khí được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố như một phần của thông điệp liên bang vào tháng 3/2018.
Việc phóng Sarmat được thực hiện tại sân bay vũ trụ Plesetsk (vùng Arkhangelsk) nhằm xác nhận các đặc tính thiết kế và tên lửa đã đánh trúng mục tiêu tại bãi thử Kura (bán đảo Kamchatka). Trên thực tế, đó là điểm đến cuối cùng mà tình báo Mỹ quan tâm.
Theo thông báo, hai máy bay trinh sát chiến lược RC-135S Cobra Ball đã cất cánh từ căn cứ Không quân Mỹ ở Alaska (Eielson) và bay theo hướng bờ biển Viễn Đông của Nga.
“Các dịch vụ theo dõi chuyến bay đã phát hiện ra biên đội phi cơ trinh sát chiến lược của Mỹ tại địa điểm gần Đảo St. Matthew, một tiền đồn xa xôi không có người ở thuộc bang Alaska, trong vùng Biển Bering”, tờ The Drive cho biết.
Loại máy bay này rất nổi tiếng với hoạt động do thám từ thời Chiến tranh Lạnh, nhiệm vụ chính là tìm hiểu thông tin về các hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa do Liên Xô chế tạo. RC-135S được trang bị quang phổ kế, hệ thống camera, ăng ten để thu thập dữ liệu từ xa và nhiều khí tài khác.
Chuyên gia Newdick cho rằng các máy bay trinh sát RC-135S nói trên đã cố gắng thu thập thông tin về đường bay của tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat, tuy nhiên rõ ràng là đã xảy ra một sự cố.
“Thông thường, phi cơ trinh sát RC-135S Cobra Ball sẽ chiếm vị trí gần bờ biển Nga hơn nhiều, với trọng tâm là Klyuchi (ngôi làng gần nơi có bãi thử Kura)".
"Theo ghi nhận, rất có thể hai máy bay RC-135S đã bị bất ngờ vì sự xuất hiện của các tên lửa trong một khu vực không dự kiến, điều này xảy ra trước khi máy bay đến vị trí của chúng”, ấn phẩm Mỹ lưu ý.
"Đáng chú ý là khoảng cách đến đảo St. Matthew là gần 1.500 km, trong khi khả năng của RC-135S để phát hiện và theo dõi các tổ hợp tên lửa đạn đạo bị giới hạn trong phạm vi 500 - 600 km".
"Hoàn toàn có khả năng là phi vụ do thám hàng không chưa từng có đã bị lãng phí, mặc dù Lầu Năm Góc cho biết họ đã được thông báo trước về vụ thử đối với tên lửa Sarmat", tờ The Drive nhấn mạnh.
Theo nhà sử học hàng không Robert Hopkins III, Không quân Mỹ đã thực hiện một chiến dịch tình báo quy mô lớn khi điều động hai máy bay trinh sát chiến lược cùng một lúc, nhưng hiệu quả thu được là rất đáng ngờ.
Việt Dũng