Nga cảnh báo các lệnh trừng phạt Myanmar có thể dẫn đến nội chiến
Hôm 7-4, Reuters dẫn tuyên bố của chính quyền Nga cho rằng các nước Phương Tây có nguy cơ gây ra một cuộc nội chiến ở Myanmar bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lực lượng quân đội đã nắm quyền trong sau cuộc đảo chính.
Tuy nhiên Pháp cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng cường các lệnh trừng phạt đối với các tướng lĩnh quân đội.
Hiện nay chính quyền quân đội ở Myanmar đang phải đối mặt với một chiến dịch biểu tình ủng hộ dân chủ và bất tuân dân sự kéo dài trên khắp đất nước, đồng thời chịu sức ép từ sự lên án và nhiều lệnh trừng phạt hơn từ Phương Tây.
Tại thành phố chính của Myanmar, Yangon hôm 6-4 những người biểu tình đã phun sơn đỏ lên các con đường, tượng trưng cho sự đổ máu trong một cuộc đàn áp của lực lượng an ninh.
“Máu vẫn chưa khô,” một thông báo màu đỏ được phun lên mặt đường bằng sơn nhấn mạnh.
Khoảng 570 người, trong đó có hàng chục trẻ em, đã bị quân đội và cảnh sát bắn chết trong tình trạng bất ổn gần như hàng ngày kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra và lực lượng an ninh đã bắt giữ gần 3.500 người, nhóm vận động Hiệp hội các tù nhân chính trị (AAPP) cho biết.
Trong số những người bị giam giữ có Suu Kyi, chính trị gia nổi tiếng nhất Myanmar và các thành viên của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà.
Tuy nhiên, Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt chống lại chính quyền quân đội là vô ích và cực kỳ nguy hiểm.
Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Trên thực tế, một đường lối như vậy góp phần tạo ra việc các bên chống lại nhau và cuối cùng, đẩy người dân Myanmar tiến tới một cuộc xung đột dân sự toàn diện”.
Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn cho Myanmar và Thứ trưởng Quốc phòng nước này đã gặp lãnh đạo cuộc đảo chính, Tướng Min Aung Hlaing ở thủ đô Naypyitaw vào tháng trước, động thái vấp phải sự chỉ trích từ các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc Moscow hợp pháp hóa chính quyền quân đội.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết Liên minh châu Âu đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt tập thể đối với quân đội Myanmar nhắm vào các lợi ích kinh doanh của lực lượng này.
Le Drian nói với các nhà lập pháp: “Chúng tôi sẽ bổ sung các biện pháp trừng phạt kinh tế ở cấp độ 27 quốc gia EU ... đối với các thực thể kinh tế có liên kết với quân đội. Các biện pháp trừng phạt có thể được áp dụng rất nhanh chóng”.
Tháng trước, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số nhân vật có liên quan đến cuộc đảo chính và các cuộc đàn áp sau đó, trong khi Mỹ cũng đã thực hiện các biện pháp chống lại các cá nhân và doanh nghiệp do quân đội điều hành, vốn bao trùm nhiều mảng trong đời sống kinh tế của Myanmar.