Nga bị trừng phạt, các công ty tên lửa Mỹ gặp thách thức đưa hàng trăm vệ tinh lên vũ trụ

Các công ty tên lửa Mỹ đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là đưa hàng trăm vệ tinh lên vũ trụ trong những năm tới sau lệnh trừng phạt liên quan ngành công nghiệp phóng vào vũ trụ của Nga.

SpaceX, Astra Space và Rocket Lab USA nằm trong số ít các công ty Mỹ có khả năng lấp đầy khoảng trống, nhưng các quan chức trong ngành nghi ngờ về tốc độ tăng trưởng của họ.

Khi cuộc đua nóng lên giữa các công ty, bao gồm cả Starlink thuộc sở hữu SpaceX của tỷ phú Elon Musk và Project Kuiper của Amazon, để xây dựng các chòm sao vệ tinh khổng lồ truyền internet băng thông rộng từ không gian, nhu cầu về các vụ phóng dự kiến sẽ tăng vọt.

Hơn 800 vệ tinh nặng dưới 100 kg dự kiến sẽ được đưa lên quỹ đạo chỉ trong năm nay, gần gấp đôi số lần phóng vào 2021, theo dữ liệu từ công ty tổng hợp dịch vụ phóng Precious Payload.

Với việc Project Kuiper sẽ chiếm công suất đáng kể trong vài năm tới, các nhà phân tích cho rằng ngành sẽ phải đối mặt một số sự chậm trễ liên quan đến việc phóng vệ tinh lên vũ trụ.

"Đến năm 2024, 2025, khi tất cả chòm sao vệ tinh lớn này cần phóng, sẽ có một vấn đề thực sự xảy ra", Peter Beck, Giám đốc điều hành Rocket Lab, nói với Reuters, đề cập đến mạng lưới vệ tinh liên lạc đang được SpaceX, AST Spacemobile và OneWeb xây dựng.

Rocket Lab là một trong những công ty mới xây dựng các hệ thống đẩy thu nhỏ nhằm kiếm tiền từ sự gia tăng theo cấp số nhân nhu cầu đặt các vệ tinh nhỏ gọn trong Quỹ đạo Trái đất tầm thấp.

Vào năm 2021, các vệ tinh do OneWeb và SpaceX phóng lên chiếm 3/4 số vệ tinh nhỏ, theo công ty phân tích ngành BryceTech.

Theo cơ sở dữ liệu lịch sử, Nga vẫn duy trì 16% thị phần toàn cầu trong 5 năm qua. Thị phần của nó thực sự lớn hơn, do tên lửa Soyuz cũng được phóng theo liên doanh Pháp-Nga có tên Starsem.

Nhà phân tích Caleb Henry của Quilty Analytics cho biết khoảng 2/3 số vụ phóng Soyuz là thương mại hoặc hỗ trợ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), trong khi phần còn lại dành cho các khách hàng nội địa của Nga.

Nếu khả năng tiếp cận với Nga bị mất do các lệnh trừng phạt từ phương Tây với nước này vì tấn công Ukraine, các công ty ở châu Âu và Mỹ sẽ phải nhanh chóng vào cuộc để đáp ứng nhu cầu.

Tuy nhiên, điều đó có thể không dễ dàng như vậy, do những phức tạp và thách thức liên quan đến việc chế tạo và phóng tên lửa mới.

Caleb Henry nói: “Luôn có khả năng các phương tiện mới sẽ xuất hiện trên mạng nhanh hơn, nhờ vào kỹ thuật sản xuất được cải thiện, nhưng tiền lệ cho thấy sẽ khó đạt được tốc độ ra mắt cao trong vài năm tới”.

Peter Beck nói cuộc khủng hoảng phóng cũng sẽ áp dụng cho các vệ tinh nhỏ hơn được sử dụng để chụp ảnh Trái đất và tiến hành quan sát khoa học thường đi chung hành trình lên quỹ đạo tên lửa với các vệ tinh khác.

Tên lửa SpaceX Falcon 9 mang theo một vệ tinh liên lạc Qatar, sẽ cung cấp kết nối với Qatar và các khu vực lân cận của Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu, từ bệ phóng ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida, Mỹ - Ảnh: Reuters

Việc phóng tên lửa chậm trễ có thể ảnh hưởng đến các công ty internet vệ tinh theo nhiều cách. Có nguy cơ mất quyền phóng nếu không tuân thủ thời hạn bắt buộc của FCC (Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ), trong khi một số công ty có thể không thấy lợi tức đầu tư trừ khi vệ tinh của họ ở trên quỹ đạo.

United Launch Alliance, liên doanh giữa Boeing và Lockheed Martin, được thiết lập để thay thế động cơ của Nga bằng động cơ của công ty Blue Origin do Jeff Bezos – nhà sáng lập Amazon hậu thuẫn.

Các công ty phóng tên lửa phương Tây vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Tuy nhiên, các hợp đồng phóng bom tấn của Amazon cho Project Kuiper có thể khuyến khích các nhà sản xuất tên lửa đẩy nhanh tốc độ sản xuất, theo các chuyên gia trong ngành.

Phương tiện phóng Starship của SpaceX dự kiến sẽ được sản xuất hàng loạt sớm hơn và các nhà phân tích hy vọng nó sẽ đáp ứng được một số nhu cầu. SpaceX cũng phóng vệ tinh cho Starlink.

Nhà phân tích Edison Yu của Deutsche Bank cho biết: "Về lâu dài, những hạn chế về việc phóng có thể được giảm bớt bởi Starship. Starship có thể phá vỡ giá cả trên thị trường thương mại nếu Elon Musk muốn, nhưng dự đoán của tôi là ông ấy tập trung nhiều hơn vào việc đưa con người lên sao Hỏa".

Edison Yu nói thêm rằng SpaceX, Rocket Lab, Astra Space sẽ là công ty vũ trụ chiến thắng khi nhu cầu tăng cao và không có sự phụ thuộc từ các nhà sản xuất vệ tinh trên khắp thế giới vào tên lửa Soyuz của Nga.

Một tên lửa đẩy Soyuz-2.1b với tầng trên Fregat và các vệ tinh của hãng OneWeb (Anh) được đưa ra khỏi bệ phóng sau khi vụ phóng bị hủy tại Sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan ngày 4.3 - Ảnh; Reuters

Đầu tháng trước, công ty truyền thông toàn cầu OneWeb đã quyết định từ bỏ các dịch vụ phóng của Nga và ký một thỏa thuận với đối thủ SpaceX để đưa các vệ tinh của mình lên quỹ đạo.

Hôm 4.3, cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) dự kiến phóng 36 vệ tinh của OneWeb vào không gian. Song sau đó, Roscosmos cho biết sẽ không tiến hành bất kỳ vụ phóng bổ sung nào cho OneWeb trừ khi công ty Anh đảm bảo rằng mạng của họ sẽ không được sử dụng cho mục đích quân sự và chính phủ Anh phải bán thiểu số cổ phần trong công ty.

Yêu cầu được đưa ra nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mà Anh áp đặt lên Nga sau cuộc tấn công Ukraine từ ngày 24.2.

Thời điểm đó, chính phủ Anh tuyên bố sẽ không bán cổ phần của mình trong OneWeb. Đến nay, tên lửa Soyuz đã mang theo 428 vệ tinh OneWeb lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Mạng thế hệ đầu tiên của OneWeb cuối cùng sẽ bao gồm 648 vệ tinh.

Bị Nga gây khó dễ, OneWeb thông báo đã tìm thấy đối tác mới là SpaceX.

OneWeb lựa chọn SpaceX làm nhà cung cấp bệ phóng có lẽ là điều bất thường. Lý do vì công ty vũ trụ Mỹ là đối thủ cạnh tranh với OneWeb trong việc xây dựng chòm sao vệ tinh của riêng mình. Thế nhưng, tên lửa Falcon 9 của SpaceX là công cụ đáng tin cậy sẽ giúp OneWeb đi đúng hướng. OneWeb nói lần phóng đầu tiên sẽ đến vào cuối năm nay.

Trong một tuyên bố, OneWeb không tiết lộ SpaceX sẽ phóng bao nhiêu vệ tinh hoặc thực hiện bao nhiêu lần phóng. Hiện tại, OneWeb có 428 vệ tinh trên quỹ đạo, chiếm 66% đội bay, cung cấp internet cho người dùng mặt đất.

Chúng tôi cảm ơn SpaceX vì sự hỗ trợ của họ, điều này phản ánh tầm nhìn chung giữa chúng tôi về tiềm năng vô biên của không gian. Với những kế hoạch phóng này, chúng tôi đang trên đà hoàn thành việc xây dựng đội vệ tinh đầy đủ và cung cấp kết nối mạnh mẽ, nhanh chóng, an toàn trên toàn cầu”, theo Giám đốc điều hành OneWeb - Neil Masterson.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nga-bi-trung-phat-cac-cong-ty-ten-lua-my-gap-thach-thuc-dua-hang-tram-ve-tinh-len-vu-tru-180341.html