Nga chốt xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Trung Á
Nga sẽ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân nhỏ ở Uzbekistan, dự án đầu tiên như vậy ở Trung Á thời hậu Xô Viết, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev cho biết hôm thứ Hai 27/5 tại cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nếu được thực hiện, thỏa thuận hạt nhân này, sẽ cho thấy khả năng của Nga trong việc xuất khẩu không chỉ năng lượng mà còn cả các sản phẩm công nghệ cao sang các thị trường châu Á, vào thời điểm phương Tây đang gia tăng áp lực lên nước này thông qua các lệnh trừng phạt.
Ông Putin cho biết Nga sẽ đầu tư 400 triệu USD vào quỹ đầu tư chung để tài trợ cho các dự án ở Uzbekistan.
Ông Mirziyoyev cũng cho biết Tashkent quan tâm đến việc mua thêm dầu và khí đốt từ Nga, trái ngược với thông lệ kéo dài hàng thập kỷ - đó là Moscow nhập khẩu hydrocarbon từ Trung Á.
Tổng thống Uzbekistan gọi chuyến thăm hiện tại của ông Putin tới nước này mang tính "lịch sử".
Ông nói: “Nó báo trước sự khởi đầu của một thời đại mới trong quan hệ đối tác chiến lược và liên minh toàn diện giữa hai nước chúng tôi”.
Ông Putin nhận định Tashkent - Moscow là "đối tác chiến lược và đồng minh đáng tin cậy".
Theo các tài liệu do Điện Kremlin công bố, Tập đoàn hạt nhân nhà nước Nga Rosatom sẽ xây dựng tới sáu lò phản ứng hạt nhân với công suất 55 megawatt mỗi lò ở Uzbekistan, một dự án quy mô nhỏ hơn nhiều so với dự án 2,4 gigawatt đã được thỏa thuận vào năm 2018 nhưng chưa được hoàn thiện.
Vẫn chưa có nhà máy điện hạt nhân nào ở các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ, mặc dù Uzbekistan và nước láng giềng Kazakhstan, cả hai đều là nhà sản xuất uranium, từ lâu đã cho rằng nền kinh tế đang phát triển của họ cần tới năng lượng hạt nhân.
Tuy nhiên, dự án ở Kazakhstan chỉ có thể tiến triển sau một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc, những cuộc trưng cầu vẫn chưa được lên lịch.
Ông Mirziyoyev cho biết: “Gần như tất cả các quốc gia hàng đầu trên thế giới đều đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững nhờ sự trợ giúp của năng lượng hạt nhân”.
Nguồn cung cấp năng lượng
Lợi dụng chiến dịch của Nga nhằm chuyển hướng xuất khẩu khí đốt sang châu Á trong bối cảnh rạn nứt với phương Tây về Ukraine, vào tháng 10 năm ngoái, Uzbekistan đã bắt đầu nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga thông qua đường ống mà trước đó đã bơm theo hướng ngược lại.
Mặc dù sản lượng khí đốt của nước này vẫn ở mức đáng kể, khoảng 50 tỷ mét khối mỗi năm, nhưng Uzbekistan vẫn gặp khó khăn trong việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước, do đó nguồn cung từ Nga đã giúp nước này tránh được một cuộc khủng hoảng năng lượng.
Ông Putin cho biết: “Xuất khẩu khí đốt của Nga sang Uzbekistan đang tiến triển tốt trước thời hạn và chúng tôi sẵn sàng tăng khối lượng nếu cần”.
Theo ông Mirziyoyev, Tashkent cũng mong muốn tăng nhập khẩu dầu của Nga.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cho biết Chính phủ của họ đang thực hiện các dự án lớn về khai thác mỏ, kim loại và hóa chất.
Uzbekistan, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào kiều hối từ lao động nhập cư làm việc ở Nga, đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Moscow sau cuộc xung đột ở Ukraine vào năm 2022.