Nga chuẩn bị 'bão thép': Sản xuất xe tăng gấp 10 lần thời bình, hướng tới 3.000 chiếc/năm
Nga lên kế hoạch sản xuất 3.000 xe tăng/năm vào 2035, hồi sinh ngành thiết giáp từng làm nên sức mạnh Liên Xô. Xe tăng T-90M, T-80 mới và T-14 Armata là trọng tâm hiện đại hóa của Moscow trong bối cảnh căng thẳng quân sự gia tăng.

Hoạt động sản xuất xe tăng T-90 tại nhà máy Uralvagonzavod. Ảnh: MW.
Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang trên đà mở rộng mạnh mẽ sản lượng xe tăng chiến đấu chủ lực, với mục tiêu đạt 1.000 chiếc mới vào giữa năm 2028 và lên tới 3.000 chiếc vào giữa năm 2035, theo một đánh giá mới đây của Nhóm Tình báo Xung đột (Conflict Intelligence Team).
Trong thập niên 2010, quân đội Nga chỉ mua trung bình khoảng một xe tăng mỗi năm, dù các nhà máy vẫn sản xuất hơn 80 chiếc/năm, phần lớn dành cho xuất khẩu. Tuy nhiên, kể từ khi chiến sự toàn diện với Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã phản ứng nhanh với nhu cầu nội địa tăng vọt bằng cách tăng hơn gấp ba sản lượng trong vòng 2 năm. Trong năm 2024, ước tính Nga sản xuất khoảng 280–300 xe tăng, và đà tăng này sẽ tiếp tục trong những năm tới.
Sự gia tăng sản lượng này được coi là thiết yếu, vừa để bù đắp tổn thất ở tiền tuyến, vừa đối phó với việc các lực lượng phương Tây tăng cường hiện diện dọc biên giới Nga.

T-90M tại nhà máy Uralvagonzavod. Ảnh: MW.
Hiện nay, Nga chỉ còn một nhà máy sản xuất xe tăng duy nhất – Uralvagonzavod, từng là một trong ba nhà máy lớn nhất Liên Xô (trong tổng số 5 nhà máy). Hai nhà máy lớn còn lại – Omsktransmash (gần biên giới Kazakhstan) đã phá sản đầu những năm 2000, và Malyshev (tại Ukraine) từng sản xuất một số ít xe tăng T-80 hiện đại hóa nhưng hiện đã ngừng hoạt động.
Trong thập kỷ cuối cùng của Liên Xô, nước này sản xuất khoảng 4.000 xe tăng mỗi năm – vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới tại thời điểm đó. Uralvagonzavod là nhà máy chuyên sản xuất T-72, còn Omsktransmash và Malyshev chế tạo dòng T-80 đắt tiền và phức tạp hơn.

Xe tăng T-80BVM bọc thép mới được tân trang tại Zaporozhye vào tháng 1/2023. Ảnh: MW.
Sau khi Liên Xô tan rã, do đánh giá T-72 có hiệu suất chi phí cao hơn, Bộ Quốc phòng Nga tập trung đầu tư vào dòng này, từ đó phát triển biến thể T-72BU và đổi tên thành T-90. Đây là mẫu xe tăng hiện được sản xuất với số lượng lớn nhất thế giới tại Uralvagonzavod. Trong năm 2025, Nga dự kiến sẽ sản xuất khoảng 400 xe tăng T-90M, biến thể nâng cấp đáng kể nhất.
Ngoài ra, Nga có kế hoạch khôi phục dây chuyền sản xuất dòng T-80 tại nhà máy Omsktransmash, sau khi truyền thông nhà nước thông báo vào tháng 9/2023 rằng công việc chuẩn bị đã bắt đầu. Dù vậy, quá trình này còn nhiều bất định vì T-80 đã ngừng sản xuất suốt 29 năm. Tuy nhiên, vào tháng 4/2024, Nga đã tái sản xuất thành công loại động cơ tua-bin khí đặc biệt dùng cho T-80, bước đột phá giúp việc khôi phục sản xuất trở nên khả thi hơn.

Hoạt động sản xuất T-90M tại nhà máy Uralvagonzavod. Ảnh: MW
Hiện vẫn chưa rõ quy mô sản xuất và khả năng chiến đấu cụ thể của biến thể T-80 mới, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng phiên bản nâng cấp này sẽ vượt qua cả T-90M và có thể tích hợp các công nghệ tiên tiến từ chương trình xe tăng T-14 Armata (vốn chưa hoàn thiện), như tháp pháo không người lái điều khiển từ xa.
Nếu Nga tập trung vào cả hai dòng T-80 và T-90 nâng cấp, và đạt sản lượng khoảng 3.000 xe tăng mỗi năm, đây sẽ là dấu mốc đánh dấu sự trở lại quy mô sản xuất thời Liên Xô – điều từng được coi là lợi thế chiến lược then chốt giúp Moscow đối trọng phương Tây.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ẩn số chưa rõ, bao gồm: kế hoạch hiện đại hóa tiếp theo cho T-80 và T-90; tương lai mờ mịt của dòng T-14 bị trì hoãn lâu năm; và khả năng tài chính của Nga để tái xây dựng kho dự trữ xe bọc thép, vốn đã cạn kiệt nhanh chóng kể từ năm 2022 do tổn thất trên chiến trường.