Nga cáo buộc Ukraine tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng
Bộ Quốc phòng Nga ngày 1/4 đã cáo buộc Ukraine tập kích cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga hai lần trong 24 giờ qua, bất chấp lệnh tạm ngừng tấn công các cơ sở năng lượng của nhau do Mỹ làm trung gian.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Bộ Quốc phòng Nga ngày 1/4 đã cáo buộc Ukraine tập kích cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga hai lần trong 24 giờ qua, bất chấp lệnh tạm ngừng tấn công các cơ sở năng lượng của nhau do Mỹ làm trung gian.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo thiết bị bay không người lái (UAV) của Ukraine đã tấn công các trạm biến áp ở một phần khu vực Zaporizhzhia do Moskva kiểm soát ở Đông Nam Ukraine và ở khu vực Belgorod phía Nam của Nga, gây ra tình trạng mất điện.
Hiện chưa có bình luận từ phía Ukraine. Kiev cũng lên tiếng cáo buộc Moskva vi phạm lệnh tạm ngừng những cuộc tấn công tương tự.
Cũng trong ngày 1/4, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “câu giờ” trong những cuộc đàm phán về chiến sự ở Ukraine.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức dẫn lời Ngoại trưởng Baerbock nêu rõ: “Ukraine đã sẵn sàng ngừng bắn ngay lập tức. Chính (Tổng thống Vladimir) Putin mới là người đang câu giờ, không muốn hòa bình và tiếp tục cuộc chiến xâm lược vi phạm luật pháp quốc tế… Ông ta giả vờ sẵn sàng đàm phán, nhưng không hề nhân nhượng một chút nào trong các mục tiêu của mình.”
Trước đó, ngày 11/3, Ukraine - vốn đang gặp khó khăn trên chiến tuyến - và Mỹ đã nhất trí về kế hoạch ngừng bắn 30 ngày với Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã bác bỏ đề xuất của Washington và tăng cường luận điệu về việc Moskva muốn thay đổi ban lãnh đạo Ukraine.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Đức tới Kiev kể từ khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ. Ông Trump đã làm đảo lộn mối quan hệ giữa Mỹ và “Lục địa già” khi bỏ qua các nước châu Âu để tiếp cận trực tiếp với Nga nhằm chấm dứt xung đột.
Sự thay đổi chính sách này đã làm dấy lên lo ngại về tương lai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thúc đẩy châu Âu tập trung nâng cao năng lực phòng thủ, cũng như gia tăng hỗ trợ cho Ukraine.
Trong tháng 3, Đức đã phê duyệt khoản viện trợ quân sự mới trị giá 3 tỷ euro (3,25 tỷ USD) cho Ukraine sau khi thông qua gói chi tiêu lớn nới lỏng các quy định nghiêm ngặt về nợ công vốn có từ trước.
Ngoại trưởng Baerbock tuyên bố: “Trước tình hình bế tắc giữa Mỹ và Nga, nhiệm vụ tuyệt đối cần thiết là chúng ta, những người châu Âu, phải thể hiện rằng chúng ta đứng về phía Ukraine... và ủng hộ Ukraine hơn bao giờ hết”./.