Nga chiến thắng trong cuộc đua về năng lượng hạt nhân và chuỗi cung ứng uranium
Bất chấp trừng phạt, Nga đang chiếm ưu thế trong cuộc đua năng lượng hạt nhân và kiểm soát uranium, thách thức trực tiếp Mỹ và châu Âu.

"Ngoại giao hạt nhân" của Nga không chỉ giới hạn ở châu Phi và Trung Á. Ảnh: TASS
Theo mạng tin eurasianet.org, trong khi cuộc xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu chững lại, một mặt trận khác âm thầm nhưng quyết liệt đang diễn ra giữa Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU): cuộc chiến giành quyền thống trị lĩnh vực năng lượng hạt nhân và kiểm soát chuỗi cung ứng uranium toàn cầu. Dường như, Nga đang chiếm thế thượng phong trong cuộc đua này, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Rosatom, tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước của Nga, đang nắm giữ vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng phi carbon. Điều này không chỉ cho phép Điện Kremlin gia tăng ảnh hưởng địa chính trị mà còn củng cố các mối quan hệ kinh tế quan trọng, bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Đồng thời, nguồn thu khổng lồ từ Rosatom cũng góp phần đáng kể vào ngân sách quốc gia Nga, tiếp sức cho cuộc chiến ở Ukraine. Theo ước tính, Rosatom hiện kiểm soát tới 50% thị trường năng lượng hạt nhân toàn cầu, thậm chí hoạt động tại các quốc gia thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Đáng chú ý, Rosatom vẫn chưa phải chịu bất kỳ lệnh trừng phạt trực tiếp nào từ phương Tây. Nhờ đó, doanh thu của tập đoàn này đã tăng trưởng ấn tượng, từ khoảng 12 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022 lên 18 tỷ đô la Mỹ vào năm ngoái, tăng tới 50% chỉ trong vòng hai năm. Hiện tại, Rosatom đang tham gia xây dựng 26 trong số 59 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng trên toàn thế giới, trong đó chỉ có hai lò nằm ở Nga.
Quyền kiểm soát thị trường quốc tế của Rosatom dự kiến sẽ còn gia tăng trong tương lai gần, một phần do ảnh hưởng ngày càng lớn của tập đoàn này đối với nguồn cung uranium, nguyên liệu thiết yếu để vận hành các lò phản ứng. Một sự kiện ít được chú ý vào năm 2023, cuộc đảo chính lật đổ chính phủ thân phương Tây ở Niger, một quốc gia châu Phi khai thác khoảng 5% nguồn cung quặng uranium chất lượng cao toàn cầu, đã mang lại lợi thế lớn cho Nga. Hiện tại, Nga đang kiểm soát các nguồn cung này sau khi quân đội Mỹ và Pháp rút khỏi Niger. Điều này làm suy yếu khả năng phục hồi của ngành hạt nhân Pháp và làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc của Mỹ vào việc nhập khẩu uranium đã làm giàu từ Nga.
Một bài viết gần đây trên tờ Le Monde đã ví châu Phi như một "tiền tuyến" mới giữa Nga và phương Tây, nơi cuộc chiến chủ yếu xoay quanh uranium và các khoáng sản quan trọng khác. Sự kiện ở Niger cho thấy nỗ lực không ngừng của Nga trong việc giảm ảnh hưởng của Pháp và Mỹ tại lục địa này. Việc mất quyền tiếp cận uranium Niger chắc chắn gây bất lợi cho Pháp, quốc gia đã xây dựng sức mạnh hạt nhân một phần nhờ nguồn cung này.
Ảnh hưởng ngày càng rộng của Nga trên khắp khu vực Sahel bao gồm các quan hệ đối tác an ninh, các thỏa thuận về tài nguyên, tất cả đều dựa trên khả năng khai thác và tinh chế các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng cho phát triển năng lượng hạt nhân. Sự mở rộng của Nga vào châu Phi cho thấy sự tập trung nhất quán vào việc kiểm soát mọi khâu của chuỗi cung ứng năng lượng hạt nhân, từ nguyên liệu thô đến xây dựng, bảo trì và ngừng hoạt động các lò phản ứng.
Điện Kremlin từ lâu đã duy trì vị thế thống trị đối với nguồn cung cấp uranium từ Trung Á. Theo Liên minh Hạt nhân Thế giới, Kazakhstan chịu trách nhiệm sản xuất khoảng 43% nguồn cung toàn cầu, trong khi Uzbekistan đóng góp 6,7% và Nga là 5,1%. Mặc dù Kazakhstan và Uzbekistan xuất khẩu uranium sang nhiều quốc gia, Nga vẫn có khả năng gây ảnh hưởng lên Astana và Tashkent, guy cơ làm gián đoạn nguồn cung cho các nước khác.
"Ngoại giao hạt nhân" của Nga không chỉ giới hạn ở châu Phi và Trung Á. Nhờ ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng uranium, Nga đã tìm được các đối tác sẵn sàng ở Đông Nam Á, nơi họ trao đổi năng lượng để lấy sự ủng hộ ngoại giao. Theo một nhà phân tích được tờ New York Times trích dẫn, đối với các quốc gia bị phương Tây trừng phạt, "Nga là phương sách ngoại giao cuối cùng". Hơn nữa, Nga còn cung cấp quan hệ đối tác cho các quốc gia đang tìm kiếm một lập trường trung lập giữa Mỹ và Trung Quốc.
Moskva thậm chí có thể sử dụng sức mạnh chuỗi cung ứng uranium của mình làm đòn bẩy trong các giao dịch với Mỹ. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, 12% lượng uranium nhập khẩu vào Mỹ đến từ Nga, bên cạnh 36% từ Uzbekistan và Kazakhstan. Để đối phó với lỗ hổng tiềm ẩn này, chính quyền Trump đã ban hành các quy tắc vào tháng 3 nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước các khoáng sản quan trọng, bao gồm cả uranium.
Mặc dù Điện Kremlin hiện đang chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về năng lượng hạt nhân và chuỗi cung ứng liên quan, sự thống trị lâu dài của họ vẫn chưa được đảm bảo. Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn có cơ hội giành lại một phần thị trường ở Trung Á, "sân sau" của Nga.
Năng lượng hạt nhân và khoáng sản quan trọng đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự ngoại giao của Trung Á vào năm 2025. Kazakhstan và Uzbekistan đã có kế hoạch xây dựng ít nhất hai lò phản ứng hạt nhân, thậm chí có thể nhiều hơn. Các cuộc thảo luận về việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân cũng diễn ra ở Kyrgyzstan và Tajikistan.
Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo khu vực vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc ai sẽ nhận được các hợp đồng xây dựng và bảo trì béo bở cho các cơ sở này. Họ đã bày tỏ mong muốn tăng cường chủ quyền quốc gia bằng cách đa dạng hóa các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân và khai khoáng. Uzbekistan.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc trong việc giúp các quốc gia Trung Á phát triển năng lực điện hạt nhân và khai thác đất hiếm trong khu vực. Hội nghị thượng đỉnh Trung Á-EU kết thúc vào ngày 4/4 vừa qua đã dành nhiều thời gian để thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khai khoáng.
Lợi ích chung là rõ ràng. Giờ đây, Mỹ và Liên minh châu Âu cần biến những lời nói thành hành động, thực hiện các khoản đầu tư vững chắc và đáng kể để giành lại thị phần và cuối cùng làm suy yếu tầm ảnh hưởng toàn cầu của Nga. Chừng nào Nga còn tiếp tục thống trị thị trường năng lượng hạt nhân thế giới, họ sẽ còn tiếp tục đe dọa Ukraine và cả thế giới.