Nga cần thị trường Trung Quốc hơn hay Bắc Kinh cần khí đốt Moscow hơn?
Bất chấp kế hoạch đầy tham vọng nhằm trung hòa lượng carbon và tự cung cấp năng lượng vào năm 2060, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Không giống như Liên minh châu Âu (EU) - nơi đã 'ly hôn năng lượng' Nga - Bắc Kinh vẫn có thể dựa vào khí đốt tự nhiên và dầu mỏ của Moscow.
Nikola Mikovic, nhà báo, nhà nghiên cứu và nhà phân tích tự do có trụ sở tại Serbia nhận định như vậy trong một bài báo trên Nhật báo South China Morning Post (SCMP), đăng tải ngày 30/7.
Nhà báo trên cho hay, bị cắt đứt khỏi các thị trường phương Tây, Nga - quốc gia có thu nhập từ dầu khí chiếm gần 30% ngân sách quốc gia - đặt mục tiêu tìm kiếm khách hàng mới.
Trong hai năm qua, Nga đã tăng đáng kể lượng xuất khẩu dầu sang Ấn Độ. Quốc gia này cũng đang tìm cách xây dựng đường ống Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) để cung cấp 50 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm cho Trung Quốc trong tương lai.
Dự án lớn - Sức mạnh Siberia 2 chưa chắc chắn
Năm 2023, Nga trở thành nguồn nhập khẩu dầu thô hàng đầu của Trung Quốc. Xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Moscow sang Bắc Kinh cũng tăng 61,7% trong năm 2023 so với năm 2022. Tuy nhiên, nhà báo Nikola Mikovic đánh giá, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dường như không vội vàng với đường ống Sức mạnh Siberia 2.
"Một trong những lý do chính cho sự chậm trễ này có thể là lo ngại về giá cả", nhà báo Nikola Mikovic nhận định.
Khi EU rốt ráo "ly hôn" khí đốt Moscow, Trung Quốc đang tận dụng mua vào khí đốt giá ưu đãi của Nga. Dù vậy, hợp tác năng lượng với Bắc Kinh chưa cho phép Moscow bù đắp hoàn toàn việc mất thị trường châu Âu.
Năm 2023, Nga chỉ xuất khẩu 28,3 tỷ m3 khí đốt tự nhiên sang châu Âu - một con số nhỏ so với 192 tỷ m3 mà "gã khổng lồ" khí đốt Gazprom đã bán cho các nước châu Âu vào năm 2019, thời điểm chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine chưa bắt đầu.
Ông Nikola Mikovic dẫn chứng, năm ngoái, Trung Quốc đã mua 22,7 tỷ m3 khí đốt tự nhiên của Nga, với giá 286,9 USD/1.000 m3. Trong khi đó, điện Kremlin tính phí nhiều hơn cho các nước châu Âu, bán khí đốt tự nhiên với giá 461,3 USD/1.000 m3.
Dù đã được mua khí đốt với giá thấp hơn châu Âu, nhưng nhà báo Nikola Mikovic nhận thấy, một số báo cáo cho thấy, Bắc Kinh dự kiến sẽ trả ở mức giá gần bằng giá bán khí đốt nội địa của Nga - khoảng 84 USD/1.000 m3.
"Quan trọng hơn, nền kinh tế lớn nhất châu Á được cho là sẽ cam kết chỉ mua một phần nhỏ công suất hàng năm theo kế hoạch của đường ống Sức mạnh Siberia 2. Điện Kremlin, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, dường như chưa sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ lớn như vậy đối với đối tác chiến lược của mình. Do đó, việc thực hiện dự án Sức mạnh Siberia 2 vẫn chưa chắc chắn", ông Nikola Mikovic nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, câu hỏi đặt ra là: Liệu Trung Quốc có cần một đường ống khác cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga hay không? Hiện tại, Bắc Kinh vẫn đang mua khí đốt thông qua Power of Siberia 1 (Sức mạnh Siberia 1).
Giống như châu Âu, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đặt mục tiêu đa dạng hóa và mở rộng nguồn nhập khẩu khí đốt. Địa lý đóng một vai trò quan trọng trong chính sách năng lượng của Bắc Kinh.
Chính vì thế, không chỉ mua khí đốt Nga, khí đốt từ các nước như Turkmenistan, Myanmar, Kazakhstan và Uzbekistan cũng đang "chảy" sang Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Trung Quốc sẽ lên tới 250 tỷ m3 vào năm 2030, gần như có thể được đáp ứng hoàn toàn bởi các hợp đồng hiện tại với các nhà cung cấp của nước này. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng có kế hoạch mua một lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Australia, Qatar và Nga.
Ai cần ai hơn?
Nhưng nhìn xa hơn, theo nhà báo Nikola Mikovic, nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc có thể đạt 300 tỷ m3 mỗi năm vào năm 2040. Một nửa khối lượng này dự kiến sẽ được chi trả bởi các hợp đồng hiện tại. Kết quả là, Bắc Kinh vẫn phải đạt được thỏa thuận với Moscow về đường ống Sức mạnh Siberia 2.
Tuy nhiên, đất nước của Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên kế hoạch đầy tham vọng nhằm trung hòa lượng carbon và tự cung cấp năng lượng vào năm 2060. Do đó, không loại trừ khả năng Trung Quốc tìm cách giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Bắc Kinh sẵn sàng phát triển ngành hydro xanh cũng như tăng sản xuất amoniac, metanol và sinh khối xanh để giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của nước này. Sau “sự gia tăng lịch sử” của Bắc Kinh trong việc lắp đặt năng lượng Mặt trời, gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác vào năm ngoái, năng lượng tái tạo dự kiến sẽ là nguồn năng lượng thống trị ở Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 2035 đến năm 2040.
Theo phán đoán của nhà báo Nikola Mikovic, ngay cả khi Trung Quốc không đạt được tất cả các kế hoạch đầy tham vọng liên quan đến việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, thì cũng không có nhiều khả năng Sức mạnh Siberia 2 sẽ sớm trở thành ưu tiên năng lượng hàng đầu của nước này.
Về phía Nga, mới đây, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga vừa báo cáo khoản lỗ đầu tiên sau hơn 20 năm, là kết quả của cuộc “ly hôn năng lượng” với châu Âu. "Moscow dường như cần thị trường Bắc Kinh hơn là Trung Quốc cần khí đốt của Nga", nhà báo Nikola Mikovic nhấn mạnh.
Nhận thức rõ điều đó, Bắc Kinh có thể đưa ra các điều kiện riêng của mình đối với Điện Kremlin.
Nhưng vấn đề đối với Moscow là dự án Sức mạnh Siberia 2 có thể không khả thi về mặt tài chính.
Với chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra ở Ukraine, "cơn mưa" trừng phạt từ phương Tây và "gã khổng lồ" năng lượng của nước này thua lỗ, đất nước của Tổng thống Putin khó có thể tài trợ cho việc xây dựng đường ống trị giá hàng tỷ USD dài 2.600 km đi qua Nga, Mông Cổ và Trung Quốc (đường ống Sức mạnh Siberia 2). Và vì thế, Nga rất khó có khả năng được hưởng lợi từ dự án này.